28/08/2004 14:14 GMT+7

1946 - năm đầy tuổi của nước Việt Nam DCCH

Đại tá LÊ TRỌNG NGHĨATP.HCM, tháng 8-2004
Đại tá LÊ TRỌNG NGHĨATP.HCM, tháng 8-2004

TTCN - Sau Tổng khởi nghĩa 1945, năm 1946, sau này thường được nhắc đến như một năm “tương đối hòa bình” nhưng thật sự đã là thời gian thách thức sự tồn tại của một Nhà nước cực kỳ non trẻ, của một dân tộc mới thoát khỏi đêm dài nô lệ.

uWilqDjL.jpgPhóng to

Ông Lê Trọng Nghĩa, một nhân chứng đã tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa sẽ cho chúng ta biết về những kỳ tích của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong năm 1946, nền móng đưa tới những thành tựu vĩ đại của tiến trình cách mạng Việt Nam.

Ngay sau ngày 2-9-1945, các lực lượng bên ngoài đã tìm mọi cách đe dọa nền độc lập của dân tộc VN vừa mới tự đứng lên dựng nước. Quân đội thực dân Pháp đã đánh chiếm Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ, Tây nguyên, Nam Trung bộ và ráo riết chuẩn bị đưa quân ra Bắc...

Ở miền Bắc, gần 20 vạn quân Tưởng kéo vào, ra sức cướp bóc, hoành hành, o ép chính phủ lâm thời và nhân dân... Chính phủ lâm thời mới đăng quang còn non trẻ, được quần chúng nhân dân, Mặt trận Việt Minh nhiệt liệt ủng hộ nhưng dân còn nghèo nàn, lạc hậu, nạn đói và lụt lội đang đe dọa, nhiều địa phương còn ngoài tầm kiểm soát.

Ngay tại thủ đô, các phần tử mang danh Quốc dân đảng (Việt quốc), Đồng Minh hội (Việt cách) với danh nghĩa đồng bào hải ngoại mới về nước cùng quân đội Trung Hoa, đã công khai ngang ngược gây rối, chống đối, ám hại cán bộ lãnh đạo, đả kích và hô hào thay đổi chính phủ.

Mùa đông khắc nghiệt đã tới với một tình hình hết sức gay cấn về chính trị và quân sự, đe dọa đất nước từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Giữa thủ đô Hà Nội, ngọn cờ đầu của Cách mạng Tháng Tám, lòng người cực kỳ xao xuyến. Trong giới quanh tôi, đã có người cho rằng phải có một bàn tay sắt, hay một đấng cứu thế từ bên ngoài mới mong cứu vãn được tình hình...

oOo

Nhưng ngay từ phiên họp đầu tiên, để đối phó với tình hình nguy cấp ấy, Chính phủ lâm thời đã ban hành nhiều biện pháp cấp thời độc đáo nhằm chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm... đồng thời với một quyết sách thật táo bạo: ngày 8-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 14SL cho mở cuộc tổng tuyển cử của toàn dân để bầu quốc dân đại hội (Quốc hội) ngay trong vòng hai tháng.

ZaHJEyiK.jpgPhóng to
Ông Lê Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội khóa I, thư ký Văn phòng quân sự Ủy viên hội trong Chính phủ liên hiệp năm 1946, nguyên đại tá cục trưởng Cục Tình báo quân đội thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân VN
Ban đầu, nhiều thanh niên chúng tôi, vừa mới khởi nghĩa thắng lợi xong còn say sưa trong các phong trào, nên có phần xem nhẹ và coi đây là ảo tưởng. Nhưng đến khi cùng đồng bào cầm được lá phiếu trong tay, chúng tôi mới thật sự xúc động và cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của việc Chính phủ Cụ Hồ đã quyết định trao lại quyền tối cao cho nhân dân trong thời điểm trọng đại ấy.

Tháng ba mùa xuân 1946, qua phổ thông đầu phiếu, nhân dân VN đã chính thức bầu ra Quốc hội và thành lập được Chính phủ liên hiệp kháng chiến kiến quốc đầu tiên của nước VN Dân chủ cộng hòa (VNDCCH) - kỳ tích đầu tiên của chế độ.

Quốc hội có đại biểu dân cử và cả đại diện Việt quốc, Việt cách mới từ nước ngoài về. Chính phủ liên hiệp, kháng chiến kiến quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ Việt Minh, đứng đầu và lãnh tụ Việt cách Nguyễn Hải Thần làm phó chủ tịch. Các bộ được phân cho các đảng phái, nhân sĩ. Quân sự ủy viên hội đảm nhận việc chỉ huy thống nhất các lực lượng vũ trang (Vệ quốc đoàn, quân đội quốc gia, quân đội của Quốc dân đảng...) do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chủ tịch và lãnh tụ Quốc dân đảng Vũ Hồng Khanh làm phó...

Kỳ tích vĩ đại nói trên đã đáp ứng được tình hình đất nước và điều cốt tử, quan trọng bậc nhất là đã khẳng định và thực hiện được khối đoàn kết thống nhất toàn dân chưa từng có, ngay trong buổi ban đầu thời dựng nước:

- Liên hiệp được các lực lượng chính trị và vũ trang khác nhau, đối lập nhau đang tồn tại.

- Trước mắt loại bỏ được tranh chấp, xung đột nội bộ có nguy cơ dẫn đến bạo loạn...

- Đạt được sự đồng thuận đi theo con đường kháng chiến kiến quốc chống thực dân xâm lược.

Từ quyết sách thần hiệu 14SL, sức mạnh tổng hợp của toàn đất nước đã được khởi động và phát huy...

oOo

Dựa vào thành tựu thành lập được chính phủ liên hiệp, điều kiện tiên quyết, Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng khôn khéo sách lược dấn lên một bước mới: ký hiệp định 6-3-1946 với Chính phủ Pháp, giành thắng lợi to lớn: lập lại hòa bình ở VN. Pháp đã phải công nhận Chính phủ VNDCCH (một chính phủ đoàn kết thống nhất dân tộc, như họ nói) và thực hiện ngừng chiến.

Quân Tưởng phải rút về nước, một phần cũng chính vì VN đã có được một chính phủ liên hiệp mà trong đó những người thân Trung Quốc được giữ những vị trí quan trọng, chủ chốt...

Vị thế của VNDCCH được củng cố và nâng cao rõ rệt trong việc quản lý đất nước và trên trường quốc tế, trước hết với Cộng hòa Pháp.

oOo

Phát huy thắng lợi ban đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân đi Pháp, ra sức đẩy tới chính sách hòa bình..., nhưng tình hình thế giới biến chuyển... ta không đạt được như ý muốn. Pháp ra mặt phá hiệp định, dựng lên nước Nam kỳ tự trị, cho quân đội quấy phá khiêu khích ở Lạng Sơn, Hải Phòng và trên phố phường thủ đô Hà Nội...

Cùng lúc, nhân khi quân Tưởng rút khỏi miền Bắc, một số lãnh tụ Việt quốc, Việt cách..., phó chủ tịch Nguyễn Hải Thần, bộ trưởng Nguyễn Tường Tam, phó chủ tịch quân sự ủy viên hội Vũ Hồng Khanh... đã bỏ nhiệm vụ quốc dân giao phó, bí mật trốn ra nước ngoài.

Các phần tử Việt quốc ở Hà Nội, Hải Phòng nhân dịp lại quấy phá, gây rối... buộc chính phủ phải có những biện pháp cấp bách quyết liệt để kịp đối phó với tình hình ở ngay thủ đô Hà Nội (vụ Ôn Như Hầu...), cũng như ở Vĩnh Yên, Yên Bái... để giữ được sự thống nhất và ổn định của quốc gia.

Tháng 10-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp về đã nhanh chóng họp quốc hội, khéo léo chấn chỉnh lại chính phủ liên hiệp, đảm bảo khối đoàn kết thống nhất dân tộc, tăng cường công tác quân sự chuẩn bị chiến tranh, giao đồng chí Võ Nguyên Giáp giữ chức bộ trưởng Bộ Quốc phòng... Và đặc biệt trong bối cảnh lịch sử khói lửa chiến tranh đã bén đến cửa ngõ thủ đô, ngày 8-11-1946 Quốc hội cho ban hành hiến pháp đầu tiên của nước VNDCCH, đã được chuẩn bị một cách hết sức dân chủ, rộng rãi.

Hiến pháp 1946 là một kỳ tích vĩ đại nữa trong sự nghiệp dựng nước, lần đầu tiên đặt khuôn khổ pháp lý, nền tảng và định hướng phát triển lâu dài trong thời chiến cũng như thời bình cho việc kiến thiết và phát triển đất nước và xã hội VN mới. Hiến pháp 1946 đã khẳng định tư tưởng hiến chính “dân tộc và dân chủ” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt việc tổ chức và thực hiện thắng lợi cuộc “Chiến tranh nhân dân thần thánh” và quân đội nhân dân VN anh hùng sau này.

oOo

Những kỳ tích đó là hành trang vô giá để toàn dân ta dấn thân vào cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc độc lập và tự do dân chủ với một niềm tin sắt đá vào thắng lợi. Một cuộc chiến tranh chín năm lâu dài, ác liệt, gian khổ mà ta đã tìm hết cách ngăn ngừa mà không được. Đâu có phải là do ta bị dồn đến chân tường vì đã quá thỏa hiệp, nhân nhượng...

Tôi không quên một câu chuyện lý thú:

Năm 1946, L.Pignon, một thực dân cáo già, cố vấn của cao ủy D’Argenlieu, đã nhận định rằng: “Chính phủ Hà Nội của ông Hồ còn non trẻ, không tiền, gần như không súng, không bè bạn (ý nói nước đồng minh) nhất định sẽ bị diệt”.

Nhưng lịch sử đã cho thấy Chính phủ non trẻ đó ngay trong năm đầy tuổi đã cùng đất nước lớn lên với sức mạnh Phù Đổng, vượt qua bước hiểm nguy mùa xuân 1946, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc đã đánh bại bọn thực dân xâm lược kỳ cựu Pháp có đế quốc Mỹ giúp đỡ tại trận chiến lẫy lừng Điện Biên Phủ. Và với Hiệp định Genève 1954 VN đã trở thành một quốc gia độc lập tự do dân chủ, có vị thế và vai trò được quan tâm trên chính trường quốc tế.

Đạt được những thành quả vĩ đại đó là do chế độ chúng ta ngay từ giai đoạn non trẻ đã tìm được một chỗ dựa cực kỳ lớn rộng: nhân dân, rồi có Đảng Cộng sản VN cùng với lãnh tụ Hồ Chí Minh đã biết phát huy và sử dụng có hiệu quả cái “vốn lớn” đó qua một mặt trận Việt Minh mẫu mực.

Những nhân tố vừa kể là chìa khóa vàng để VN thắng lợi trong thời kỳ “chiến đấu trong vòng vây” những năm 1940, cũng là một di sản lịch sử vô cùng quí giá, càng có ý nghĩa quyết định khi đất nước đứng trước nguy cơ tụt hậu, đang tích cực nỗ lực hội nhập cộng đồng quốc tế trong thời buổi toàn cầu hóa vũ bão hiện nay.

Đại tá LÊ TRỌNG NGHĨATP.HCM, tháng 8-2004
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên