20/11/2009 15:25 GMT+7

2012 và Roland Emmerich lại tàn phá Trái đất

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TTO - Trong thế giới tưởng tượng của Hollywood, đạo diễn người Đức Roland Emmerich có lẽ là chuyên gia hủy diệt số một. Với siêu phẩm mới nhất 2012 (2012 - Năm đại họa), Emmerich đẩy toàn bộ nền văn minh đến bờ vực diệt vong.

2012 và Roland Emmerich lại tàn phá Trái đất

TTO - Trong thế giới tưởng tượng của Hollywood, đạo diễn người Đức Roland Emmerich có lẽ là chuyên gia hủy diệt số một. Với siêu phẩm mới nhất 2012 (2012 - Năm đại họa), Emmerich đẩy toàn bộ nền văn minh đến bờ vực diệt vong.

ImageView.aspx?ThumbnailID=376253
Los Angeles sụp đổ trong 2012 Ảnh: IMDB

Trong Independence day (Ngày độc lập), ông đưa một binh đoàn người ngoài hành tinh đến bắn tan các thành phố lớn trên thế giới. Với The day after tomorrow (Ngày kinh hoàng), ông tạo ra một cơn bão khổng lồ chôn vùi toàn bộ bán cầu bắc trong băng giá.

Bộ phim dựa vào truyền thuyết về bộ lịch cổ của người Maya sẽ kết thúc vào ngày 21-12-2012.

Bộ lịch cổ của người Maya bắt đầu từ năm 3.114 trước Công nguyên, chia ra làm 13  chu kỳ, mỗi chu kỳ kéo dài 394 năm. Chu kỳ thứ 13 sẽ kết thúc vào ngày 21-12-2-12.

Vào thập niên 1960, người Mexico phát hiện một phiến đá cổ chạm chữ của người Maya, với những dòng mô tả một điều gì đó sẽ xảy ra vào năm 2012 có dính dáng đến Bolon Yokte, một vị thần của cả chiến tranh và sáng tạo. Nhà khảo cổ Guillermo Bernal của ĐH Tự trị quốc gia Mexico dịch dòng chữ chạm cuối cùng là: “Ngài sẽ giáng hạ từ trên bầu trời”.

Kể từ đó, những tin đồn về ngày tận thế vào năm 2012 bắt đầu lan truyền, và đến thời đại Internet từ thập niên 1990 thì bùng nổ khắp toàn cầu.

Trong phim 2012, khi ngày tận thế lặng lẽ đến gần, người gốc Maya ở Guatemala bắt đầu tự sát tập thể để tránh phải đối mặt kết cục kinh hoàng. Một tổ chức bí mật có tên Học viện vì sự sinh tồn của loài người (IHC) bắt đầu đóng những chiếc tàu khổng lồ dưới dãy Himalaya để cứu loài người khỏi thảm họa diệt vong.

Chính quyền các quốc gia giữ kín thông tin về thảm họa và tranh cãi kịch liệt về chuyện sẽ cứu ai. Carl Anheuser, chánh văn phòng Nhà Trắng, một kẻ tham lam và hiểm độc, được giao nhiệm vụ lựa chọn người sống sót. Jackson Curtis, một nhà văn kiêm tài xế, phải chạy đua với thời gian để đưa gia đình mình đến nơi an toàn.

Giới phê bình đánh giá 2012 mang đầy đủ những yếu tố đặc trưng tạo nên thương hiệu nổi tiếng Roland Emmerich: kinh phí lớn, tràn ngập kỹ xảo đỉnh cao. Với chi phí sản xuất lên đến 200 triệu USD, đạo diễn Emmerich thoải mái phóng tay tạo ra những thảm họa khổng lồ như siêu động đất, sóng thần cao hàng chục kilômet, bão tố cuồng loạn.

Không chỉ tạo ra một đại tiệc hình ảnh, qua 2012 đạo diễn Emmerich còn đặt tham vọng khám phá nhân tính của con người trong thời điểm khủng hoảng.

Trả lời phỏng vấn trên trang web teenhollywood.com, ông tâm sự vấn đề trong 2012 không phải là nguyên nhân nào dẫn đến thảm họa, mà là con người sẽ phản ứng thế nào khi thảm họa xảy ra. Do đó, bộ phim muốn đặt ra những câu hỏi sâu sắc về cách con người chọn lựa những ai xứng đáng được sống sót khi ngày tận thế đến.

Kỹ xảo “vô song”

Dàn diễn viên của 2012 dù không có những gương mặt siêu sao, nhưng cũng rất sáng giá theo đúng tiêu chuẩn của Emmerich. Đảm nhận vai Jackson Curtis là nam diễn viên John Cusack, nổi tiếng với những vai diễn đa dạng trong nhiều thể loại phim, từ bom tấn, giải trí đến nghệ thuật. Nữ diễn viên quen thuộc Amanda Peet vào vai Kate Curtis, vợ cũ của Jackson.

Trong quá khứ, John Cusack và Amanda Peet từng có lần diễn chung trong bộ phim hành động - kinh dị Identity (Nhân cách). Hai ngôi sao da màu kỳ cựu là Danny Glover và Thandie Newton hóa thân vào vai tổng thống Mỹ Thomas Wilson và con gái Laura Wilson, còn Oliver Platt gây ấn tượng với vai Carl Anheuser.

Giống như hầu hết các bộ phim khác của Roland Emmerich, 2012 nhận được những lời khen chê lẫn lộn từ giới chuyên gia điện ảnh. Các nhà phê bình chỉ trích nội dung của 2012 có nhiều điểm bất hợp lý, và cho rằng sự sâu sắc chưa bao giờ là điểm mạnh của đạo diễn Emmerich.

Tuy nhiên, hầu hết đều đánh giá chất lượng hình ảnh của bộ phim thuộc vào hàng đỉnh cao. Nhà phê bình Stephen Farber của Reuters mô tả Emmerich và đoàn làm phim “đã tạo ra một chuỗi những điều kỳ diệu”. Farber cho rằng 2012 xứng đáng đoạt những giải thưởng điện ảnh ở hạng mục quay phim, thiết kế và hiệu ứng hình ảnh. Thậm chí một số nhà phê bình còn ca ngợi kỹ xảo của 2012 là “ngoạn mục đến mức vô song trong lịch sử điện ảnh”.

Chính vì vậy, theo Hãng tin Reuters, trong ba ngày đầu công chiếu 2012 đã thu về tới 230,4 triệu USD, trong đó có 65,2 triệu USD tại thị trường Mỹ. Với những con số khổng lồ này, 2012 đã lập kỷ lục doanh thu tuần đầu cao nhất đối với một bộ phim không phải là phần đầu hay phần sau, không chuyển thể từ tác phẩm văn học danh tiếng.

HIẾU TRUNG

 ------------------------------------

* Tin bài liên quan:

>> Thảm họa 2012 không có thật>> "2012" làm nổ tung các quầy vé ở Mỹ và Canada

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên