![]() |
Sinh năm 1935 ở bang Madhya Pradesh, Ấn Độ trong một gia đình nhà giáo, Abdul Qadeer Khan di cư sang Pakistan năm 1952. Khiếp đảm trước vụ thử hạt nhân đầu tiên của Ấn vào năm 1974, Khan bắt đầu khai thác công nghệ của nước ngoài từ năm 1976 với ý định chế tạo cho Pakistan một quả bom hạt nhân. Ông là người duy nhất trong giới dân sự được chính quyền tưởng thưởng ở mức cao nhất và hiện vẫn đang đứng đầu nhiều tổ chức giáo dục và nhân đạo.
Sự ưu ái thái quá
Từ nhiều năm qua, những hoạt động của tiến sĩ Khan thuộc hàng bí mật mà... ai cũng biết của giới tình báo Pakistan, Mỹ và các quốc gia khác. Nhưng Tổng thống Pakistan, tướng Pervez Musharraf, chỉ nghi ngờ nhà khoa học gốc Ấn này kể từ khi chiếc tàu BBC China bị bắt giữ vào tháng 10-2003 khi đang trên đường đi Libya và những chứng cứ về sự tồn tại của một mạng lưới mua bán vật liệu hạt nhân bị phơi bày trước công luận.
TS Khan khi đó mới công khai thú nhận hoạt động bất hợp pháp của mình và được đích thân tổng thống tha thứ (trong hai ngày 4 và 5-2-2004). Một nhân vật thân cận của Tổng thống Musharraf thừa nhận: “Ông Khan đã được ưu ái đặc biệt. Ông ấy muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi. Ông ấy muốn mua thứ gì với giá bao nhiêu cũng được”.
Năm 1974, A.Q. Khan khi ấy còn là một kỹ sư cơ khí trẻ tuổi và sáng chói đang làm việc tại Hà Lan. Nhờ vào vị trí quan trọng của mình trong Tập đoàn châu Âu Urenco, Khan nắm trong tay nhiều sơ đồ chế tạo các máy ly tâm (có thể dùng làm giàu uranium) hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ.
Theo cáo buộc của giới tư pháp Hà Lan, A. Q. Khan đã đánh cắp những hồ sơ quí giá ấy và trốn về Pakistan năm 1975. Từ đó ông ta bắt tay vào việc xây dựng dự án làm giàu uranium tại Kahuta, gần thủ đô Islamabad, dưới sự kiểm soát của thủ tướng lúc bấy giờ là Zulfifar Ali Bhutto. Pakistan sẵn sàng tung tiền, Khan có tài năng nói giỏi nhiều ngoại ngữ, là người trực tiếp quyết định các thương vụ mua bán với những tay môi giới - chủ yếu là người Đức, Hà Lan và Pháp.
Chế tạo và mua bán công khai
Theo Mark Hibbs, đặc phái viên tại Đức của tạp chí Mỹ Nucleonics Week, Washington vào thời điểm đó đã hàng chục lần phản đối Đức về hệ thống kiểm soát xuất khẩu quá nhiều kẽ hở. Hệ thống này đã cho phép các công nghệ “hai công dụng” rời khỏi Đức và mọi người đều biết là chúng sẽ dùng cho chương trình hạt nhân của Pakistan. Cuối cùng thì mạng lưới đó lại giúp xuất khẩu công nghệ hạt nhân từ Pakistan đi các nước khác.
Một trong hai sĩ quan cao cấp của quân đội Pakistan tham gia cuộc điều tra về hoạt động của TS Khan xác nhận: “Một số cá nhân, trong đó có A. Q. Khan, sau đó đã sử dụng các mối quan hệ và các đường dây để bán công nghệ ra khỏi Pakistan”. Trong hành động này, theo các nhà điều tra, TS Khan có ba động cơ: thứ nhất là ông ta muốn thách thức phương Tây về việc có khả năng phá vỡ bí mật hạt nhân; thứ hai, ông ta muốn trang bị công nghệ hạt nhân cho các quốc gia Hồi giáo khác và thứ ba là ông ta hành động vì tiền (chẳng hạn thương vụ bán thiết bị hạt nhân cho Iran nghe nói đem lại cho TS Khan đến 3 triệu USD). Kết quả điều tra cho thấy TS Khan đã mua nhiều bất động sản, trong đó có cả một khách sạn bên châu Phi.
TS Khan đã bắt đầu thành lập đường dây bằng việc đặt mua thiết bị (ngoài thị trường chợ đen) nhiều hơn nhu cầu. Giới tình báo phương Tây khi ấy đã lưu ý về tình trạng này nhưng chưa rõ động cơ của nhà khoa học Pakistan. Mãi đến năm 1987 tình báo phương Tây cho biết họ dò ra được rằng cha đẻ của bom hạt nhân Pakistan đã ký kết được hợp đồng với Iran (quốc gia Hồi giáo này muốn xây dựng một hệ thống gồm 50.000 máy ly tâm kiểu Pak-1). Hệ thống sơ đẳng đó, cũng theo tình báo phương Tây, đủ để Iran sản xuất nhiên liệu cho 30 quả bom hạt nhân mỗi năm.
Khi mà công nghệ hạt nhân của Pakistan hoàn thiện hơn, Khan bắt đầu bán cho nước khác những máy ly tâm và thiết bị đã lỗi thời. Sau này, khi đã rành rẽ đường đi nước bước TS Khan thậm chí còn đặt hàng với số lượng lớn, thông qua các tay môi giới, để sang tay bán thẳng cho khách hàng của mình và chẳng hề lo sợ che giấu tung tích trung gian của mình. Thương vụ lớn nhất của đường dây Khan là bán cho Libya những máy ly tâm hiện đại kiểu Pak-2. Nhưng vụ mua bán này đã không thành do tàu BBC China bị chặn bắt.
-----------------
Kỳ 2: Vì sao Mỹ dung túng Pakistan?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận