![]() |
Ông Phạm Kim Long: “Vụ kiện kéo dài quá lâu rồi, chúng tôi mong tòa sớm đưa ra xét xử” - Ảnh: T.L. |
Vụ việc bắt nguồn từ bản án năm 1969, tòa giao Nhà nước quản lý tài sản của người dân (căn gác 2, nhà số 1 phố Cổng Đục, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).
Theo hồ sơ, căn nhà số 1 phố Cổng Đục đứng tên vợ chồng cụ Lê Văn Huy và Nguyễn Thị Giữa. Cụ Huy mất năm 1941, cụ Giữa mất năm 1969. Sau khi cụ Giữa mất, Tòa án nhân dân khu phố Hoàn Kiếm đã ra bản án hộ số 88 ngày 16-12-1969, chia căn nhà cho ba người con ruột và con nuôi của hai cụ. Trong đó, ông Lê Văn Phúc được căn gác 2. Vì lúc đó ông Phúc vắng mặt tại miền Bắc nên bản án số 88 ghi tòa giao phần tài sản của ông cho Nhà nước quản lý, sau này ông Phúc về sẽ nhận lại. Lúc này tại căn gác 2 đang có người ở thuê.
Nhà của Nhà nước hay tư nhân?
Năm 1982, ông Phúc (lúc này đang ở TP.HCM) làm giấy sang nhượng căn gác 2 cho em là bà Lê Thị Nhung. Giấy sang nhượng có xác nhận chữ ký của ông Phúc tại UBND quận 1, TP.HCM. Năm 1997, ông Phúc mất.
Theo ông Phạm Kim Long (73 tuổi, con của bà Nhung), từ năm 1985, mẹ ông đã đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu xác nhận căn nhà hiện chưa có ai quản lý để bà làm các thủ tục sang tên nhưng được trả lời chưa có chủ trương. Năm 1992, bà Nhung mất. Năm 2005, các người con của bà đã ủy quyền cho ông Phạm Kim Long đứng ra khởi kiện hai gia đình đang sinh sống tại căn gác 2, nhà số 1 phố Cổng Đục để đòi nhà.
Hai bị đơn đang ngụ tại căn gác 2 là bà Nguyễn Thị Tư (90 tuổi) và ông Nguyễn Quốc Tú (52 tuổi). Tại các phiên tòa, bà Tư trình bày gia đình bà sinh sống tại nhà số 1 Cổng Đục cách đây hơn 60 năm. Khi mới đến ở, bà có nộp tiền thuê nhà cho cụ Giữa. Sau khi cụ Giữa mất thì bà không nộp tiền cho ai nữa. Năm 1969 tòa án chia thế nào thì bà không biết. Riêng ông Tú cho rằng nếu ông không quản lý, sửa chữa thì đến nay gia đình ông Long không còn cơ hội để đòi nhà.
Thụ lý 16 tháng chưa xét xử
Tháng 12-2012, Tòa án nhân dân (TAND) quận Hoàn Kiếm thụ lý lại vụ kiện và có công văn gửi UBND TP Hà Nội đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến quản lý nhà nước đối với nhà số 1 Cổng Đục. Sở Xây dựng Hà Nội đã có công văn trả lời rằng từ trước đến nay Nhà nước không quản lý diện tích tại tầng 2, nhà số 1 Cổng Đục, việc trả lại quyền sở hữu các diện tích tại nhà này cho ông Phúc và các người thừa kế thuộc thẩm quyền của cơ quan tòa án.
Ngày 22-4-2014, TAND quận Hoàn Kiếm đưa vụ án ra xét xử. Ngay sau đó phiên tòa bị hoãn vì bị đơn vắng mặt và tòa án cũng yêu cầu nguyên đơn cung cấp thêm một số chứng cứ là giấy chứng tử của vợ và con trai ông Phúc. Các nguyên đơn trình bày do điều kiện chiến tranh nên chỉ có ảnh chụp phần mộ vợ của ông Phúc tại Hưng Yên, con ông Phúc chết khi chạy loạn năm 1972 không có mộ. Phiên tòa trước đây, các nguyên đơn đã cung cấp cho TAND TP Hà Nội bản khai sơ yếu lý lịch của ông Phúc, trong đó UBND phường Thanh Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai xác nhận vợ và con trai ông đều đã mất, cấp phúc thẩm đã chấp nhận nhưng giờ cấp sơ thẩm lại lấy lý do này để hoãn phiên tòa, theo các nguyên đơn là không minh bạch.
“Gia đình tôi đã có nhiều đơn khiếu nại khẩn cấp gửi TAND quận Hoàn Kiếm mong sớm đưa vụ án ra xét xử vì luật quy định chỉ bốn tháng mà tòa thụ lý vụ án 16 tháng mới đưa ra xét xử rồi lại hoãn. Chúng tôi đã theo đuổi vụ kiện này tám năm, rất mệt mỏi rồi, đến nay các nguyên đơn đã tuổi cao sức yếu” - ông Phạm Kim Long nói.
Ngày 14-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, thẩm phán Cao Văn Thắng - chủ tọa phiên tòa sơ thẩm lần 2 - cho biết vụ việc bị kéo dài, chậm đưa ra xét xử vì đây là vụ án phức tạp, cần phải báo cáo với lãnh đạo TAND TP Hà Nội. “Vụ án đã bị hủy, kéo dài vì nhiều lý do khách quan và chủ quan nên việc phải xem xét thận trọng là điều hết sức cần thiết. Chúng tôi sẽ đưa vụ án ra xét xử trong thời gian sắp tới để đảm bảo quyền lợi cho nguyên đơn và bị đơn” - ông Thắng cho biết.
Các lần xét xử * Xét xử sơ thẩm lần 1 năm 2007, TAND quận Hoàn Kiếm nhận định ông Lê Văn Phúc biết nhà mình đã được Nhà nước quản lý nhưng không làm thủ tục nhận lại nhà, không biết căn nhà có các hộ dân đang sinh sống. Sau đó ông nhượng lại tài sản cho em gái nhưng cũng chỉ có xác nhận chữ ký của ông Phúc tại chính quyền địa phương mà chưa làm thủ tục tại cơ quan nhà nước đúng thẩm quyền. TAND quận Hoàn Kiếm cho rằng bản án số 88 năm 1969 của TAND khu phố Hoàn Kiếm là văn bản quản lý các chính sách nhà đất của Nhà nước. Vì vậy không có cơ sở để chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn. * Năm 2008, phúc thẩm lần 1, TAND TP Hà Nội cho rằng việc cấp sơ thẩm nhận định “bản án hộ số 88 năm 1969 của TAND khu phố Hoàn Kiếm là văn bản quản lý nhà đất của Nhà nước” là chưa chuẩn xác. Bản án số 88 không phải là văn bản quản lý nhà vắng chủ, căn gác 2 vẫn thuộc quyền sở hữu của ông Lê Văn Phúc. Tại tòa, bị đơn cũng xác nhận việc diện tích đang sử dụng là đi thuê từ năm 1953. Việc ông Phúc sang nhượng cho bà Nhung chưa làm thủ tục sang tên tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng bà Lê Kim Thúy, con gái duy nhất được hưởng thừa kế của ông Lê Văn Phúc, không có ý kiến gì nên việc các con bà Nhung kiện đòi nhà là hợp pháp. Cấp phúc thẩm đã tuyên sửa án sơ thẩm, chấp nhận khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải trả lại nhà. * Năm 2010, quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của TAND tối cao lại nhận định việc ông Phúc làm đơn nhượng tài sản cho bà Nhung là chưa hợp pháp. Bà chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ, vì vậy tài sản này chưa thuộc sở hữu hợp pháp của bà Nhung. Bản án giám đốc thẩm của TAND tối cao sau đó đã hủy án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội. * Năm 2012, phúc thẩm lần 2, TAND TP Hà Nội nhận định vụ án có tình tiết phức tạp liên quan đến chính sách của Nhà nước về quản lý nhà ở trước ngày 1-7-1991 và để xác định tư cách khởi kiện của nguyên đơn, cần thiết phải bổ sung chứng cứ về việc Nhà nước có quản lý diện tích gác 2, nhà số 1 Cổng Đục hay không. Trường hợp Nhà nước không quản lý tài sản của ông Phúc thì nay Nhà nước trả lại quyền sở hữu căn nhà cho ông Phúc và các đồng thừa kế. Từ những nhận định nêu trên, TAND TP Hà Nội đã hủy án sơ thẩm của TAND quận Hoàn Kiếm để xét xử lại. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận