19/10/2004 23:03 GMT+7

2005: năm chấn hưng giáo dục

NGUYỄN THỊ BÌNH
NGUYỄN THỊ BÌNH

TT - Chính mâu thuẫn này giữa nhu cầu học ĐH quá lớn và cách đáp ứng nhu cầu lại quá nhỏ là một trong những nguyên nhân gây ra những hiện tượng tiêu cực trong GD, như học thêm, dạy thêm tràn lan, học giả bằng thật, nhất là bằng ĐH...

ocsNOPSk.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Bình - Ảnh: Thanh Đạm

Nền giáo dục (GD) hiện nay tách rời thực tiễn và kém thiết thực; nặng về học chữ và hướng theo thi cử, chưa quan tâm đúng mức đến những năng lực then chốt: độc lập suy nghĩ, kỹ năng thực hành, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, vi tính... đến GD đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống... cần thiết cho thế hệ trẻ khi bước vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH), hội nhập quốc tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh...

Giáo dục đại học cho số đông

Trong suốt tám năm qua, cùng với xu thế phổ cập THCS, mở rộng THPT, phát triển GD không chính qui... tức là GD cho toàn dân và xu thế phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao cần thiết cho CNH - HĐH, hội nhập quốc tế, thì nhu cầu đa dạng về học ĐH gia tăng rất nhanh (khoảng 20%/năm) còn chỉ tiêu tuyển sinh lại tăng rất ít (5-6%/năm).

Những cải tiến liên tục về tuyển sinh ĐH cũng như những cố gắng bước đầu cải tiến chất lượng đào tạo cùng với những điều kiện bảo đảm rõ ràng đã không giải quyết được mâu thuẫn này.

Chúng tôi cho rằng thực chất của mâu thuẫn này là: sự cần thiết phải thực hiện ngay quá trình chuyển dịch sang thời kỳ GD ĐH cho số đông (ĐH đại chúng) mâu thuẫn với cách tư duy chỉ đạo về cơ bản vẫn còn dựa trên quan niệm GD ĐH cho số ít (ĐH tinh hoa).

Chính mâu thuẫn này giữa nhu cầu học ĐH quá lớn và cách đáp ứng nhu cầu lại quá nhỏ là một trong những nguyên nhân gây ra những hiện tượng tiêu cực trong GD, như học thêm, dạy thêm tràn lan, học giả bằng thật, nhất là bằng ĐH...

Những giải pháp sơ bộ theo hướng giải quyết mâu thuẫn này đã có trong thực tế và đã được ghi vào các nghị quyết, như: mở rộng loại trường cao đẳng cộng đồng hai, ba năm, các hình thức đào tạo nhân lực sau THPT (khoảng hai năm), các loại ĐH ngắn hạn; đẩy nhanh việc mở trường ngoài công lập, tăng mạnh tỉ trọng sinh viên học ở các trường ngoài công lập; phát triển mạnh những hình thức đào tạo không chính qui.

Đặc biệt sớm mở rộng đào tạo từ xa... tạo những điều kiện thuận lợi cho sự hội nhập quốc tế về ĐH từ việc mở trường nước ngoài, thực hiện “du học tại chỗ” đến việc áp dụng sáng tạo những thành tựu khoa học, công nghệ của thế giới vào việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, kể cả đổi mới cách quản lý GD, phù hợp với thực tiễn VN.

Chất lượng: lẽ sống của nhà trường

hymd1Qxn.jpgPhóng to
Tân SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đang chờ đóng học phí trước khi làm thủ tục nhập học. Hàng trăm ngàn chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ mỗi năm hiện nay tỏ ra quá ít ỏi so với nhu cầu của xã hội - Ảnh: Như Hùng
Chất lượng GD còn phải được xem xét theo mục tiêu đào tạo con người. Cần nhấn mạnh những phẩm chất cần thiết về phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực như: tính trung thực, tính trách nhiệm, tính kỷ luật, tính sáng tạo, khả năng tự lập, năng lực hợp tác và cạnh tranh (trong nước và quốc tế)..., hoài bão xây dựng đất nước để sánh vai với bè bạn.

Xây dựng phẩm chất, nhân cách con người, đổi mới phương pháp dạy và học phải bắt đầu từ người thầy. Đối với GD phổ thông, hiện trong toàn ngành đang triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở cấp tiểu học và THCS cùng với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học.

Chưa thể đòi hỏi hiệu quả tức thời, tuy nhiên dư luận xã hội vẫn còn nhiều băn khoăn, quan ngại về sự nặng nề, quá tải trong nội dung chương trình và kiến thức môn học nói chung và giữa các vùng, miền nói riêng và đặc biệt về mục tiêu GD toàn diện (đức, trí, thể, mỹ; ý chí và hoài bão cống hiến cho xã hội...) cho thế hệ trẻ nước ta.

Cần rà soát lại mục tiêu, chương trình sách giáo khoa sao cho thật sự phổ thông, cơ bản và thiết thực, có khả năng hòa nhập với GD các nước trong khu vực và trên thế giới. Thu hút các giới khoa học, công nghệ, giảng dạy, doanh nghiệp, văn hóa, xã hội... tham gia xây dựng/thẩm định các chương trình và giáo trình (có thể gọi là xã hội hóa việc xây dựng chương trình, giáo trình - một việc làm mới mẻ và hiệu quả, phù hợp thực tiễn VN).

Cần giải quyết tốt vấn đề phân hóa và phân luồng sau THCS, quan tâm đến năng lực cá biệt, hứng thú, nguyện vọng của học sinh và gia đình họ. Để giảm sự nặng nề cho GD, cần bỏ thi tốt nghiệp tiểu học và THCS mà chỉ tổ chức kiểm tra cuối cấp; vẫn phải tổ chức thi vào và thi tốt nghiệp ở THPT.

Chưa thể sớm bỏ thi tuyển sinh ĐH; cần chuẩn bị tiến tới hợp nhất thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển ĐH vào một kỳ thi chung.

Trong khi đó, đặc điểm lớn của GD ĐH là đào tạo nhân lực trình độ cao theo những lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, đồng thời phải tiến hành nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cho nên tính tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội của trường ĐH rất cao.

Chất lượng GD ĐH phải trở thành lẽ sống, uy tín và danh dự của chính nhà trường. Quản lý trường ĐH phải chuyển sang lấy quản lý chất lượng làm cốt lõi. ĐH ngày nay ở nước ta đang đi vào quĩ đạo của ĐH đại chúng nên chất lượng ĐH đang phải phân tầng, cơ cấu phân tầng này chưa được đặt ra một cách rõ ràng và có hệ thống; thí dụ có tầng chất lượng tầm quốc tế, tầng chất lượng tầm quốc gia, tầng chất lượng tầm cộng đồng...

Để nâng cao chất lượng GD ĐH, quá trình đào tạo ĐH phải là một quá trình chọn lọc, buộc sinh viên phải có trách nhiệm cao với việc học, đồng thời cũng tạo điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH. Mặt khác, cần chấn chỉnh việc đào tạo sau ĐH, bảo đảm các văn bằng, học vị là thực chất.

Phải coi khâu quản lý là then chốt

Cần khẩn trương làm rõ nhận thức về tính chuyển giai đoạn của nền kinh tế, về sự tương thích tất yếu của cơ chế điều hành GD, đặc biệt là GD ĐH, với cơ chế thị trường, định hướng XHCN, làm cơ sở để có nhận thức đúng và quyết tâm tổ chức thực hiện những chủ trương đổi mới quản lý GD ở các cấp.

Đồng thời khắc phục những yếu kém trong quản lý cụ thể như đã nêu trong chiến lược phát triển GD; phân định rõ trách nhiệm của các bộ, các cấp; phải coi khâu quản lý này là then chốt để giải quyết những vấn đề về GD đang đặt ra một cách rất bức xúc trong xã hội.

Năm 2005 là năm đầy sự kiện quan trọng (kỷ niệm những ngày lễ lớn) đồng thời cũng là năm sắp bắt đầu giai đoạn 2 của chiến lược phát triển GD 2001-2010. Đề nghị lấy năm 2005 làm năm chấn hưng GD VN để phát động một phong trào trong xã hội tập trung vào GD, từ nâng cao nhận thức đến việc xác định trách nhiệm của mỗi người, mỗi ngành, mỗi cấp đối với GD.

Đặc biệt ngành GD cần phát động trong các cấp quản lý GD, các trường học phong trào chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nghiêm chỉnh thực hiện các qui chế, tạo một bước ngoặt trong hoạt động GD, thực hiện tốt các chủ trương kế hoạch theo chiến lược phát triển GD 2001-2010.

Tin bài liên quan:

* Chấn hưng giáo dục - mệnh lệnh từ cuộc sống * Những việc cần làm ngay!

NGUYỄN THỊ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên