Khách chọn đầu thu truyền hình kỹ thuật số tại một cửa hàng ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
Ngừng phát sóng từ 24 giờ ngày 15-8
Thời điểm ngừng phát sóng kênh truyền hình analog, bao gồm cả các kênh của đài truyền hình địa phương, tại các tỉnh nêu trên từ 24 giờ ngày 15-8-2017. Các kênh truyền hình analog được chuyển sang phát trên hệ thống truyền hình kỹ thuật số.
Đây là các tỉnh nằm trong giai đoạn hai thực hiện Đề án số hóa truyền hình Việt Nam. So với lộ trình dự kiến ban đầu, thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất ở những địa phương kể trên đã được lùi lại một thời gian do một số vướng mắc trong khâu chuẩn bị và triển khai thực hiện.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị UBND các tỉnh và các doanh nghiệp viễn thông tổ chức thông báo, nhắn tin thông báo kế hoạch ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất kể từ ngày 15-8-2017 đến người dân.
Trong đó, Bộ đề nghị Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh thường xuyên thông báo bằng dòng chữ chạy dưới màn hình nội dung về thời điểm ngừng phát sóng truyền hình analog, đề nghị người xem truyền hình trang bị đầu thu truyền hình số mặt đất hoặc máy thu hình có chức năng thu truyền hình số mặt đất để chuyển sang thu xem truyền hình số mặt đất.
Theo Đề án Số hóa truyền hình, các hộ dân thuộc diện hộ nghèo vàcận nghèo sẽ được hỗ trợ trang bị đầu thu truyền hình số từ Quỹ Viễn thông công ích.
Ban quản lý chương trình Viễn thông công ích cho biết, các nhà thầu đã cơ bản hoàn thành việc lắp đặt đầu thu hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo tại 12 tỉnh, bao gồm: Phú Thọ,Thái Nguyên, Nam Định, Ninh Bình, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Tiền Giang, Bến Tre với tổng số lượng đầu thu hỗ trợlà 414.000.
Còn tại ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình do chậm trễ trong khâu đấu thầu nhà cung cấp nên dự kiến sẽ hoàn thành lắp đặt đầu thu cho 95.095 hộ nghèo và cận nghèo ở ba tỉnh này trước ngày 15-8-2017, kịp thời điểm tắt sóng truyền hình analog.
Bộ Thông tin truyền thông yêu cầu thông báo rộng rãi đến người dân số điện thoại của Tổng đài giải đáp thông tin số hóa truyền hình 1900 1559.
Truyền hình số mặt đất vẫn phải dùng anten
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đoàn Quang Hoan, cục trưởng cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Người sử dụng cần lưu ý khi chuyển sang truyền hình số mặt đất, TV vẫn có thể cần dùng anten như truyền hình tương tự mặt đất analog trước đây, chứ không có nghĩa là dùng tín hiệu số sẽ không cần anten
Việc có cần sử dụng anten hay không, sử dụng anten như thế nào phụ thuộc vào cường độ tín hiệu của từng điểm. Nếu ở điểm có cường độ phát sóng tín hiệu mạnh thì có thể chỉ cần anten trong nhà. Ở nơi có cường độ phát sóng tín hiệu yếu cần phải có anten dàn ngoài trời. Ở những khu vực bị che khuất, thậm chí phải dùng anten ngoài trời đặt ở những vị trí rất cao mới bắt được tín hiệu truyền hình số.
Ông Hoan cũng lưu ý: Điều kiện thu sóng của truyền hình số sẽ khó hơn sóng analog. Nếu như sóng analog có yếu hay chập chờn, TV vẫn bắt được tín hiệu và vẫn xem được tuy chất lượng không tốt. Nhưng đối với tín hiệu số, nếu tín hiệu yếu, không bắt được là sẽ hoàn toàn không xem được.
"Cường độ tín hiệu và vùng phủ sóng của truyền hình số cũng tương tự như truyền hình tương tự mặt đất trước đây. Khu vực nào đã có tín hiệu truyền hình tương tự mặt đất yếu thì nhiều khả năng tín hiệu truyền hình số cũng kém" - Ông Hoan giải thích - "Tuy vùng phủ sóng truyền hình số đã rộng hơn phủ sóng tương tự mặt đất, nhưng vẫn có những khu vực sóng yếu, khu vực bị chekhuất, tín hiệu kém, ảnh hưởng đến chất lượng thu chưa khắc phục được".
Ông Hoan cho biết "Đề án Số hóa truyền hình và Sở TT&TT các địa phương sẵn sàng tiếp nhận các thông tin phản hồi của người dân qua Tổng đài giải đáp thông tin số hóa truyền hình 1900 1559 về những vấn đề kỹ thuật nảy sinh sau khi chuyển đổi. Sau khi triển khai một thời gian, chúng tôi sẽ yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình số khảo sát nhu cầu và tập hợp đề xuất của người dân để xử lý các vấn đề kỹ thuật này".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận