06/07/2008 04:02 GMT+7

20 nhà tư tưởng lớn nhất đương thời: 3 nhà văn được chọn lựa

DUY VĂN(Theo ForeignPolicy, Wikipedia)
DUY VĂN(Theo ForeignPolicy, Wikipedia)

TT - Orhan Pamuk, Umberto Eco, Mario Vargas Llosa ở trong số 20 nhà tư tưởng lớn nhất đương thời do trang ForeignPolicy tổ chức bình chọn (http://www.foreignpolicy.com/story/cms.php?story_id=4349).

ForeignPolicy là một trong những tạp chí hàng đầu của Mỹ về nghiên cứu và phân tích các vấn đề thế giới, sau khi đưa tiêu chí để độc giả đề cử 100 ứng viên, tạp chí đề nghị độc giả bỏ phiếu 20 nhà tư tưởng hàng đầu. Cuộc khảo sát thu hút sự tham gia của 500.000 người.

6mUCeXRa.jpgPhóng to
Ferit Orhan Pamuk
1-Nhà văn Ferit Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kỳ)

Nhận được số phiếu bình chọn khá cao, nhà văn đoạt giải Nobel năm 2006 xếp vị trí thứ tư. Ông được ForeignPolicy đánh giá: "Vừa là học giả về chính trị, vừa là ngôi sao văn học, Orhan Pamuk là nhà biên niên sử hàng đầu về tình thế cầu nối của Thổ Nhĩ Kỳ giữa phương Đông và phương Tây. Những công trình tinh xảo của ông đã bóc trần quan hệ gai góc của đất nước ông với tôn giáo, dân chủ và tính chất hiện đại, giúp ông giật giải Nobel văn học 2006".

Orhan Pamuk sinh năm 1952.Tác phẩm của ông được dịch ra trên 40 thứ tiếng, nổi tiếng nhất phải kể: Tên tôi là Đỏ, Tuyết, Istanbul... Hiện Pamuk đang dạy văn học tại Đại học Columbia.

nfa9JCcZ.jpgPhóng to
Umberto Eco
2-Nhà văn Umberto Eco (Ý)

Umberto Eco sinh năm 1932 ở Ý, đứng thứ 14 trong top 20, được coi là nhà văn hậu hiện đại tiêu biểu. Bình luận về ông, ForeignPolicy viết: "Nổi tiếng thế giới với các tiểu thuyết phức tạp, tràn ngập sự kiện lịch sử với các âm mưu và biểu tượng phức tạp, Eco là một trong những nhà văn - học giả hàng đầu thế giới thể loại hư cấu".

Công việc hằng ngày của ông - giáo sư ký hiệu học tại Đại học Bologna (Ý) - cho ông chất liệu để viết những quyển sách bán chạy nhất, từng được tặng biệt danh là các bách khoa toàn thư về lịch sử. Các tiểu thuyết lừng danh của ông: Tên của hoa hồng (Il nome della rosa, 1980, đến nay đã bán được gần 20 triệu bản, được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt), Quả lắc của Foucault (Il pendolo di Foucault, 1988), Đảo hôm trước (L isola del giorno prima, 2001).

3. Tiểu thuyết gia Vargas Llosa (Peru)

wfAGv9CL.jpgPhóng to
Vargas Llosa
Cùng với Gabriel Garcia Marquez, ông được xem là một trong hai cây đại thụ của làng văn học Mỹ Latin.Vargas Llosa sinh năm 1936, là tác giả của hàng chục tiểu thuyết, kịch, phê bình văn học, có đóng góp lớn cho sự phát triển tư tưởng của nhân loại. ForeignPolicy viết: "Ông là người có niềm tin vững chắc vào quyền lực của văn chương trong việc phơi bày bất công và bạo quyền độc tài trong khi đấu tranh bảo vệ quyền tự do cá nhân. Ông cũng là tác giả của nhiều bài báo chính trị nổi tiếng".

Chiếm số lượng lớn trong các công trình của ông là những tác phẩm về đề tài lịch sử - chính trị: Thời của anh hùng (Time of hero), Ngôi nhà xanh (Green house), Chiến tranh ở tận cùng thế giới (War at the end of the world), Cuộc đời thực của Alejandro Mayta (The real life of Alejandro Mayta).

Vargas Llosa khép lại danh sách 20 nhà tư tưởng nổi bật nhất đương thời.

Fethullah Gulen - Nhà tư tưởng số 1 thế giới

n75z5e92.jpgPhóng to

Ảnh: Ozgurturkiye.com

Một học giả người Thổ Nhĩ Kỳ ít được phương Tây biết đến bỗng chốc trở nên nổi tiếng sau khi được bầu là “nhà tư tưởng số một thế giới”.

Fethullah Gulen sinh ra ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng định cư ở Mỹ từ mười năm trước. Ông là tác giả của hơn 60 quyển sách và có hàng triệu tín đồ trên khắp thế giới. Những tư tưởng mà ông truyền bá có thể được tóm tắt trong bốn điểm: cùng chung sống trong hòa bình, tôn trọng sự khác biệt, chấp nhận mọi người là chính họ, chủ trương đối thoại liên tôn giáo và liên văn hóa.

Với niềm tin mạnh mẽ rằng có thể tạo ra một thế giới hòa bình thông qua giáo dục, ông Gulen khuyên những người theo “Phong trào Gulen” dành sức lực và tinh thần cho lĩnh vực đào tạo con người. Kết quả là một thế hệ trẻ đang học cách chung sống với nhau tại hàng trăm ngôi trường do các doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ mở tại hơn 110 quốc gia trên thế giới. Theo báo Guardian, trẻ em những sắc tộc “không đội trời chung” như Bosnia và Serbia, Kurd và Turkoma, Nga và Chechen... đang cùng học với nhau trong hòa bình dưới những mái trường này.

DUY VĂN(Theo ForeignPolicy, Wikipedia)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên