15/10/2006 19:12 GMT+7

40 năm dinh Độc Lập

KTS NGUYỄN HỮU THÁI
KTS NGUYỄN HỮU THÁI

TTCT - Nhân tham gia dựng lại một phim tài liệu về ngày 30-4-1975 tôi có dịp quan sát kỹ dinh Độc Lập, một công trình kiến trúc dù chỉ 40 năm tuổi nhưng đã trở thành một di tích lịch sử văn hóa quan trọng tại TP.HCM.

Hr8XczVm.jpgPhóng to
TTCT - Nhân tham gia dựng lại một phim tài liệu về ngày 30-4-1975 tôi có dịp quan sát kỹ dinh Độc Lập, một công trình kiến trúc dù chỉ 40 năm tuổi nhưng đã trở thành một di tích lịch sử văn hóa quan trọng tại TP.HCM.

Năm 1863, chỉ sau bốn năm Pháp đánh chiếm Sài Gòn, đô đốc Lagrandière đã cho khởi công xây dinh thống đốc thật hoành tráng, với chủ ý phô trương uy thế chính quyền thực dân ở châu Á.

Từ dinh Norodom đến hội trường Thống Nhất

Được thiết kế theo phong cách cổ điển mang chút lãng mạn tân Baroc, chi phí xây dựng dinh đã ngốn hết 1/4 ngân sách thuộc địa. Sau này nó trở thành dinh toàn quyền Đông Dương (dinh Norodom) ở phía Nam. Năm 1954, sau thất bại Điện Biên Phủ, người Pháp đã giao dinh lại cho chính quyền Sài Gòn lúc đó và nó được đổi tên thành dinh Độc Lập.

Năm 1962, phe đảo chính chính quyền Ngô Đình Diệm đã dùng máy bay ném bom khiến cánh trái của dinh bị hư hại nặng, không thể phục hồi. Dinh bị phá bỏ và một công trình mới được xây dựng ngay trên nền đất cũ theo thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Được khởi công xây dựng vào tháng 7-1962, đến tháng 10-1966 công trình mới hoàn tất. Nhưng người chủ tọa buổi lễ khánh thành lại là Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ. Từ đó dinh Độc Lập trở thành cơ quan đầu não chính quyền Sài Gòn.

Ngày 30-4-1975, dinh Độc Lập là nơi hội quân giải phóng miền Nam và cũng là nơi diễn ra sự chấp nhận đầu hàng của chính quyền tướng Dương Văn Minh, kết thúc 30 năm chiến tranh, thống nhất đất nước. Ngày nay, với tên gọi hội trường Thống Nhất, đây là di tích lịch sử văn hóa thường xuyên được du khách trong và ngoài nước đến tham quan (40 - 45% lượng du khách đến TP.HCM tham quan nơi đây).

Một tác phẩm kiến trúc

CXLDEGZe.jpgPhóng to
Một góc của phòng trình quốc thư với chất liệu sơn mài chủ đạo
Trong hầu hết tài liệu liên quan đến chiến tranh VN và sự sụp đổ của Sài Gòn đọc được tại Mỹ, tôi đều thấy có nhắc đến phủ tổng thống Nam VN tức dinh Độc Lập. Không chỉ là một cơ quan công quyền cao cấp, nơi ở và làm việc của người đứng đầu chính quyền Sài Gòn, đây còn là một công trình kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc hiện đại thế giới với kiến trúc truyền thống phương Đông.

Trên nền đất cũ rộng 4.500m2, toàn bộ tòa nhà mới có trên 20.000m2 diện tích sử dụng, gồm ba tầng chính, một sân thượng, hai gác lửng, tầng nền và hai tầng hầm, phân bố trong 100 phòng được trang trí khác nhau, phù hợp với mục đích sử dụng từng nơi. Công trình có chiều cao 26m, tương đương một cao ốc tám tầng, nổi bật lên giữa một khu vườn rộng 12ha, và nằm ở vị trí trung tâm của một dải cây xanh chạy dài từ sau nhà thờ Đức Bà đến đường Cách Mạng Tháng Tám.

Vào giữa những năm 1960, dinh Độc Lập là một công trình xây dựng có qui mô lớn nhất ở miền Nam, hiện đại vào bậc nhất châu Á và kinh phí xây dựng khá tốn kém (tương đương trên 150.000 lượng vàng) cũng như mang tính công nghệ cao. Trang thiết bị trong dinh có thể nói là hiện đại nhất lúc bấy giờ, đủ để phục vụ thường xuyên hàng trăm người làm việc cũng như tổ chức lễ lạt qui tụ cả nghìn người. Các hệ thống điều hòa nhiệt độ, thang máy, thông tin liên lạc, nhà bếp và kho bãi có công suất phục vụ tương đương một khách sạn 5 sao loại lớn. Đặc biệt, tổng hành dinh ngầm dưới mặt đất là một khối hầm bằng bêtông dày, bọc thép chịu đựng được bom lớn và đạn pháo kích, đáp ứng mục tiêu phòng thủ quân sự hiện đại nhất.

Ngày nay vào tham quan dinh, ta vẫn còn nhìn thấy hầu như nguyên vẹn nội thất tại nơi ở và làm việc của một nguyên thủ quốc gia. Vẫn còn đó 4.000 ngọn đèn các loại, hàng chục tác phẩm mỹ thuật quí, thảm, rèm, bàn ghế, vật dụng hạng nhất... Khách tham quan sẽ choáng ngợp trước những bức tranh sơn dầu, sơn mài kích cỡ thật lớn, nhiều khi chiếm trọn cả một mảng tường. Đặc biệt là trong phòng trình quốc thư nằm ở vị trí trung tâm lầu nghi lễ tầng 2, các vật dụng từ bàn ghế đến tranh trang trí đều bằng chất liệu sơn mài truyền thống.

Xen giữa các đường nét kiến trúc hiện đại bằng bêtông và sắt thép là những môtíp trang trí gợi nhớ các họa tiết cổ truyền trong nhà cửa, đền chùa, cung điện VN. Từ bức rèm hoa đá đồ sộ ngoài mặt tiền, gồm các tấm lam đứng mang hình lóng trúc nhắc nhớ cửa “bàn khoa” cung điện xứ Huế, cho đến những phù điêu, tượng đắp nổi, chạm trổ trên gỗ, thép uốn, tay nắm con triện, tay vịn cầu thang... nhất nhất đều mang dáng Việt.

Hướng bảo tồn

Trong nhiều năm qua, ban quản lý dinh đã tiến hành nhiều cuộc họp mặt với các chuyên gia bảo tồn, các nhà thiết kế kiến trúc, họa sĩ, nhà trang trí, nhà thầu... từng tham gia xây cất và trang trí dinh thời trước nhằm tham khảo ý kiến về các biện pháp bảo quản di tích.

Đọc lại các tham luận, có thể thấy các ý kiến đều thống nhất đánh giá công trình dinh Độc Lập là một vật chứng lịch sử tiêu biểu, gắn liền với vận mệnh dân tộc, đồng thời là một kiệt tác nghệ thuật kiến trúc mang tính hỗn dung văn hóa Đông - Tây.

Riêng tôi quan tâm nhất là việc bảo quản và tu sửa công trình, từ khu vườn xung quanh, bản thân tòa dinh thự cho đến các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày và cả tồn kho. Cần phát huy dinh theo mục tiêu chính là giáo dục truyền thống, phổ biến tri thức, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, sự tìm hiểu của khách quốc tế. Đặc biệt cần tránh xa xu hướng thương mại hóa di tích (như đã từng diễn ra khi nhiều hội chợ, triển lãm... được tổ chức nhếch nhác tại đây).

Phải giữ mãi được nét độc đáo của một di sản lớn, như mô tả của các nhà kiến trúc Pháp khi nghiên cứu các công trình kiến trúc ở Sài Gòn cách đây không lâu: “…một công trình kiến trúc hiện đại kết hợp với bố cục truyền thống, một công trình hoành tráng hài hòa với không gian cây xanh trung tâm, điểm kết lý tưởng của trục đường Lê Duẩn...”.

KTS NGUYỄN HỮU THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên