05/07/2019 19:36 GMT+7

Đồ cổ 1.000 năm cực quý 'lăn lóc' sân bảo tàng, bỏ sọt sắt

THÁI THỊNH
THÁI THỊNH

TTO - 100 hiện vật là phù điêu trang trí tháp Dương Long (thế kỷ XIII) 'lăn lóc' trên sân bảo tàng. Bình, chén, ngói, đĩa… Chăm thế kỷ XI bỏ trong các sọt bằng sắt...

Hàng trăm hiện vật quý giá không có chỗ bảo quản, phơi nắng giữa trời ở Bảo tàng tổng hợp Bình Định - Video: THÁI THỊNH

Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định gồm có ba khu: phía trước, trung tâm và phía sau. Trong khi ở trung tâm, các hiện vật khá nguyên vẹn được trưng bày, bảo quản trong lồng kính thì ở khu sân sau phía bên phải là các tác phẩm điêu khắc chưa hoàn chỉnh, xếp trên các kệ sắt để giữa trời.

Điều đáng nói, tại khu sân này có 100 hiện vật là phù điêu trang trí tháp Dương Long (xây dựng khoảng thế kỷ XIII) được khai quật tại cụm tháp Dương Long thuộc xã Tây Bình (huyện Tây Sơn), sau đó đem về Bảo tàng Bình Định để bảo quản và chuẩn bị cho công tác trùng tu tháp Dương Long. 

Đồ cổ 1.000 năm cực quý lăn lóc sân bảo tàng, bỏ sọt sắt - Ảnh 2.

100 hiện vật được Thủ tướng quyết định công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (tháng12-2015) phơi nắng mưa - Ảnh: THÁI THỊNH

Thời gian qua, du khách đến tham quan Bảo tàng tổng hợp Bình Định không khỏi xót xa khi bắt gặp hình ảnh hàng trăm hiện vật điêu khắc Chămpa có niên đại từ thế kỉ XI, XIII… nằm lăn lóc ở sân bảo tàng.

Ở khu phía trái bảo tàng là các loại gốm Chăm gồm bình, chén, ngói, đĩa… được phân loại bỏ vào trong các sọt bằng sắt. Đây là các mảnh gốm Chăm từ lò gốm ở thị xã An Nhơn, có niên đại từ thế kỉ XI. Những hiện vật quý giá này không được che đậy và bảo quản.

Theo tài liệu Bảo tàng tổng hợp Bình Định, bảo tàng đang lưu giữ và bảo quản hơn 13.000 tài liệu, hiện vật từ thời tiền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa, thời Tây Sơn cho đến thời hiện đại. 

Số hiện vật quý này có thể tổ chức nhiều triển lãm, trưng bày chuyên đề đa dạng, thu hút nhiều du khách nhưng hiện tại bảo tàng không có cơ sở vật chất để tổ chức.

Ông Bùi Tĩnh, phó giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh Bình Định, cho biết tình trạng trên đã tồn tại từ những năm 2006 đến nay bởi bảo tàng xuống cấp, hiện vật nhiều và chưa có nhà kho chứa. 

Cũng theo ông Tĩnh, công trình bảo tàng tổng hợp là cơ sở xây dựng từ năm 1966, qua nhiều năm sử dụng mặc dù đã sửa chữa làm mái tôn chống thấm, sơn sửa, dặm vá nhiều lần nhưng do công trình xây dựng quá lâu nên xuống cấp nặng.

"Theo thời gian, số hiện vật khai quật ngày càng nhiều nhưng nhà kho lại nhỏ nên chỉ bỏ được một phần, còn lại bất đắc dĩ nên mới phải bỏ bên ngoài" - ông Tỉnh xót xa.

"Loay hoay" tìm điểm xây bảo tàng mới

Ngày 28-6-2017, Sở Kế hoạch và đầu tư Bình Định đã có văn bản trình UBND tỉnh, qua đó thống nhất việc đầu tư cho một số hạng mục của Bảo tàng tổng hợp Bình Định là cần thiết. Tuy nhiên, thời điểm này, UBND tỉnh Bình Định có kế hoạch chuyển bảo tàng về vị trí hiện nay là Nhà văn hóa Lao động tỉnh.

Sau đó, kế hoạch chuyển Bảo tàng về Nhà văn hóa Lao động bị hủy và đề xuất mới là chuyển Bảo tàng tổng hợp Bình Định về Trung tâm hội nghị tỉnh Binh Định.

Ngày 10-4-2019, UBND tỉnh Bình Định có văn bản thống nhất việc không thực hiện chuyển bảo tàng về Trung tâm hội nghị tỉnh. Trong khi phương án dời bảo tàng chưa tìm được địa điểm, hàng trăm hiện vật quý giá vẫn không có chỗ bảo quản.

THÁI THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên