Phóng to |
Chuyến bay chở 181 lao động VN đầu tiên từ Libya được dự báo sẽ hạ cánh lúc 3 giờ 50 sáng 26-2 nhưng trước đó một số người đã túc trực qua đêm để đón thân nhân của họ - Ảnh: Tiến Thành |
Đại diện Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết, theo báo cáo của các doanh nghiệp, sau chuyến bay này sẽ liên tục có máy bay đưa lao động về nước với mục tiêu đảm bảo an toàn cho toàn bộ lao động Việt Nam.
Chờ đợi mỏi mòn...
Nguyên nhân chính được xác định sau khi đưa lao động từ sân bay Tripoli sang Malta, Dubai thì máy bay không thể cất cánh do phía Ấn Độ không cho bay qua không phận nước này. Do đó, cả ngày hôm qua, Bộ LĐTB&XH và Bộ Ngoại giao, Sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phải làm thủ tục xin phép cho máy bay qua không phận để đưa lao động về nước.
Đối với thân nhân lao động đã được thông báo trước, sự chờ đợi không có bất cứ thông tin gì càng làm cho họ lo sợ. Em Đỗ Thị Thu Huyền (quê Nam Sách, Hải Dương) có anh trai là Đỗ Quang Tin tại Libya. Trước giờ về, anh Tin thông báo cho thân nhân sẽ về Việt Nam vào thời điểm trên nên ngay từ 5g sáng, Huyền đã lên sân bay Nội Bài chờ đợi.
Phóng to |
4 giờ 25, những lao động Việt Nam đầu tiên bước ra từ sảnh sân bay - Ảnh: Tiến Thành |
Phóng to |
Một số người chưa kịp lên xe đã ở trong vòng vây của báo chí. Trong ảnh là anh Ly Sa Sáng (người Lào Cai), 37 tuổi đã sang Libya lao động được 2 tháng. Anh cho biết, rất vui mừng khi đã trở về nước, nhưng cũng lo lắng bởi không trả được khoản nợ đã đầu tư làm việc tại nước ngoài - Ảnh: Tiến Thành |
Cho đến 3g sáng nay, Huyền và bạn trai vẫn ngồi vất vưởng trên sân bay, trông ngóng chuyến bay đưa anh trai mình về Việt Nam. “Đến giờ hẹn mà không thấy anh về, cả nhà em lo lắm, phát khóc lên được”, Huyền nói. “Đến sáng nay, biết được máy bay sẽ về vào 4g sáng nhưng em không biết có anh trai mình không nên cứ ở sân bay để chờ”. Và sự chờ đợi của Huyền đã được đền đáp xứng đáng. Khi nhìn thấy bóng anh trai bước từ xe trung chuyển từ máy bay vào phòng lấy hành lý, Huyền đã nhảy lênôm lấy bạn trai, vừa khóc vừa cười vì sung sướng rồi điện thoại về nhà lúc nửa đêm cho gia đình yên tâm.
Phóng to |
Bác Đặng Toan, 50 tuổi, quê ở Hà Tĩnh đã sang làm công nhân xây dựng ở Libya được 10 tháng. Bác kể “Cuộc sống của công nhân trong những ngày bạo động ở Libya rất khó khăn và nguy hiểm. Việc trở về VN làm tôi rất thoái mái dù còn khoản nợ trước mắt” - Ảnh: Tiến Thành |
Huyền cũng là thân nhân duy nhất đi đón lao động Việt Nam từ Libya về nước bởi không phải lao động nào cũng dám thông báo với gia đình mình sẽ về vào thời điểm nào. Họ sợ người thân phải chờ đợi mỏi mòn khi máy bay bị trễ giờ, trễ chuyến hay một sự cố nào khác. Chỉ đến khi xuống sân bay, họ mới tíu tít mượn điện thoại để liên lạc về quê nhà báo cho gia đình yên tâm khi mình đã về đến Việt Nam.
1 tháng sống trong bạo loạn và 6 ngày di tản
Chờ đợi nhiều ngày trong nguy hiểm trước khi được lên máy bay; Lên máy bay mỗi ngày chỉ được ăn một bữa, không được đi ra khỏi máy bay,... Đó là nỗi khổ của lao động Việt Nam khi di tản khỏi Libya. Không chết, về được là sướng rồi, đó là tâm trạng của hầu hết lao động Việt Nam khi bước ra khỏi sân bay Nội Bài.
Nhớ lại những ngày sống trong bạo loạn ở Tripoli (thủ đô Libya) khoảng 1 tháng trước, Nguyễn Văn Trí (25 tuổi, quê tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An) kể chuyện, công ty ở cách thủ đô Tripoli khoảng 20km nhưng ngay khi xảy ra chiến sự đã bị ảnh hưởng nặng nề. Mới đầu, nhà thầu còn thuê công an bảo vệ công trường và công nhân nhưng sau đó, tình hình trở nên hỗn loạn và lao động cũng phải lo thân mình.
Phóng to |
Chị Đỗ Thị Thu Huyền gọi điện báo tin cho gia đình ở Bắc Giang về người anh Đỗ Quang Tin (bên phải) đã bình an trở về nước - Ảnh: Tiến Thành |
Phóng to |
Các công nhân chen chân lên xe khách - Ảnh: Tiến Thành |
Phóng to |
Báo chí phỏng vấn ông Đào Công Hải, phó Cục trưởng cục quản lý lao động nhà nước - Ảnh: Tiến Thành |
Phóng to |
176 công nhân của Vinaconex được đưa về trường dạy nghề của công ty này để kiểm tra số lượng - Ảnh: Tiến Thành |
Phóng to |
Các công nhận xếp hàng, ký tên để nhận số tiền 1 triệu đồng do công ty tạm ứng để trở về quê - Ảnh: Tiến Thành |
Ngoài đường thì biểu tình, đánh nhau, đốt phá, nhiều trụ sở các công ty có lao động Việt Nam, nhiều công trường bị đốt phá, cướp bóc. Người nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam ngày thì vào trại tị nạn để ở, đến đêm phải trốn chui, trốn nhủi, thậm chí phải chạy vào các nhà thờ, trốn ra các mương máng, bờ biển mới không bị cướp bóc.
Sau khi tình hình quá căng thẳng, công ty AG đã thuê được một máy bay cho tốp lao động đầu tiên về nước. Khi được thông báo, nhóm lao động tập trung đến sân bay và tiếp tục chịu cảnh hỗ loạn tại sân bay Tripoli. Hàng chục ngàn người tụ tập, chen lấn để được vào sân bay xếp hàng mua vé. Đến sân bay từ 5g sáng nhưng phải đến 4g chiều, lao động Việt Nam mới vào được sân bay Tripoli để lên máy bay sang Malta, tránh khỏi tình hình hỗn loạn tại Libya.
Lên máy bay, lao động Việt Nam tiếp tục một hành trình gian khổ 2 ngày đêm, đói ăn, thiếu uống để về được quê nhà. Không chỉ gian khổ như vậy, lao động hầu như không mang được hành lý về nước. Anh Nguyễn Bá Kiều (quê Nghệ An) kể lại, cảnh sát ở sân bay Tripoli bắt vứt hết nhưng đồ đạc nặng mới cho vào sân bay, có người chỉ xách theo được một túi quần áo, đến giấy tờ tùy thân cũng không có để về.
Sau khi lên máy bay, Trí cùng 180 lao động Việt Nam phải chờ đợi tại Malta 12 tiếng, sau khi sang Dubai phải chờ thêm 8 tiếng đồng hồ mới được bay. Toàn bộ thời gian này, lao động Việt Nam đều phải ở trên máy bay, mỗi ngày được phát đồ ăn một bữa.
Theo lí giải của phi hành đoàn, lượng cung cấp thức ăn thiếu, có hạn nên phải ăn uống dè sẻn. Chính vì thế, lao động Việt Nam phải ăn mì sống mang theo hành lý mua từ Tripoli. Khổ thế nhưng về được Việt Nam là mừng, là sống rồi, còn anh em bên đó nữa không biết đã chạy được ra khỏi Libya chưa hay vẫn bị nằm trong vòng nội loạn, Trí tâm sự.
Người Libya không hành hung người nước ngoài trong trường hợp không chống cự lại. Nếu chống cự sẽ bị đánh, thậm chí bị giết, một lao động Việt Nam cho biết. Trên đường phố ở Tripoli giờ rất nhiều xe tăng, pháo của công an, quân đội tập trung để dẹp loạn, người nước ngoài chỉ co cụm ở các trại tị nạn, sân bay và hầu như không dám đi ra đường.
Về được Việt Nam nhưng bên cạnh nụ cười sung sướng về được nhà, người lao động cũng không giấu nổi nét lo âu khi không có kinh phí về nhà. Tuy nhiên, Vinaconex Mec thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng đã hỗ trợ cho mỗi lao động 1 triệu đồng kinh phí về nhà. Mọi chế độ đối với lao động, sau khi đưa được lao động về nước an toàn, công ty và cơ quan chức năng sẽ thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.
Dưới đây là một số hình ảnh của người lao động Việt Nam chụp tại Tripoli (Libya) cung cấp co Tuổi Trẻ Online.
Phóng to |
Cảnh tượng hoang tàn bên ngoài sân bay Tripoli (Libya) do người biểu tình gây ra - Ảnh do lao động Việt Nam tại Tripoli cung cấp |
Phóng to |
Cảnh tượng hoang tàn bên ngoài sân bay Tripoli (Libya) do người biểu tình gây ra - Ảnh do lao động Việt Nam tại Tripoli cung cấp |
Phóng to |
Cảnh tượng hoang tàn bên ngoài sân bay Tripoli (Libya) do người biểu tình gây ra - Ảnh do lao động Việt Nam tại Tripoli cung cấp |
Phóng to |
Hàng chục nghìn người chen lấn nhau để được vào sân bay Tripoli nhằm di tản ra khỏi Libya - Ảnh do lao động Việt Nam tại Tripoli cung cấp |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận