Một hộp cơm nhỏ, một ký ức to
Bảo tàng Allen Woodall's Lunchbox Museum ở Columbus, Georgia (Mỹ) được xem là bảo tàng hộp cơm trưa lớn nhất thế giới, trưng bày từ sàn lên đến trần nhà.
Kaitlynn Etheridge (36 tuổi), cháu gái của ông Woodall đồng thời cũng là người phụ trách truyền thông của bảo tàng, cho biết: "Bảo tàng 33 tuổi này có một trong những bộ hiện vật sinh động nhất thế giới. Chúng tôi sưu tầm hầu hết các loại hộp cơm trưa từ khắp nơi".
Sáu chiếc hộp cơm đặt tại trung tâm của bảo tàng là những món đồ giá trị nhất cùng nhiều món đồ đặc biệt quý hiếm, ví dụ như hộp cơm có hình chú voi nổi tiếng trong loạt truyện tranh Toppie - The Top Value Elephant từ năm 1957.
Voi Toppie một thời cũng từng là linh vật được in trên tem của chuỗi siêu thị Kroger, đến nay vẫn được nhiều nhà sưu tầm săn tìm. Năm 2021, một hộp cơm Toppie đã được bán đấu giá với mức khởi điểm hơn 3.500 đô la Mỹ.
Ý tưởng về bảo tàng hộp cơm bắt đầu một cách rất tình cờ. Ông Woodall từng là chủ sở hữu của một đài phát thanh tại Columbus. Ông mua 2 hộp cơm tại một buổi trưng bày đồ cổ ở Atlanta năm 1985. Một chiếc có chủ đề Green Hornet, chiếc còn lại là Dick Tracy.
"Ký ức ngay lập tức hiện về trong tâm trí khi tôi 10 tuổi, tại nhà của ông bà ở Social Circle, Georgia. Tôi nằm trên sàn phòng khách nghe đọc truyện thám tử Dick Tracy và Green Hornet trên radio", ông Woodall xúc động kể lại.
Ông bắt đầu săn tìm từ các phiên chợ, các buổi trưng bày đồ cổ cho đến các buổi bán bất động sản để từ từ xây dựng cho bộ sưu tập của chính mình.
Vận may đến
Năm 1987, Woodall đọc được tin tức về một người đàn ông ở Woodstock, Georgia, đang muốn bán bộ sưu tập hơn 600 hộp cơm trưa. Woodall nhanh chóng tìm đến và đưa ra lời đề nghị mua toàn bộ kho báu này. Từ đây, nền tảng cho một viện bảo tàng chính thức ra đời.
Woodall cất giữ bộ sưu tập trong một căn phòng tại nhà đài và quảng cáo trên sóng phát thanh, mời công chúng đến tham quan.
Bộ sưu tập hơn 1.000 hộp cơm nhanh chóng thu hút người đến xem với các hiện vật in hình của các tác phẩm văn học, nghệ thuật, điện ảnh kinh điển. Họ nhận ra Hopalong Cassidy, Những thiên thần của Charlie và cả những hộp thuốc lá rất cổ.
Tiếp sau đó, ông Robert Carr ở St. Louis qua đời, để lại một bộ sưu tập hộp cơm cổ điển rất đồ sộ. Không đủ tiền để mua lại, thay vào đó, Woodall đề nghị viết một cuốn sách về hộp cơm trưa để tặng cho vị chủ nhân.
Giờ đây, sau 3 thập kỷ, hàng nghìn hộp cơm trưa của Woodall được trưng bày trong căn phòng dài, tiếp giáp với một cửa hàng bán đồ cổ Woodall's River Market, thu hút khách khắp nơi đến tham quan.
Ông lão Woodall vẫn tiếp tục hành trình của mình với những hộp cơm trưa có giá trị về tình cảm hơn là vật chất. Mỗi người đến xem đều có những câu chuyện và ấn tượng riêng của họ.
Ông cũng bày bán hộp cơm làm quà lưu niệm là những bản sao của vật trưng bày.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục sưu tầm và lưu giữ những hộp cơm trưa", cô Etheridge cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận