08/10/2013 06:40 GMT+7

2 tuổi đã dậy thì

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Từ năm 2008 đến nay Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM tiếp nhận điều trị 39 bệnh nhi bị bệnh dậy thì sớm. Nhiều bệnh nhi chưa đến 2 tuổi đã có dấu hiệu của người trưởng thành.

5kiGbfqF.jpgPhóng to
Nhân viên điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1 kiểm tra sức khỏe cho bé T.T.T.V. trong buổi tái khám ngày 3-10. Em V. bị dậy thì sớm lúc 16, 17 tháng - Ảnh: L.TH.H.

Theo bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, trưởng khoa thận - nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1, dậy thì sớm là sự xuất hiện những biểu hiện về thể chất và hormone của tuổi dậy thì ở lứa tuổi sớm hơn bình thường (dưới 8 tuổi đối với trẻ gái và dưới 9 tuổi ở trẻ trai), do sự hoạt hóa trung tâm dậy thì gây ra tình trạng kích thích sớm toàn bộ trục hạ đồi, tuyến yên, tuyến sinh dục.

Bệnh gì “ngộ” quá!

Sau điều trị, trẻ phát triển bình thường

Sau khi ngừng điều trị, các đặc tính sinh dục của trẻ bị dậy thì sớm sẽ trở lại trong vài tháng như quy trình sinh lý bình thường của trẻ. Cụ thể, trẻ gái sẽ bắt đầu có kinh trở lại sau 12-18 tháng ngưng thuốc điều trị, trẻ vẫn rụng trứng và khả năng mang thai như trẻ khác, còn trẻ trai vẫn có sự sản sinh tinh trùng như bình thường. Với trẻ được xác định dậy thì do có khối u bất thường, tùy vị trí và tính chất của u, bác sĩ sẽ phẫu thuật hoặc xạ trị, các triệu chứng dậy thì sẽ chấm dứt.

Sáng 3-10, chúng tôi gặp bé T.T.T.V. (sinh tháng 3-2009 ở Tiền Giang) tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Theo hẹn của bác sĩ, hôm đó bé V. nhập viện để điều trị bệnh dậy thì sớm. Bé V. nhập viện lần đầu hồi tháng 10-2010 khi 20 tháng tuổi. Từ khi được điều trị, bé không còn ra kinh nguyệt hằng tháng như trước.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Yến - mẹ bé V. - kể lúc bé khoảng 16-17 tháng thì có huyết trắng âm đạo nên chị đưa bé đi khám. Bác sĩ khám cho rằng do việc vệ sinh không kỹ nên bé mới bị như vậy. Khi bé 18 tháng, gia đình phát hiện bé ra huyết âm đạo nên đưa đến hai bệnh viện huyện ở Tiền Giang để khám nhưng bác sĩ nói không sao. Tuy nhiên, tháng sau bé lại ra huyết âm đạo ba ngày rồi hết như tháng trước. Gia đình lại đưa bé đến Bệnh viện đa khoa Tiền Giang khám. Tại đây, bác sĩ nói bé bị rối loạn nội tiết, vài tháng sau sẽ hết. Song, mấy tháng liên tục bé đều có hiện tượng kinh nguyệt ba ngày rồi hết, khi có kinh bé cũng khó chịu, mệt mỏi, đau bụng nên chị Yến lại đưa con đến Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ khám. Sau đó, chị được bác sĩ hướng dẫn qua Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị. Mẹ bé V. chia sẻ ngoài có kinh nguyệt khi mới 17 tháng, ngực của bé V. cũng “dậy vú” sớm. Lần đầu nghe bác sĩ nói bé V. bị bệnh dậy thì sớm nên mới có những hiện tượng như vậy, chị Yến rất ngạc nhiên, còn hàng xóm khi biết chuyện ai cũng bảo “bệnh gì mà ngộ quá”.

Tương tự, bé T.H.N.T. (sinh tháng 12-2008 ở Đắk Lắk) nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 1 tháng 11-2010 khi chưa được 2 tuổi. Trước khi nhập viện điều trị bé T. cũng có triệu chứng có kinh, sau đó thấy ngực to lên. Cả hai bé này sau khi khám, làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh đều được chẩn đoán bị bệnh dậy thì sớm.

90% không biết nguyên nhân

Bác sĩ Thoại Loan cho rằng bệnh dậy thì sớm thường gặp ở trẻ gái nhiều hơn trẻ trai. Đến nay y học mới xác định được 10% nguyên nhân bệnh, còn hơn 90% không rõ nguyên nhân (vô căn).

10% nguyên nhân gây bệnh dậy thì sớm được xác định do trẻ có những bất thường vùng thần kinh trung ương nhưng hiếm gặp là hamartomas vùng dưới đồi, có khối u (u tế bào hình sao, u thần kinh đệm, u tế bào mầm tiết HCG); do tổn thương thần kinh sau một viêm nhiễm, phẫu thuật, chấn thương, xạ trị hoặc apxe hay một bất thường bẩm sinh nào đó.

Bệnh nhi được cha mẹ đưa đến khám vì trẻ xuất hiện triệu chứng dậy thì sớm. Ở trẻ gái có thể là ngực to ra, xuất hiện lông mu hoặc ra huyết âm đạo. Ở trẻ trai thì xuất hiện triệu chứng lông mu, vỡ giọng, có mụn hoặc cương dương vật hay dương vật lớn hơn so với trẻ cùng tuổi. Nhưng để chẩn đoán chính xác, với những bệnh nhi này sẽ được bác sĩ khám lâm sàng, đánh giá mức độ dậy thì theo thang điểm Tanner (đánh giá ở trẻ gái là sự xuất hiện của lông mu và độ lớn của vòng ngực, đối với trẻ trai là kích thước dương vật và thể tích tinh hoàn).

Sau khi đánh giá chính xác một trẻ đang có dấu hiệu dậy thì, bác sĩ sẽ cho làm tiếp một số xét nghiệm để định lượng hormone sinh dục trong máu, nếu có tăng thì chứng tỏ trẻ đã bước vào giai đoạn dậy thì. Đồng thời xét nghiệm tìm nguyên nhân, tuy đa số trường hợp mắc bệnh không rõ nguyên nhân nhưng bác sĩ vẫn cho chụp cộng hưởng từ não để xem có u, bướu gì hay không... Ngoài ra, trẻ còn được cho làm test thử nghiệm động để thử nghiệm nồng độ của hormone sinh dục trong máu vào những thời điểm cố định.

Theo bác sĩ Thoại Loan, do những hiện tượng dậy thì sớm rất “ấn tượng” nên những trẻ bị bệnh này đều được gia đình đưa đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời. Tùy kết quả xét nghiệm và do nguyên nhân gì, trẻ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp. Việc điều trị nhằm làm biến mất các dấu hiệu dậy thì ở trẻ và ngăn chặn việc đóng sớm của các đầu xương dài. Nếu trẻ không được điều trị thì sau đó các đầu xương bị đóng sớm, sau này chiều cao rất hạn chế.

Trẻ dậy thì sớm phải điều trị nhiều năm. Trong quá trình điều trị trẻ sẽ được đánh giá lại các thay đổi về đặc tính dậy thì mỗi ba tháng về cân nặng, chiều cao, tốc độ tăng trưởng, kích thước tuyến vú, thể tích tinh hoàn, cũng như định lượng lại hormone sinh dục trong máu và ngừng thuốc khi đủ 12 tuổi...

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên