Phóng to |
Nghệ sĩ hài Xuân Hương trao đổi tại tọa đàm “30 năm cùng Tuổi Trẻ Cười” - Ảnh: Thanh Đạm |
Không như những buổi tọa đàm hay hội thảo khác khi các đại biểu lần lượt xếp hàng lên đọc tham luận một cách trịnh trọng, cuộc gặp gỡ của những người làm báo cười lại rất vui vẻ và thoải mái, và họ đã đóng góp 18 tham luận về quá trình hình thành và phát triển của Tuổi Trẻ Cười, đồng thời nêu bật những cái được và chưa được, những vấn đề cần phát triển trong tương lai.
Chớp mắt đã 30 năm
"Những sản phẩm báo chí của Tuổi Trẻ Cười không dừng lại ở trang giấy mà từng bước đi vào đời sống. Tiệm tạp hóa Hai Cù Nèo, giải thưởng Cù Nèo Vàng, giải Trái Cóc Xanh là những sáng tạo của Tuổi Trẻ Cười đã trở thành quen thuộc với độc giả." TS huỳnh như phương |
Nguyên là tổng biên tập báo Tuổi Trẻ ở thời điểm báo Tuổi Trẻ Cười ra mắt số đầu tiên vào ngày 1-1-1984, bà Vũ Kim Hạnh kể lúc đó chính ông Võ Văn Kiệt đã gọi bà lên và bảo: "Làm Tuổi Trẻ Cười đi!" như một chủ trương quyết liệt về sự cần thiết của một tờ báo trào phúng châm biếm trong thời kỳ đất nước chuẩn bị đổi mới. Sau đó ông giới thiệu hai người bạn của mình là ông Nguyễn Văn Trấn và ông Trần Bạch Ðằng tham gia ban biên tập và đứng mũi chịu sào những bài viết đinh của tờ báo, với mục tiêu đưa Tuổi Trẻ Cười trở thành tiếng nói trào phúng, hài hước, châm biếm những chuyện chưa được, phê phán những thói hư tật xấu, đả kích những quan liêu cửa quyền...
Chính sự thúc giục và đỡ đầu mạnh mẽ của ba vị "lão tướng" này đã khiến những người làm báo Tuổi Trẻ thời đó hăm hở bước tới một thể loại báo chí mới mẻ, đầy hứng thú nhưng cũng dễ đụng chạm này. Bà Hạnh tiết lộ báo Tuổi Trẻ Cười khi đó xuất bản mà... không có giấy phép, phải "mượn tạm" giấy phép của số báo cuối tháng của tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật. Nhưng tờ báo "lạ" này đã trở thành một món ăn tinh thần độc đáo và sảng khoái cho người đọc, được họ đón nhận và ủng hộ nhiệt tình từ số báo đầu tiên cho đến ngày nay. Và bà giật mình nhận ra: "Chớp mắt mà đã 30 năm!".
Trong suốt 30 năm qua, Tuổi Trẻ Cười đã sáng tạo nên những nhân vật điển hình mà chỉ cần nhắc đến tên, nhiều bạn đọc lập tức mỉm cười thích thú: anh Hai Cù Nèo với tiệm tạp hóa đủ trò thư giãn của mình, cô nàng Linda Kiều luôn õng ẹo cặp kè với một vị quan to nào đó, cô Tú của Quán mắc cỡ "mua đi bán lại cái văn chương", bác sĩ Tịt Tuốt giải đáp những thắc mắc y học hài hước... Bên cạnh đó là những chuyên mục riêng chỉ có trên Tuổi Trẻ Cười: Cười cái sự đời, Ðáo tụng đình, Gia đình.cơm, Tin tức cười, Văn nghệ cười, Cái gì đây kỳ này...
Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Hà (khoa báo chí Trường ÐH KHXH&NV TP.HCM), Tuổi Trẻ Cười xứng đáng là một tờ báo mang ngôn ngữ trào phúng có tuổi thọ tính đến nay là lâu nhất VN. Nhà phê bình biếm họa Lý Trực Dũng thì đánh giá rất cao những tác phẩm tranh biếm trên Tuổi Trẻ Cười, bởi đôi khi một bức vẽ đơn giản nhưng lại hàm chứa những ý nghĩa châm biếm sâu cay hơn cả bao nhiêu chữ nghĩa. Ông cũng nhắc lại lời của họa sĩ biếm họa Anh nổi tiếng Ronald Searle cho rằng: "Họa sĩ biếm họa phải có cái đầu của một nhà bác học, bàn tay khéo léo của bác sĩ giải phẫu và sức mạnh của một anh hàng thịt".
Nghệ sĩ Xuân Hương thì nhắc lại kỷ niệm về nhóm văn nghệ Tuổi Trẻ Cười Sống do nhà văn Nguyễn Ðông Thức làm bầu sô đi diễn khắp nơi trong những năm 1986-1989 với các thành viên: Thanh Bạch, Xuân Hương, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Tất My Loan, Quang Minh... Với các tiểu phẩm hài được lấy chất liệu từ những bài viết đăng trên Tuổi Trẻ Cười, nhóm Tuổi Trẻ Cười Sống đã góp phần làm... gãy đổ khá nhiều cửa sổ, hàng rào, mái tôn, cành cây trong sân tòa soạn báo Tuổi Trẻ thời đó mỗi lần có suất diễn vì khán giả kéo đến xem quá đông.
Làm gì để được... cười tiếp?
... Có thể nghĩ rằng báo chí nói chung, trong đó có loại báo cười, chỉ có thể được/bị chuyển dạng chứ không thể bị mất đi trong đời sống con người. Nhu cầu thông tin và được thông tin là nhu cầu hữu cơ trong cuộc sống con người xã hội. Cũng như vậy, nhu cầu cười cợt, trong tất cả dạng thức của nó, từ tự trào (tự cười bản thân mình) đến trào lộng kẻ khác, trong tất cả các mức độ của nó, từ hài hước, hoạt kê đến châm biếm, đả kích... cũng là một trong số các thuộc tính sống, các năng lực sống của con người. (Trích tham luận của nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân) |
Trong tham luận của mình, bà Kim Hạnh có nhắc đến lời dặn đầy kinh nghiệm của nhà văn Nguyễn Tuân khi Tuổi Trẻ Cười lên 10 tuổi: "Sài Gòn giải phóng gần 10 năm mới thấy một tờ báo trào phúng xuất hiện. Như thế, giới trẻ các bạn... nín cười đã quá lâu, kể cũng giỏi. Nay đã biết cười thì được rồi nhưng phải cố gắng giữ nụ cười, đừng để... bị đóng cửa". Vấn đề "dễ đụng chạm" này cũng được đưa ra trong tọa đàm và nhận được rất nhiều ý kiến từ các đại biểu.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên gói gọn chuyện này trong hai từ "cười được" và "được cười". Nhà văn Bích Ngân kể chuyện khi chị làm công tác quản lý báo chí cũng nhận được nhiều lời phàn nàn rằng Tuổi Trẻ Cười... cười nhiều quá, đụng chạm chuyện này chuyện kia quá. Nhưng chị cho rằng đã là một tờ báo cười thì phải được cười trên những điều trái khoáy, những điều còn tồn đọng cho dù cái cười này có thể khiến người này người kia thấy nhột mà không vui. Chỉ sợ là đến một lúc nào đó những cái cười này không đủ sắc sảo và những đối tượng bị cười vẫn tỉnh bơ vì đã "lờn thuốc".
Nhà thơ Lê Minh Quốc, ông Nguyễn Sơn (nguyên phó trưởng Ban tuyên huấn Thành ủy), ông Mai Sông Bé (giám đốc Ðài PT-TH Ðồng Nai), nhà văn Hoàng Thiếu Phủ đều cho rằng Tuổi Trẻ Cười cần phải "nặng đô" hơn nữa, đả kích hơn nữa, người làm báo cười cần phải dũng cảm hơn. Trong khi đó nhà báo Ðồ Bì vốn nổi tiếng với những bài bình luận trào phúng sắc sảo thì cho rằng cái gì cũng nên có sự vừa phải. Theo ông thì nụ cười của Tuổi Trẻ Cười là một nụ cười nhân văn, không "áp bức" ai bằng văn chương chữ nghĩa nhưng vẫn rất thuyết phục.
Nhưng để có thể tiếp tục cười cái sự đời thì vấn đề quan trọng mà tọa đàm đặt ra là làm sao để có được một đội ngũ kế thừa đủ tài năng và bản lĩnh. Làm sao để tiếng cười đã bền bỉ suốt 30 năm qua của Tuổi Trẻ Cười vẫn sẽ được tiếp nối mạnh mẽ. Và làm sao để một tờ bán nguyệt san với giá 6.500 đồng này vẫn có thể sống được trong thời đại bùng nổ của những tin tức giải trí trên mạng, và nói như tác giả Vương Huyền Cơ là để "chúng ta có cơ hội kỷ niệm báo 40, 50, 60 năm. Và để những khi chán chường nhất ta vẫn có thể vịn vào Tuổi Trẻ Cười để cười mà đứng lên".
HOÀNG OANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận