30/08/2006 07:32 GMT+7

53 năm, một lớp học tình thương

THÁI LŨY
THÁI LŨY

TT - Ở thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh, từ những năm 1950 đến nay đã tồn tại một lớp học tình thương. Đó là lớp học của hai mẹ con cô giáo: mẹ giờ đây đã qua tuổi 90 và con là cô giáo hưu trí 65 tuổi...

wSUmY83T.jpgPhóng to
Cô Sáu Thìn với lớp học tình thương tại nhà
TT - Ở thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh, từ những năm 1950 đến nay đã tồn tại một lớp học tình thương. Đó là lớp học của hai mẹ con cô giáo: mẹ giờ đây đã qua tuổi 90 và con là cô giáo hưu trí 65 tuổi...

Nghe chúng tôi hỏi thăm về lớp học có tuổi thọ... kỷ lục ấy, mấy người dân nói ngay: “Đúng là nhà cô Sáu Thìn (Lê Thị Thìn) rồi”. Đó là căn nhà cũ kỹ, đơn sơ với mái tường rêu phong ở khóm Minh Thuận, thị trấn Cầu Ngang. Tại căn nhà ấy, qua nhiều biến cố chiến tranh và nhiều lần sửa chữa, lớp học tình thương do mẹ cô Sáu mở ra từ năm 1953 vẫn không bị gián đoạn, mãi đến nay...

Gia đình cô Sáu Thìn vốn có truyền thống cách mạng, cha cô là ông Lê Văn Tân, tham gia cách mạng từ những năm 1945. Gia đình có sáu chị em nhưng nay chỉ còn lại ba người đều đóng góp cho cách mạng. Riêng cô Sáu Thìn năm nay đã 65 tuổi, sống độc thân và lo phụng dưỡng mẹ già.

Thời chiến tranh, gia đình cô Sáu là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Hằng ngày mẹ cô, bà Nguyễn Thị Nương, lo công việc gia đình và tiếp tế cho cách mạng. Những năm 1950, thấy nhiều gia đình của những đồng đội cùng tham gia cách mạng với chồng gặp rất nhiều khó khăn, con cái không được đi học, bà Nương đã đứng ra mở lớp dạy chữ cho con em họ.

Từ đó lớp học tình thương được bà Nương duy trì mãi 40 năm, đến khoảng năm 1990 thì chuyển giao cho cô Sáu Thìn tiếp tục công việc nghĩa tình này. Riêng cô Sáu sau năm 1975 làm hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Hòa B, sau đó chuyển về làm ở Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc bà mẹ, trẻ em huyện Cầu Ngang, rồi phó chủ tịch Hội phụ nữ huyện. Lúc về hưu thì cô lo phụ trách lớp học của mẹ.

Cô Sáu bộc bạch: “Cháu nào có hoàn cảnh khó khăn thì miễn phí toàn bộ, gia đình nào kha khá hơn thì thu chút ít tiền để giúp lại những em có hoàn cảnh quá khó khăn cùng được đến trường. Lớp đã được công nhận là lớp dân lập trong hệ thống của trường tiểu học thị trấn, nên sau khi dạy các cháu hết lớp 1, cô làm hồ sơ chuyển qua trường tiểu học để các cháu được tiếp tục học”.

Dù cuộc sống hằng ngày của cô Sáu và người mẹ già chỉ dựa vào đồng lương hưu ít ỏi và tiền chính sách cho người có công cách mạng, nhưng cô Sáu Thìn vẫn dành dụm để làm học bổng cho các em học sinh nghèo. Nhiều em trong số đó giờ đã vào đại học, như SV Nguyễn Thị Thảo được cô trợ giúp trong suốt ba năm học phổ thông, mỗi năm 900.000 đồng, hiện đang học tại Trường đại học Cần Thơ; em Huỳnh Thị Thu, đang là học sinh THPT ở huyện Cầu Ngang, mỗi năm 900.000 đồng...

Hơn mười năm nay, trên căn gác nhỏ ở nhà cô Sáu còn là nơi ở trọ miễn phí dành cho nhiều học sinh nghèo, ở xa đang theo học THPT trong thị trấn. Cô nói: “Có đáng gì đâu, giúp được các cháu học nên người là mừng rồi. Nhà mình sẵn có, nước thì có cây nước bơm lên, điện thì các cháu bật đèn học chút đỉnh đâu có đáng gì!”.

Lớp học qua năm tháng của hai cô giáo, hai mẹ con, ở một vùng quê nghèo khó Trà Vinh đã là nền tảng cho nhiều thế hệ thanh niên lớn lên ở vùng đất này, giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn vượt qua mặc cảm trên con đường gian nan tìm đến với từng con chữ...

THÁI LŨY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên