16/01/2012 06:55 GMT+7

53 giờ chạy đua với tử thần

ĐOÀN NHƯ HẢI (từ Nam Cực)
ĐOÀN NHƯ HẢI (từ Nam Cực)

TT - Là người VN duy nhất trên tàu Nathaniel B.Palmer (Hoa Kỳ), trực tiếp cứu nạn các thủy thủ tàu Jeong Woo 2 (Hàn Quốc) bị cháy ở biển Nam Cực hôm 11-1, TS Đoàn Như Hải - Viện Hải dương học Nha Trang - đã gửi thư kể về những giờ phút chạy đua với tử thần.

2RK4Pti9.jpgPhóng to
Tàu nghiên cứu Nathaniel B.Palmer - Ảnh tư liệu

Tàu cháy ở Nam cực, 3 người Việt mất tíchBa thủy thủ người Việt trên tàu Hàn Quốc đã chếtNỗi đau ngày giáp tết

Tôi ăn tối xong vào khoảng 1 giờ sáng (giờ địa phương, 19g ngày 11-1 giờ VN). Đột nhiên, con tàu Nathaniel B.Palmer của chúng tôi chạy hết tốc lực, màn hình trong phòng hiện dòng chữ “Cứu nạn khẩn cấp tàu cá”. Sau 18 tiếng mới đến nơi cứu nạn.

“Tôi không cần biết, việc của ta là cứu nạn”

8 giờ sáng, chúng tôi được triệu tập để thông báo tình hình. Thuyền trưởng cho biết một tàu đánh cá của Hàn Quốc bị cháy trong vùng biển Ross, cạnh bờ băng phía đông. Thủy thủ tàu bị nạn đã được sơ tán trên thuyền cứu sinh. Một số người bị thương và mất tích trong đám cháy. Có ai đó hỏi nguyên nhân tàu cháy, thuyền trưởng gắt: “Tôi không cần biết, việc của ta là cứu nạn”.

Chúng tôi đang làm việc trên một vùng xoáy hải dương học lớn và mới chỉ làm được một trạm tại tâm xoáy này. Thế là dừng mọi việc, đi cứu nạn. Trên tàu có vị đại diện Cơ quan Hỗ trợ nghiên cứu Nam Cực. Vị này cùng thuyền trưởng và khoa học trưởng đảm trách công tác cứu nạn. Một số thủy thủ, các thuyền phó, hai nhân viên y tế (kiêm kỹ thuật viên khoa học) cùng với các thành viên khoa học trong đoàn có kinh nghiệm và được đào tạo về sơ cứu y tế và cứu nạn được chọn để thành lập đội cứu nạn. Sang buổi chiều, trưởng nhóm đến gặp và cho tôi biết có thủy thủ người Việt Nam bị nạn và tôi được điều động cho các vị trí cần người phiên dịch.

Thực tế, công việc này chẳng hề đơn giản. Tàu phải họp mấy cuộc, phân công từng nhóm lo từng nhiệm vụ nhất định. Nhóm lo dùng canô, nhóm lo cẩu, nhóm lo phòng bệnh, nhóm ở boong dưới vận chuyển lên trên, nhóm ở boong trên vận chuyển vào phòng bệnh...

GfOLuP7j.jpgPhóng to
Tác giả Đoàn Như Hải ở Nam Cực

“Anh là người Việt à?”

Tôi được điều lên cầu tàu để liên lạc với tàu đang giữ người bị nạn. Được biết, tàu bị cháy ở trong nhóm ba tàu cá cùng đi. Những thủy thủ sống sót đã được chuyển sang tàu bạn. Những người bị thương đang chờ chúng tôi tới cứu, chuyển về trạm gần nhất.

Trên thực tế, chỉ tàu Palmer mới có khả năng thực hiện tốt nhất nhiệm vụ đó. Tàu có bệnh xá nhỏ với đủ các thiết bị y tế, cùng hai nhân viên đã được huấn luyện y tế, tốc độ tối đa 15 hải lý/giờ, là tàu phá băng và trên đường tới trạm chuyển phải qua vùng đóng băng.

Chúng tôi nhận được tín hiệu radio từ tàu cá Hàn Quốc: Palmer sẽ nhận bảy người bị thương. Các đội vào vị trí. Tiếp cận tàu cá, lập tức các nạn nhân được chuyển ngay sang Palmer. Mọi việc diễn ra rất nhịp nhàng và nhanh chóng ngoài dự đoán. Tôi phải xuống ngay phòng bệnh để tiếp nhận nạn nhân. Trong số họ có bốn thủy thủ Việt Nam và ba thủy thủ Indonesia. Họ lên tàu trong trạng thái lo lắng, vì không biết diễn biến sức khỏe thế nào, sẽ giao tiếp ra sao.

Nghe tôi hỏi, họ ngỡ ngàng: “Anh là người Việt à?”. Họ còn rất trẻ. Trẻ nhất vừa chớm 21 tuổi. Chúng tôi làm mọi cách an ủi, động viên để họ bớt lo lắng.

Tàu lại chạy hết tốc lực (bốn máy, 14-15 hải lý/giờ) về trạm McMurdo (Hoa Kỳ) ở Nam Cực. Mọi việc diễn ra khẩn trương, nhịp nhàng đến ngạc nhiên. Sau tiếp nhận nạn nhân là cấp cứu, sơ cứu. Chúng tôi làm việc liên tục từ 7 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau. Hết lau rửa, thay băng, truyền dịch, lại cho bảy nạn nhân uống thuốc. Trong những giờ phút vàng ngọc chạy đua với tử thần đó, chúng tôi luôn giữ liên lạc, tư vấn ý kiến của các bác sĩ trạm McMurdo (qua điện thoại, hình ảnh qua email). Hai nhân viên y tế (kiêm kỹ thuật viên khoa học) thức liên tục từ ngày hôm trước đến giữa trưa hôm sau mới tạm xong công đoạn xử lý ban đầu. Họ cực kỳ trách nhiệm và rất chuyên nghiệp, kiểm tra tình trạng mỗi giờ, tư vấn bác sĩ trên McMurdo liên tục, rất thận trọng khi dùng mỗi loại thuốc. Nhưng trên hết, họ chăm sóc các nạn nhân với sự cảm thông sâu sắc và tận tụy.

Ngoài hai nhân viên y tế chuyên nghiệp Dan và Lindsey, trên tàu còn có thêm trợ giúp của tôi cùng hai cán bộ khoa học được đào tạo sơ cứu y tế trong trường hợp khẩn cấp.

Những thủy thủ kiên cường

Các thủy thủ nạn nhân không một ai rên la, than phiền, nhưng khá lo lắng vì không biết diễn tiến tình trạng sức khỏe, mạng sống của họ sẽ ra sao. Vùng biển Ross hầu như quanh năm bị đóng băng ở phía ngoài rìa, chỉ có một vùng bên trong là băng tan. Lúc lâm nạn, nếu không có tàu phá băng, chỉ còn nước bất lực thụ động ngồi chờ tàu phá băng đến cứu. Tàu đi từ New Zealand tới nhanh nhất cũng mất bảy ngày và từ Chile mất 14 ngày. Tuy nhiên, quan sát họ ngủ mới phần nào hình dung được những gì họ trải qua. Giấc ngủ ngắn, không yên, họ có vẻ hoảng loạn, giãy đạp liên tục. Mỗi lần như vậy, chúng tôi phải sửa băng. Thủy thủ tên Công phải dùng thuốc đau đầu khi thức giấc.

Ba “trợ lý” (tạm gọi chúng tôi như thế) được ngủ hai tiếng trong buổi sáng đầu tiên, sau khi các thủy thủ bị thương được cấp cứu tạm ổn định. Trong phòng bệnh có bốn người (ba người Việt và một người Indonesia). Ba thủy thủ còn lại bị nhẹ hơn, được băng bó và chuyển sang buồng thường. Trưa hôm sau, hai trong số bốn người bị bỏng nặng đã đòi được ăn. Đó là dấu hiệu tốt. Chúng tôi đều mừng vui. Đường về trạm McMurdo còn khá xa. Dự kiến tới vùng tiếp nhận vào khoảng 6 giờ sáng 12-1. Chúng tôi chuẩn bị tinh thần trực suốt đêm. Không ai muốn đi ngủ, nhưng để đảm bảo sức khỏe, chúng tôi buộc phải chia ca và mỗi ca luôn có một nhân viên y tế cùng hai “trợ lý”.

Buổi chiều, Sỹ (người bị bỏng nặng thứ hai) đòi ăn. Mọi người lại mừng hơn. Chúng tôi chỉ dám cho anh dùng một miếng bánh mì nhỏ và một ly nước cam. Sau đó Ngoan cũng đòi ăn. Ai cũng thở phào như trút gánh lo âu ngàn cân, các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Ngoan làm chúng tôi lo lắng nhất, nên sự kiện này làm chúng tôi vui khôn tả.

Kỷ niệm đẹp nhất về tình người

Nửa đêm, toàn tàu lại họp để phân công các nhóm làm việc vận chuyển người bệnh lên băng về trạm bằng trực thăng. Quá nhiều cánh tay cùng giơ lên. Chúng tôi, những người làm khoa học từ nhiều vùng khác nhau trên Trái đất, nhiều người chỉ mới gặp nhau lần đầu nhưng lại phối hợp làm việc với nhau thật tuyệt vời.

Tôi rất muốn lên băng (ai cũng muốn khi qua ba tuần trên tàu). Nhưng việc của tôi là trực trong phòng bệnh. Đúng 4g30 sáng, tàu tới mép thềm băng (mùa hè) Nam Cực. Chúng tôi tới sớm hơn dự kiến, mặc dù tàu phải phá hai đoạn băng dài trước khi tới điểm tập kết. Chẳng ai ngủ được. Tập trung hết đến các vị trí được phân công. Một tiếng sau, hai chiếc trực thăng đến. Bác sĩ và các y tá vào buồng bệnh, tiếp nhận bệnh nhân. Bác sĩ chúc mừng các nhân viên y tế đã làm vượt mức các yêu cầu chăm sóc chữa trị và gọi họ là những “anh hùng” (quả thật, họ xứng đáng được gọi như thế!). Chúng ta đều biết sơ cứu người bị nạn trước khi chuyển tới bệnh viện quan trọng thế nào với mạng sống của họ.

Những người bệnh được chuyển bằng băng ca sang thuyền cao su. Thuyền cao su lại được cẩu xuống băng. Những người có thể đi được xuống bằng đường cầu thang. Trước đó, một nhóm thủy thủ và kỹ thuật viên đã phải xuống để thăm dò chỗ băng có đủ vững cho trực thăng đậu. Công là người cuối cùng được chuyển xuống. Chúng tôi ôm nhau mừng chảy nước mắt. Sau 53 giờ, tàu vượt hành trình dài ở biển Nam Cực xa xôi, nhiệm vụ cứu nạn hoàn thành.

Ngay sau đó, chúng tôi liền quay lại công việc khoa học của mình. Dan trở về với phòng CTD và các thiết bị khác. Lindsey: phân tích dinh dưỡng và những nhiệm vụ kỹ thuật. Tôi: dữ liệu sinh vật trên biển Nam Cực...

Sự tham gia của chúng tôi vào việc cứu nạn chỉ là một phần trong mọi diễn biến cứu nạn, nhưng đây là kỷ niệm đẹp nhất về tình người mà tôi từng biết.

ĐOÀN NHƯ HẢI (từ Nam Cực)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên