07/01/2013 03:14 GMT+7

12 năm mới đi dạo phố

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TT - Tròn một năm sau ca mổ lịch sử bóc tách khối u gần 90kg, anh Nguyễn Duy Hải đã hòa nhập tốt với cuộc sống hiện tại. Nay anh đã có thể đi dạo phố trên cái chân còn lại và tự làm những việc cá nhân mà người mẹ già từng làm giúp hơn chục năm trời.

Sức khỏe anh Nguyễn Duy Hải diễn tiến tốt“Người mang khối bướu khổng lồ” đã đi được

3PaHXufy.jpgPhóng to

Anh Nguyễn Duy Hải và mẹ - Ảnh: Quỳnh Trung

Đúng một năm trước, ngành phẫu thuật u bướu thế giới ghi nhận một bước tiến mới khi bệnh nhân Nguyễn Duy Hải mở mắt trở lại sau hơn 30 giờ chìm trong giấc ngủ sâu vì thuốc mê phẫu thuật. Hàng trăm tờ báo lớn khắp thế giới đã đưa tin về sự kiện này như một thành tựu đáng kể. Nhưng với anh Hải và gia đình, sau niềm vui sống sót là một chặng dài trước mắt không kém chông gai.

Chiều cuối tháng 12, những cơn gió lạnh buốt thốc vào mặt khi chúng tôi lần xuống hai con dốc ghé thăm ngôi nhà nhỏ nằm hút dưới một thung lũng tại khu phố 3, TP Đà Lạt. Khung cảnh xanh thẫm nơi triền đồi trước nhà mang đến cảm giác bình yên trong ngôi nhà vắng vẻ chỉ một mẹ một con.

“Có người chạy theo hỏi khỏe chưa Hải”

Ước mong sang Mỹ lắp chân giả để hòa nhập cuộc sống tốt hơn của anh Nguyễn Duy Hải gần như tan biến. Thư mời của bà Amanda Schumacher, nhà sáng lập của The Tree of Life International Foundation - tổ chức từ thiện ở Mỹ đã hỗ trợ chính cho ca phẫu thuật một năm trước, cũng như thư bảo lãnh của bác sĩ người Mỹ McKay McKinnon - bác sĩ phẫu thuật cho anh, cũng không thuyết phục được Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM.

Hãy thử hình dung cảnh bạn còn sống, còn thở, còn ăn, còn cười nhưng lại chẳng thể rời khỏi nhà bởi một bên chân to đùng như thớt thịt. Tình cảnh tệ hại đó kéo dài cả chục năm trời. “Năm 21 tuổi mang trên người cái bướu 30kg, tôi mặc cảm không muốn ra đường vì mọi người cứ nhìn chằm chằm vào cái khối u dị dạng của mình. Bây giờ khi tôi ra đường, mọi người cười tươi và nhìn tôi bằng cặp mắt khác. Có những người chạy theo tôi chỉ để hỏi khỏe chưa Hải?” - anh Hải chia sẻ rồi cất tiếng cười giòn.

Anh trông gầy đi nhiều nhưng rắn rỏi hơn với làn da rám nắng nhờ thường xuyên đi dạo cùng bạn bè. Từ khi xuất viện vào tháng 6-2012, anh Hải mới có cơ hội đường hoàng đi thăm đường phố Đà Lạt, và với anh hạnh phúc chỉ đơn giản là ngồi trên xe máy của một người bạn để đi thăm những cảnh đẹp nơi chôn nhau cắt rốn.

Thị giác của anh no nê bởi cảnh đẹp của quê nhà như thể anh là một lữ khách phương xa lần đầu đặt chân đến thành phố cao nguyên. Cái gì cũng mới, cũng lạ. Thậm chí lần đầu tiên sau bao nhiêu năm anh mới cảm nhận tiếng đất xốp của khoảnh sân trước nhà bằng cái chân trái còn lại.

Nhưng với anh, quan trọng hơn là có thể quay lại làm những việc rất bình thường như... vệ sinh cá nhân. Bây giờ anh có thể tự đánh răng rửa mặt, tắm rửa dù còn lóng ngóng vì không quen. “Không có gì vui hơn khi Hải có thể tự sinh hoạt được. Lần tái khám vừa rồi, bác sĩ nói sức khỏe của nó rất tốt và không có dấu hiệu tái phát khối bướu” - bà Cho Con, người mẹ trông già hơn so với cái tuổi 63 của mình, chia sẻ với đôi mắt rạng ngời hạnh phúc.

Ngày nào cũng vậy, cứ đúng 7g sáng là anh Hải thức dậy, uống cà phê với các bạn hàng xóm hay chơi đùa với mấy đứa trẻ gần nhà. Cách hai ba ngày thì nhờ bạn chở lên phố dạo mát. Chiều tối thì nghe nhạc và xem tivi. Cuộc sống như thế cứ bình lặng trôi qua.

Ước nguyện đầu năm

Từ khi rời Bệnh viện FV TP.HCM trở về nhà, anh Hải vẫn được thăm khám định kỳ và được các mạnh thường quân trước đây thăm hỏi. Bác sĩ Phan Văn Thái, khoa ngoại tổng quát Bệnh viện FV, cho biết qua lần tái khám ngày 13-11-2012, tình trạng sức khỏe tổng quát của anh Hải tốt hơn so với lúc xuất viện. “Điều này được thể hiện qua kết quả xét nghiệm máu (không thiếu máu, không còn suy giáp). Kết quả chụp CT scan của Hải không thấy hình ảnh u tái phát” - BS Thái xác nhận.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Hải liên tục nhắc đến hai chữ “phép mầu” vì nhờ “phép mầu” mà nay anh có thể nghĩ về tương lai. Tuy nhiên khoảng thời gian hạnh phúc sau khi xuất viện của anh chỉ kéo dài chừng bốn tháng cho đến khi anh nhận ra mình không đủ khả năng theo đuổi công việc yêu thích để có thể tự lo cho bản thân.

Cách đây hai tháng khi vết mổ đã liền da, anh háo hức đi học nghề sửa điện thoại. Ông chủ tốt bụng của một tiệm điện thoại nhỏ gần nhà đồng ý truyền nghề miễn phí và động viên anh học thật tốt. Nhưng anh chỉ học được khoảng hai, ba ngày thì bỏ cuộc vì tay cứ run cầm cập mỗi khi cầm những vật nhỏ như ốc vít. “Sửa điện thoại là nghề tôi yêu thích nhất vậy mà sức khỏe cũng không cho phép nên tôi thấy rất buồn và nản chí. Tôi muốn có một công việc phù hợp để lo cho bản thân, không muốn mãi sống dựa vào mẹ và tiền trợ cấp của chị ruột” - anh Hải ngần ngại nói.

Giờ đây anh Hải và mẹ sinh sống đắp đổi bằng nguồn tài trợ nhỏ mỗi tháng từ chị Nguyễn Thị Minh Châu, người chị ruột đang sống bên Mỹ. Hai mẹ con tạm ổn nhưng biết rõ đó không phải là cách sống dài lâu. Anh Hải vẫn đau đáu ước mơ trở thành một người có ích hoặc ít ra tự lo được cho bản thân. Anh không giấu ước nguyện có nguồn vốn nho nhỏ mở tiệm tạp hóa gần nhà để buôn bán nuôi thân và nuôi mẹ. “Có người cảm thông hoàn cảnh cho tôi thuê mặt bằng trên phố với giá 1 triệu đồng mỗi tháng, nhưng tôi không biết lấy đâu ra vốn để mua hàng hóa” - anh chia sẻ.

Tuy nhiên anh Hải tâm sự thật lòng rằng dù có vốn hay không, anh vẫn rất mãn nguyện với cuộc sống hiện tại vì thấy cuộc đời mình may mắn hơn nhiều mảnh đời khác.

“Gần đây có một cô gái ở Hà Nội mang bướu nặng gần 20kg trên lưng gọi điện nhờ giúp đỡ sau khi biết đến trường hợp may mắn của tôi. Tôi cảm thấy cô ấy rất tội nghiệp nhưng không biết làm cách nào để giúp cô. Sau đó tôi cho cô ấy các thông tin liên lạc của chị Tina trong nhóm “Những người tạo ra phép mầu”, cũng như cầu mong bác sĩ McKinnon có thể quay lại giúp cô ấy và những trường hợp khác” - anh Hải nhoẻn miệng cười, mắt như lại ánh lên hi vọng.

Anh vẫn thế: lạc quan, tự tin sống.

Sống là đừng tuyệt vọng và hãy chờ đợi cơ hội đến với mình. Anh đã và đang sống như những gì mình tin tưởng.

Bác sĩ McKinnon: Tôi hi vọng trở lại Việt Nam

Tôi rất vui mừng khi biết sức khỏe Duy Hải đang hồi phục tốt và không có dấu hiệu tái phát khối bướu. Trường hợp của Hải là cực hiếm trong những ca bướu hiểm nghèo. Tôi mong anh ấy tiếp tục thành công trong việc theo đuổi một cuộc sống có ích.

Kết quả tái khám của Hải trùng với kết quả của tất cả bệnh nhân mắc bướu sợi thần kinh (neurofibromatosis) mà tôi từng phẫu thuật. Theo tôi, khối bướu không tái phát là vì đã được cắt bỏ hoàn toàn khỏi gốc cùng những mạch máu nuôi dưỡng.

Còn rất nhiều bệnh nhân ở VN cũng như tại các nước khác đang phải khổ sở vì bướu sợi thần kinh và những loại bướu được xem là “hết thuốc chữa” khác. Tôi hi vọng sẽ trở lại VN để giúp đỡ thêm được một vài người nữa, nhưng việc này cũng đòi hỏi sự trợ giúp của nhiều cá nhân và tổ chức cùng chung mục tiêu ở VN.

___________

* Mời bạn đọc xem video về cuộc sống của anh Hải một năm sau phẫu thuật trên tv.tuoitre.vn.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên