11/02/2013 01:14 GMT+7

120 phút với tổng giám đốc J-League

DUY BÌNH - TẤN PHÚC thực hiện
DUY BÌNH - TẤN PHÚC thực hiện

TTXuân - Nhân dịp đi cùng CLB Fukuoka đến Việt Nam dự Giải bóng đá quốc tế Bình Dương, ông Yukio Nakano - tổng giám đốc Công ty J-League (đơn vị điều hành hai giải bóng đá hàng đầu Nhật Bản, gọi là J-League 1 và 2) - đã dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trò chuyện độc quyền kéo dài trong 120 phút.

PfEAV19D.jpgPhóng to
Ông Yukio Nakano - Ảnh: T.Phúc

Từ cuộc trò chuyện này vỡ ra nhiều điều thú vị khi soi lại bóng đá Việt, bị xem là “xuống đáy” sau thảm bại ở AFF Cup 2012.

Yukio là một người đàn ông vui tính, cởi mở. Tuy đang điều hành hai giải đấu quan trọng nhất của hệ thống thi đấu bóng đá của nước Nhật - một nền bóng đá đứng đầu châu Á, xếp hạng 24 thế giới, nhưng ông hết sức khiêm tốn khi mở đầu cuộc trò chuyện bằng một thái độ thể hiện sự trải lòng: “Bóng đá Nhật Bản chỉ mới phát triển gần 20 năm trở lại nên chúng tôi vẫn luôn muốn học hỏi từ các nước. Ngược lại, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ tất cả những gì mình biết với các bạn”.

Đừng để đội bóng phụ thuộc vào một ông chủ

"Các giải bóng đá trẻ ở Nhật không chỉ để tìm kiếm tài năng mà còn là nơi chúng tôi dạy những đứa trẻ làm người. Một khi giã từ bóng đá, họ không còn là người của công chúng nữa mà không có lễ nghĩa thì thật khó hòa nhập xã hội"

Yukio Nakano

* Thưa ông, nền thể thao Nhật đã phát triển từ rất lâu. Năm 1958, Nhật Bản đã tổ chức Asiad và khi đó bóng bàn Nhật Bản là số 1 thế giới. Năm 1964, Nhật Bản đăng cai Olympic và nhiều người hâm mộ thể thao ở VN đều ấn tượng với bộ phim Đường tới vinh quang, kể về đội bóng chuyền nữ đã khổ luyện như thế nào để đoạt HCV Olympic. Nhưng khi đó, bóng đá Nhật vẫn là con số không. Sự lột xác của bóng đá Nhật Bản bắt đầu khi nào và vì sao?

- Ông Nakano: Lúc đó tôi còn nhỏ và rất mê bóng đá, dù đối với người Nhật lúc ấy chỉ mê bóng chày, mê môn võ truyền thống sumo. Vào thời điểm thập niên 1960, bóng đá Nhật chỉ có vài CLB nghiệp dư do một số cá nhân, công ty thành lập đá chơi với nhau.

Nhưng chúng tôi sớm nhận ra để có một nền bóng đá mạnh, được thế giới biết đến thì phải vào đến VCK World Cup. Chúng tôi đã ngồi lại với nhau để bắt tay xây dựng cái nền cho bóng đá mạnh như ngày nay bằng việc phát triển từ bóng đá học đường, đào tạo cầu thủ trẻ một cách bài bản, giúp cầu thủ có thể sống được nhờ nghề đá bóng, để rồi sau đó cho ra đời Giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản (J-League) từ năm 1993. Lúc đó, lượng người chơi bóng đá có nhiều lên nhưng chưa thể nói bóng đá được ưa chuộng tại Nhật. Bước ngoặt chính là việc tuyển Nhật có mặt ở VCK World Cup 1998 và sau đó đăng cai World Cup 2002, rất đông thanh thiếu niên Nhật bắt đầu mơ ước làm cầu thủ, quan tâm bóng đá. Bây giờ bóng đá đã ngang với bóng chày tại Nhật Bản.

* Một đội bóng tại Nhật được xây dựng trên cơ sở nào?

- Trước năm 1993, các thành viên Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản đã phải ngồi lại với nhau và thảo luận kỹ một sách lược lâu dài. Mọi người cho rằng nếu đội bóng do một doanh nghiệp tài trợ sẽ rất khó tồn tại bền vững bởi việc kinh doanh không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Khi tài chính eo hẹp, doanh nghiệp buộc phải chọn: một là giảm nhân viên để nuôi đội bóng và hai là bỏ đội bóng giữ nhân viên. Chắc chắn các ông chủ sẽ chọn phương án hai và đội bóng sẽ bị xóa sổ. Vì vậy, đừng bao giờ để số phận một đội bóng dựa hoàn toàn vào một ông chủ hay một doanh nghiệp.

Vì thế, Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản quyết định: đội bóng phải gắn liền địa phương và trở thành đặc trưng, niềm hãnh diện của người dân, chính quyền nơi đó. Với nền tảng này, đội bóng sẽ có rất nhiều nhà tài trợ tự nguyện từ chính quyền, doanh nghiệp, người dân địa phương. Khi đó, tên đội bóng là tên địa phương, sẽ tồn tại lâu dài dù nhà tài trợ có thể thay đổi.

* Tất cả đội bóng của J-League 1 và J-League 2 đều lấy tên địa phương?

- Chúng tôi đã cụ thể điều đó thành quy định: đội bóng chỉ mang tên địa phương chứ không mang tên doanh nghiệp từ khi chuyển sang chuyên nghiệp năm 1993. Tuy nhiên, tên nhà tài trợ vẫn có thể xuất hiện dưới dạng nickname trước tên đội bóng hoặc in trên áo đấu.

Fsnvvxz9.jpgPhóng to

Shinji Kagawa - niềm tự hào của bóng đá Nhật hiện nay - đang chơi cho Manchester United - Ảnh: Reuters

Không có “ông bầu”

* Bóng đá Nhật Bản có khái niệm “ông bầu” như Việt Nam không?

- Trước khi chuyển sang chuyên nghiệp thì có nhưng hiện nay hầu như không còn. Chúng tôi chỉ có giám đốc điều hành của một công ty đứng ra quản lý đội bóng. Đó chỉ là những người làm thuê để điều hành đội bóng chứ không có những “ông bầu” như ở bóng đá Việt Nam. Chỉ một trường hợp ngoại lệ là đội bóng Vissel Kobe (vừa rớt hạng từ J-League 1 xuống J-League 2) có ông chủ Hiroshi Mikitani (người sáng lập công ty bán hàng qua mạng nổi tiếng Nhật Bản Rakuten) lấn át quyền giám đốc điều hành.

* Tỉ lệ vốn của các địa phương góp cho đội bóng của mình ra sao?

- Nhật Bản có 40 công ty điều hành 40 đội bóng chuyên nghiệp dưới dạng công ty cổ phần có nhiều thành viên góp vốn vào. Trong đó, chính quyền địa phương góp một phần vốn, người dân địa phương góp một phần. Sân vận động thì chính quyền địa phương xây. Các sân vận động này được sử dụng cho nhiều hoạt động thể thao, văn nghệ để có nguồn thu nhưng đội bóng được ưu tiên sử dụng tập luyện và thi đấu. Khoảng 37/40 sân của các đội chuyên nghiệp tại Nhật do chính quyền tỉnh xây, ba sân còn lại do các công ty tài trợ đội bóng xây từ rất lâu.

Ở thời điểm hiện tại, kinh phí cho một đội bóng tại J-League 1 hoạt động là 35-40 triệu USD/mùa. Các đội bóng ở giải J-League 2 ít tốn kém hơn nhưng cũng 12-13 triệu USD/mùa. Một kinh nghiệm quan trọng mà chúng tôi học được từ các nền bóng đá mạnh ở châu Âu là phải tạo được sự tin tưởng từ các cổ đông bằng sự minh bạch tài chính. Mỗi năm, các đội bóng đều phải báo cáo minh bạch nguồn thu, chi và có kiểm toán tài chính. Sắp tới, CLB nào thua lỗ ba năm liên tiếp sẽ bị cắt giấy phép hoạt động để duy trì sự bền vững cho bóng đá Nhật.

* Từ khi làm bóng đá chuyên nghiệp, có bao nhiêu đội bóng bị phá sản?

- Từ năm 1993 đến nay, chỉ một đội bóng giải tán vì nhà tài trợ cắt hợp đồng.

* Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại có ảnh hưởng đến bóng đá Nhật Bản?

- Không thể nói bóng đá Nhật đứng ngoài khủng hoảng thế giới. Nhưng với xác định từ đầu, đội bóng của nhiều người nên khi mất nguồn tài trợ này thì chúng tôi sẽ có nguồn tài trợ khác nên vẫn ổn định.

Ví dụ, sau trận động đất - sóng thần kinh hoàng ngày 11-3-2011 tại Sendai thì đội bóng Vegalta Sendai vẫn nhận được ủng hộ từ người dân địa phương để tiếp tục thi đấu. Trong khó khăn, Vegalta Sendai vốn chỉ thường thường bậc trung nhưng vừa giành á quân Giải J-League 1 năm 2012.

Đá bóng 15 năm, làm người cả đời

* Các CLB tại J-League 1 và 2 có bị bắt buộc phải làm công tác đào tạo trẻ không? Cụ thể là phải có bao nhiêu lứa tuổi?

- Điều kiện bắt buộc đối với câu lạc bộ Nhật Bản để có thể tham gia bóng đá chuyên nghiệp là phải có học viện đào tạo bóng đá trẻ và đội U-13, U-15. Tại Nhật Bản, 16 tuổi là cầu thủ có thể ký hợp đồng chuyên nghiệp.

* Mối quan hệ giữa Công ty J-League với Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản ra sao? Công ty tổ chức J-League là một đơn vị trực thuộc hay chỉ là đối tác của Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản?

- Công ty tổ chức J-League là một bộ phận của Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản. Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản chịu trách nhiệm nhiều thứ: bóng đá nam, bóng đá nữ, bóng đá trẻ, bóng đá bãi biển, bóng đá học đường... Trong khi đó, Công ty tổ chức J-League chỉ chịu trách nhiệm làm sao phát triển hai giải bóng đá nhà nghề Nhật Bản. Bản thân tôi cũng là thành viên Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản.

* Trong danh sách các thành viên Công ty J-League có nhiều lãnh đạo các đội bóng tại J-League. Liệu có e ngại chuyện thiên vị?

- Chúng tôi nghĩ ngược lại. Một giám đốc điều hành đội bóng khi được mời làm ở Công ty J-League thì chúng tôi đã chọn kỹ. Họ thành công ở đội bóng nhưng ở J-League thì phải vì sự thành công của giải. Tôi biết họ sẽ rất khó xử nhưng tuyệt đối không được can thiệp giúp đội bóng của mình. Nếu vi phạm, họ sẽ bị loại ngay lập tức. Vì thế, nhiều người không muốn vào ban điều hành J-League.

* Tại Bình Dương, chúng tôi thấy các cầu thủ đội Fukuokat khi gặp ông đều cúi chào rất kính trọng - một hình ảnh rất đẹp. Đó là hành động chỉ dành riêng cho ông?

- Không, đó là văn hóa của người Nhật. Các cầu thủ cũng là người Nhật, họ không được phép khác biệt. Sự nghiệp đá bóng chỉ tối đa 15 năm, nhưng làm người thì cả đời, vì vậy việc giáo dục đạo đức, nhân cách cầu thủ là một chuyện rất quan trọng. Không quan tâm đến việc đó là một “tội ác” đối với cầu thủ. Do đó ngay từ khi các em nhỏ tuổi từ 8 - 10 tham gia học đá bóng, chúng tôi đã chú trọng ngay đến việc dạy văn hóa, đạo đức. Chúng tôi có 40 đội bóng chuyên nghiệp thì phải có trách nhiệm với 1.200 con người là cầu thủ. Chúng tôi chú trọng đào tạo họ từng chi tiết nhỏ nhất: đúng giờ, nhặt rác trên sân, lễ phép... để trở thành người tốt của xã hội.

* Tại Nhật, một ông chủ của đội bóng A nhưng cũng là nhà tài trợ chính cho đội bóng B có được không?

- Tôi nghĩ để một ông chủ có cổ phần trong hai đội là tuyệt đối không được. Nhưng nếu họ tài trợ trên áo, đặt bảng quảng cáo trên sân vận động cho hai hay nhiều đội khác nhau thì vẫn được vì đội bóng cần nhiều nhà tài trợ để tăng nguồn thu. Tuy nhiên, mọi khả năng ông chủ có thể gây áp lực ảnh hưởng đến kết quả của các đội bóng thì tuyệt nhiên bị cấm.

* Thu nhập trung bình của cầu thủ Nhật so với mặt bằng chung xã hội như thế nào?

- Thu nhập trung bình của một cầu thủ tại J-League 1 thường gấp bốn lần lương của người lao động bình thường, khoảng 240.000 USD/năm.

* Để bóng đá Việt Nam phát triển, theo ông, thứ tự ưu tiên là gì: tiền, cơ chế (cách làm) hay con người làm bóng đá?

- Ba điều này đều rất quan trọng để làm nên thành công trong bóng đá. Nhưng nếu bắt buộc phải chọn điều ưu tiên nhất thì tôi sẽ chọn yếu tố con người. Con người để quản lý, vận hành đội bóng. Con người chính là những huấn luyện viên có tài, có tâm. Và con người cũng chính là cầu thủ trên sân. Nếu chúng ta có những con người giỏi thì sợ gì không kiếm được tiền và một cơ chế tốt để làm bóng đá.

Hi sinh niềm vui riêng

“Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Niigata quanh năm lạnh lẽo. Tôi đam mê bóng đá từ nhỏ, nhưng chỉ là một cầu thủ của trường trung học. Năm 40 tuổi (năm 1996), tôi đang là giám đốc điều hành một công ty rất nhỏ nhưng quyết tâm xây dựng một đội bóng chuyên nghiệp cho Niigata vì đam mê với quả bóng. Khi đó, nhiều người bảo rằng tôi sẽ làm không được nhưng tôi tự liên hệ báo đài, xin tài trợ của các doanh nghiệp địa phương để thực hiện ước mơ.

Lúc đó, sân bóng tại Niigata có 15.000 chỗ ngồi nhưng chỉ khoảng 4.000 khán giả mỗi trận. Nhưng kể từ khi CLB Albirex Niigata của tôi có mặt ở J-League 1 thì sân được mở rộng lên 40.000 chỗ ngồi và lúc nào cũng đầy ắp. Năm 2009, tôi được mời về làm giám đốc điều hành J-league nhưng thật tâm vẫn muốn gắn bó với CLB Albirex Niigata hơn vì sẽ được thỏa sức bày tỏ cảm xúc trong những giai đoạn thăng trầm của đội bóng thân yêu. Nhưng biết sao được, tôi phải vì cái chung là sự phát triển của bóng đá Nhật” - ông Nakano tâm sự.

Thể thao gắn liền văn hóa

* Website của J-league nêu rõ một trong những nhiệm vụ chính của ban tổ chức là thúc đẩy sự phát triển văn hóa, thể thao Nhật Bản. Chúng tôi có thể hiểu điều này như thế nào?

- Người Nhật mong muốn thông qua bóng đá xây dựng nét văn hóa, thể thao đặc trưng từng địa phương. Ví dụ như khi truyền hình trực tiếp một trận đấu, người dân nơi khác sẽ hiểu phần nào về người dân địa phương thông qua cách họ cổ động, yêu quý cầu thủ ra sao... Tại Nhật Bản người ta không đi xem bóng đá một mình mà dẫn cả vợ (chồng) con theo như tham gia một hoạt động văn hóa cuối tuần.

Đội bóng phải gắn liền với địa phương, cầu thủ phải giao lưu với trẻ em mồ côi, viện dưỡng lão và tham gia nhiều hoạt động xã hội chứ không đơn thuần chỉ là đá bóng. Cầu thủ phải ý thức rằng đá bóng không chỉ để kiếm tiền mà phải mang lại niềm vui cho khán giả đến sân cuối tuần. Các cầu thủ phải chơi bóng bằng đam mê, sự vui vẻ.

DUY BÌNH - TẤN PHÚC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên