06/08/2016 14:51 GMT+7

6 chàng trai trên đỉnh Pha Luông

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Tại độ cao 1.596m như một ốc đảo, sáu chàng trai ở đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập - trạm kiểm soát biên phòng Pha Luông (Mộc Châu, Sơn La) - đang ở đó với tinh thần tuổi trẻ đầy nhiệt huyết.

Anh em trên đường thăm dân bản về - Ảnh: My Lăng
Anh em trên đường thăm dân bản về - Ảnh: My Lăng

Sự lạc quan và trách nhiệm của họ với công việc, với người dân khiến “ốc đảo” chỉ là chuyện địa lý.

Câu chuyện từ “đường lên chục củ”

Chàng thiếu úy Nguyễn Văn Xuân (25 tuổi) cho tôi xem một clip do khách phượt quay lại trong lần lên Pha Luông và tình cờ gặp hai anh bộ đội lúc trời mưa: một người ngồi trên xe chở bao ximăng và người sau cầm dây thừng kéo ghì “con ngựa sắt” cho khỏi trôi tụt xuống dốc.

Anh bộ đội kéo xe chính là Xuân.

Khách phượt hỏi lương tháng trên này bao nhiêu, mấy anh bộ đội thật thà bảo: 10 triệu. Khách thở dài cười: “Ôi. Đường lên chục củ!”.

“Trời mưa đi vất vả lắm. Cần mua gì nặng thì phải ba anh em đi. Khi chở nặng trên 30kg, về số 1 cũng không lên được. Phải có hai người đẩy. Xuống dốc thì hai người đi sau kéo xe lại. Đó là còn đi xe được.

Không thì phải đi bộ xuống chợ cách trạm 14km. Đi từ 6g sáng đến tối mịt mới về đến trạm. Đoạn nào đường xấu quá thì mượn bà con cái gùi, cho thực phẩm vào gùi vác bộ. Từ đoạn bản mới lên đây 7km nhưng đi gần hai tiếng mới đến trạm.

Trạm kiểm soát biên phòng Pha Luông mới được hơn 3 tuổi, quản lý bốn cột mốc biên giới. Đường biên giới dọc theo dãy núi Pha Luông, bên này là Việt Nam, bên kia là Lào.

Trạm chỉ có sáu người, mỗi người một quê: Hưng Yên, Hải Phòng, Phú Thọ, Sơn La... Người lớn tuổi nhất là đội phó Lò Xuân Chiều (45 tuổi), dân tộc Thái. Em út của trạm là binh nhất Tòng Văn Long, 19 tuổi. Long là chiến sĩ “mới tinh”, vừa huấn luyện chiến sĩ xong.

Đội trưởng đội phòng chống ma túy Lò Đức Vui (26 tuổi, người dân tộc Thái) bảo: “Mình đã ở nhiều nơi khó khăn. Nhưng đây là nơi khó khăn nhất”.

“Bây giờ vẫn còn vất vả nhưng không là gì so với những ngày đầu thuở khai thiên lập địa đâu” - trung úy Phạm Thiện Thuật nói.

Đó là một ngày trời mưa tầm tã: ngày 15-10-2013, bốn anh em đầu tiên lên trạm. Trạm chỉ có mỗi cái nhà không. Bếp không có. Điện, nước cũng không. Chén bát chưa kịp mang lên. Nồi niêu chỉ có một cái.

Nước ở đây được dẫn từ trên núi xuống là thứ nước chảy từ đá vôi nên phải lọc nhiều lần. Mưa rền suốt một tuần. Gạo và thức ăn chưa kịp chuyển lên vì mưa, đường trơn trượt.

“Xuân vào bản xin được quả bí. Mình hỏi sao không xin mỡ về xào, nó cười bảo: Người dân chỉ ăn luộc, làm gì có mỡ. Suốt một tuần ròng bữa cơm chỉ có măng. Hết măng luộc đến nấu canh. Anh em giờ nhìn thấy măng là sợ, chảy nước mắt” - trung úy Hoàng Thế Sơn nói.

Trong lòng không có “ốc đảo”

Hiện trạm dùng điện chạy từ tuôcbin nước. Một tuần sửa 3-4 lần. Có hôm một ngày sửa 2-3 lần. Đội trưởng trạm nói trước anh em mượn người quen cái tivi và tủ lạnh con chạy thử nhưng không được, trả lại lâu rồi.

Điện chập chờn lúc mạnh lúc yếu nên hay cháy bóng lắm. Có hôm cháy 25 bóng điện, cháy 5 cái sạc điện thoại. Anh em vừa bực vừa xót của”.

Buổi tối ở trạm tĩnh lặng, cô quạnh như ốc đảo. Không nhạc. Không tiếng tivi. Không radio. Ăn cơm xong mấy anh chàng hăm hở gọi tôi ra ngồi uống nước ở chòi tiếp khách.

Xuân với vẻ mặt đầy tự hào, chỉ lên vòng dây điện nhấp nháy ở vòm chòi bảo: “Đây là chỗ đẹp nhất trạm đấy. Buổi tối anh em ra đây uống trà. Buồn buồn thì bật điện nhìn cho vui tí nhưng không dám để lâu, tốn xăng lắm”.

Với người lính ở nơi thâm sơn cùng cốc này, mỗi lít xăng là cả vấn đề. Một tối nếu chạy máy nổ phải hết 5 lít xăng, anh em không chịu nổi. Có lúc hết xăng phải lấy xăng xe máy đổ vô.

“Mỗi anh em bỏ ra 350.000 đồng làm cái chòi này. Hồi trước đó là chòi tre phủ bạt, là chỗ để trạm tiếp khách, ngồi uống nước, ăn cơm.

"Cái chòi ấy là nơi anh em ngồi trò chuyện mỗi tối và là “sân khấu” để tụ tập, giải trí cuối tuần. Ở đây sân bóng không có. Gió lớn không đánh được cầu lông. Chỉ có mỗi cách là... hát”.

Trung úy Hoàng Thế Sơn nói ngoài công việc, vui nhất là có thể giúp đỡ được người dân bản. Anh kể về câu chuyện của Sùng Thị Mỉ, một cô gái câm điếc, ngẩn ngơ có thai và không ai biết cha đứa bé là ai.

Tháng 1-2015, Mỉ sinh một đứa con trai. Mỉ bị ápxe vú đến lở loét hết một bên ngực. Đứa con đẻ ra không được đặt tên, thiếu sữa mẹ nên chỉ còn da bọc xương.

Bố mẹ già yếu, nhà không có gạo ăn. Trong lần vào bản nắm tình hình và tình cờ biết được hoàn cảnh của Mỉ, cả trạm không khỏi xót xa.

Nhìn đứa bé lúc ấy ai cũng nghĩ nó không sống nổi. Anh em chụp ảnh, đưa lên mạng kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người. Hai mẹ con Mỉ được đưa ra Bệnh viện Mộc Châu chữa bệnh.

Gia đình cô được làm một căn nhà nhỏ và có thêm một con trâu từ tiền của các nhà hảo tâm. “Chúng tôi đặt tên cho thằng bé là Sùng A Tủa. Bây giờ nó mập lắm, chạy khắp bản được rồi. Làm được cái gì cho bà con thấy cũng tự hào lắm”.

“Cách nhà tôi ở thành phố Sơn La 2km cũng có một trạm biên phòng. Tôi công tác ở đó nhưng tình nguyện về đây.

Tuổi trẻ mà! Chỗ nào khổ nhất thì xông pha xung phong đi. Chúng tôi ở lại vì thích cái tính thật thà, hiền lành của bà con người dân tộc. Với lại bà con ở được, mình là bộ đội sao không ở được?

Trung úy Hoàng Thế Sơn

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên