04/03/2013 07:11 GMT+7

3 thế hệ trên bãi rác Đông Thạnh

HÀNG CHỨC NGUYÊN
HÀNG CHỨC NGUYÊN

TT - Bãi rác Đông Thạnh (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM) chỉ hoạt động 14 năm (1988-2002) và đã chính thức đóng cửa hơn 10 năm nay, ấy vậy mà nó vẫn cứ tồn tại trong nhiều số phận, nhiều mảnh đời và trải dài cả ba thế hệ trong nhiều gia đình.

o97tCioE.jpgPhóng to
Con, dâu (lượm rác từ lúc 8, 9 tuổi) cùng các cháu nội ngoại của ông Lê Văn Mẹo - Ảnh: N.T.T.H.
DoEowVQ0.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Gác và con trai Nguyễn Tấn Thành cùng cháu nội - Ảnh: N.T.T.H.

Sau 17 năm chúng tôi trở lại Đông Thạnh, tìm lại những con người mà chúng tôi đã gặp gỡ, trò chuyện, quen biết và từng viết về họ. Phần lớn những con người lượm, sống với rác giờ đã trôi dạt về nơi khác, có người đã vĩnh viễn ra đi. Những em bé tay đã sớm cầm cái móc sắt, vai đeo cái bao, trán đeo ngọn đèn soi giờ đã lớn lên, có vợ chồng, con cái. Có điều, hầu hết những ngọn đèn các em đeo trên trán ngày ấy chỉ đêm đêm soi vào bãi rác, chứ không hề soi một vệt sáng nào vào tương lai...

“Cái bãi rác nó hút hết rồi”

Bãi rác, bãi đời

Bãi rác Đông Thạnh có diện tích 32ha, hoạt động từ năm 1988-2002. Mỗi ngày bãi tiếp nhận 300-3.500 tấn rác. Hằng ngày có khoảng 1.500 người nhặt lượm kiếm sống ở bãi rác, trong đó có gần 250 trẻ em từ 7-16 tuổi. Năm 1996, báo Tuổi Trẻ có bài viết về tình cảnh của những người lượm rác, đặc biệt về trẻ em (“Bãi rác, bãi đời” - Tuổi Trẻ ngày 21-1-1996). Sau đó, rất nhiều bạn đọc, nhiều công ty như IBC Pepsi Cola, Vina USA, Tribeco... đã đóng góp giúp đỡ bà con.

Báo Tuổi Trẻ và Thành đoàn TP.HCM đã tổ chức chương trình quà xuân, chương trình trợ vốn cho bà con và chương trình Giúp trẻ em từ bãi rác đến trường (“Chút lửa hồng trên bãi rác bãi đời” - Tuổi Trẻ ngày 6-2-1996, “Từ bãi rác đến trường” - Tuổi Trẻ ngày 28-3-1996).

Gặp lại ông Nguyễn Văn Gác (hiện ở ấp 5, xã Đông Thạnh), chúng tôi nhận ra ngay: vẫn cái cánh tay bị teo lòng thòng (do một mảnh đạn từ thời chiến tranh để lại), vẫn ho sù sụ. Khác là trông ông hom hem, răng rụng gần hết, mắt lèm nhèm, đầy ghèn. Hồi ấy chúng tôi gặp ông ngay trên bãi rác mênh mông, hôi thối, ông vừa ho sù sụ vừa nói: “Bệnh hoạn quá, lao phổi rồi, chạy đâu cho khỏi...”.

Cả nhà ông sống, lượm trên bãi rác. Bãi rác đóng cửa, cả nhà ông cũng như nhiều gia đình khác rơi vào tình cảnh như cá trong vũng mà vũng bị cạn khô. “Còn một tay thử hỏi chú làm được gì?” - ông nói. Có làm được gì đâu ngoài chuyện cầm chiếc móc đi móc bịch, nhặt lượm ve chai trên các nẻo đường. Chồng lượm, vợ lượm, hai đứa con ông - Thành và Công - cũng lượm. “May là thằng Thành nhịn đói đến 24 tiếng là xỉu, còn thằng Công nhịn đến 48 tiếng mới xỉu. Vậy chớ có miếng cơm vô là tỉnh liền” - ông nói.

Vợ ông trong những ngày khốn khó ấy đã đổ bệnh rồi ra đi. Còn ông, “không biết sao mà vẫn sống đến giờ” khi bệnh lao hoành hành, “đục thủng cả hai lá phổi”. Mấy lần ông phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Hóc Môn và lần nào họ cũng chuyển xuống Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, không có tiền ông lại trốn về, ôm ngực ho. “Vậy mà vẫn sống nhưng yếu lắm chú à, cái bãi rác nó hút hết rồi...”.

Thành, Công lớn lên như cỏ cây. “Biết lượm là lao vào bãi rác, rồi mười mấy tuổi đầu từ bãi rác lao đi làm thuê làm mướn, phụ hồ”, ông Gác nói. Nhà ông ở ấp 7 bị giải tỏa để làm vành đai xanh quanh bãi rác, ông dạt về ấp 5, cũng mua được căn nhà nhỏ tươm tất. Giờ Thành đã gần 30 tuổi, đi làm thợ hồ, có hai con, ở chung với cha.

Khi đóng cửa, bãi rác còn trên 4 triệu tấn rác. Rác cao thành một quả đồi. Quanh bãi rác thuộc các ấp 2, 3 và 7 được giải tỏa, trồng cây xanh. Bên ngoài rào vành đai xanh nhiều bà con lượm rác ngày trước vẫn bám lại sinh sống. Khi bãi rác chỉ còn cho đổ xà bần, bà con vẫn lẻn vào nhặt lượm, mãi đến khi bãi rác đóng cửa hẳn mới tỏa đi khắp nơi làm đủ thứ để sống, người lượm ve chai, người bán vé số, người bán bắp, bán xôi, làm thuê làm mướn...

Bên ngoài cái vành đai xanh ấy, chúng tôi gặp lại nhiều gia đình gồm ông bà con cháu ở chen chúc trong mấy căn nhà xây thấp lè tè, trong những căn lều che chắn tạm bợ... Ông Phan Thành Lê, quê ở Châu Đốc, không nhớ từ năm nào đưa gia đình dạt về Đông Thạnh, mướn nhà kế bãi rác để cả nhà đổ ra bãi rác kiếm sống. Năm 2001 vợ ông mất vì lao phổi, còn ông giờ đây đã ba lần mổ phổi, “sống cũng như chết rồi”, ông nói thều thào. Xuân Lan, con ông, đau buồn nói về cái bệnh ác nghiệt ấy: “Nhà con ai cũng bị...”. Em gái Xuân Lan, Xuân Hường, đã 29 tuổi, nằm trên giường thở mệt nhọc: bệnh phổi nặng mà Hường không có tiền đi viện. Bãi rác quả là một bãi đời khắc nghiệt: cho những người nghèo cùng tận cái sống nhưng đã hút đi của họ quá nhiều thứ.

Cuộc chống đỡ không cân sức

Theo thống kê hồi ấy, trên bãi rác có gần 250 em từ 7-16 tuổi không cầm bút, không cầm tập, chỉ cầm cái móc, vai đeo cái bao và trán đeo một chiếc đèn soi đêm đêm. Báo Tuổi Trẻ và Thành đoàn TP.HCM đã tổ chức chương trình trợ vốn cho người lượm rác và “Giúp trẻ em từ bãi rác đến trường”. Thật ra chương trình cũng rất khiêm tốn: chỉ trợ vốn cho 24 gia đình và đưa được 32 em đến lớp, nhưng phía sau chương trình là những tấm lòng đầy mong ước, cũng như tấm lòng của những người mẹ người cha.

Nhưng rồi niềm sướng vui, niềm hạnh phúc ấy không kéo dài. Những cán bộ Đoàn, những người làm báo, những tấm lòng bạn đọc cùng với sự quyết tâm của những người cha người mẹ cũng không chống đỡ nổi với cái đói cái nghèo: đường đến lớp của các em vắng dần vắng dần...

Trở lại vùng bãi rác, gặp lại những cô bé cậu bé ngày xưa chúng tôi nghe lòng thật buồn: hầu hết đã có vợ chồng, con cái, đều sống trong cảnh khốn khó và không biết đọc biết viết. Như Lê Ngọc Danh, ráng học đến lớp 4, rồi một hôm đi học về đói quá nằm xỉu dưới gốc cây điều, từ đó, thôi, lại phải tiếp tục bước vào bãi rác...

Chị Yến, mẹ Danh nói: “Cũng ráng lắm nhưng cái nghèo bó tay bó chân, gạo không có ăn mà...” như Phan Thị Xuân Lan, vợ Danh, theo cha từ Châu Đốc lên, “lượm ngày lượm đêm, lấy gì mà học”. Và giờ đây hỏi về chữ nghĩa, Lan cười bẽn lẽn: “Ảnh thì viết chữ nhấp nháy, còn cháu xã bảo ra ký sổ xóa đói giảm nghèo chỉ biết... lăn tay”. Hôm đến nhà ông Gác, chúng tôi thấy Thành, cậu bé ngày trước “nhịn đói đến 24 tiếng mới xỉu” ấy, đang ngồi trước sân vừa bế vừa nặn từng muỗng cháo trong bịch đút cho đứa con thứ hai mới 8 tháng tuổi. Thành nhớ lại: “Hồi ấy học được hết lớp 2, ông già bịnh, bà già bịnh, chịu, học hành sao được...”. Giờ biết chữ không? Thành cười, lắc đầu.

Cái nghèo cái đói quá nặng nề, cứ kéo ghìm xuống những mảnh đời đã trôi về bãi rác nên nhiều tấm lòng tụ lại để cố giúp họ thoát ra, nhưng quả là một cuộc chống đỡ không ngang sức. Ông Nguyễn Văn Đua, lúc ấy là bí thư Thành đoàn, trong chương trình “Giúp trẻ em từ bãi rác đến trường”, đã bày tỏ: “Đó là hướng ra cho các em, chúng tôi phải tạo điều kiện cho các em, trước hết là các em còn quá nhỏ, phải được đến trường...”. Ông Phạm Chánh Trực, lúc ấy là chủ tịch HĐND TP, đã nhìn vào sự thật: “Đâu đó trên đất nước ta và ngay cả ở TP này, một trung tâm khoa học - kỹ thuật - kinh tế nhưng vẫn còn rất nhiều cuộc đời tối tăm, nghèo đói, nhiều em thơ chưa biết chữ nghĩa là gì...” và ông khen ngợi báo Tuổi Trẻ và các mạnh thường quân đã có sáng kiến tổ chức một chương trình...

Năm tháng qua đi, bãi rác đã đóng cửa, cây cối đã phủ kín xung quanh thành một vành đai xanh, nhưng những mảnh đời từng ngụp lặn trên bãi rác ấy vẫn lẩn khuất trong chỗ tối tăm trong một thành phố rất nhiều ánh sáng. Từ chỗ tối tăm ấy, một thế hệ thứ ba đã ra đời, lớn lên. May thay các cháu đến tuổi đều đã vào trường, nhưng liệu cha mẹ các cháu có đủ sức chống đỡ để con đường đến trường không vắng dần những bước chân của các cháu?

Không lo nổi đám tang

Chúng tôi cố tìm hai cháu bé mà câu chuyện của hai cháu từng ám ảnh chúng tôi nhiều ngày. Đó là Lê Văn Phúc, năm ấy 13 tuổi và Nguyễn Thành Luân, 10 tuổi. Đêm lạnh, hai cháu ngủ thiếp trên đống rác, một chiếc xe chở rác băng qua cán lên chân. Bệnh viện yêu cầu phải mổ để cứu cái chân của Phúc nhưng cha cháu, ông Lê Văn Mẹo, không chạy được tiền nữa vì đã vay của ngân hàng 1 triệu đồng, ngân hàng đã đòi phát mãi căn nhà, phải đưa Phúc về...

Năm tháng dập vùi, cả nhà ông bị dạt lần ra ngoài vành đai của bãi rác, phía sau một cái trại nuôi bò suốt ngày bốc mùi hôi thối (thuộc tổ 10, ấp 2, Đông Thạnh). Trên một khoảnh đất nhỏ, các con ông chia nhau che chắn cây, ván, tấm lợp thành những căn nhà. Bước vào nhà An, anh của Phúc, chúng tôi ngỡ ngàng: di ảnh Phúc trên bàn thờ bên cạnh di ảnh của mẹ và bà ngoại... Thì ra bị thương nặng, không đủ thuốc men, không đủ miếng ăn miếng uống nên mấy năm sau Phúc đã ra đi.

Ông Mẹo cũng mất vào cuối năm 2011. Cả một phần đời ông sống trên bãi rác, khi mất con cái ông không lo nổi đám tang, phải nhờ vào sự đóng góp của bà con xóm giềng. Thấy không có ảnh ông Mẹo trên bàn thờ, chúng tôi hỏi, An nói: “Đâu có tiền họa hình mà thờ...”. Trong tình cảnh ấy nói chi đến cái học cái hành.

Nguyễn Thành Luân có khá hơn, 10 tuổi bị thương, 11 tuổi cha mẹ cố gắng cho đi học đến lớp 3, rồi... Chị Lê Thị Minh, mẹ Luân, nhớ lại “không có tiền mà ăn nữa là...”. Luân lại tiếp tục đi lượm, khi bãi rác chỉ đổ xà bần, cấm người lượm rác, Luân vẫn lượm chui, mãi đến năm 2010 mới đi học nghề hàn, còn chữ nghĩa “chỉ nhớ chữ đực chữ cái”.

HÀNG CHỨC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên