1. TTCK VN có một chiến lược phát triển dài hạn đến năm 2010
Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký ban hành Quyết định 163/TTg ngày 5-8 ban hành chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) từ nay năm 2010 vơí bốn định hướng chính để phát triển. Đến năm 2010, quy mô của thị trường chứng khoán (TTCK) tập trung sẽ mở rộng, phấn đấu đưa tổng giá trị của thị trường đến năm 2005 đạt mức 2-3% GDP và đến năm 2010 đạt mức 10-15% GDP.
2. Ban hành Nghị định 144/2003/NĐ-CP về chứng khoán và TTCK
Việc Thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành Nghị định 144/2003/NĐ-CP về thị trường chứng khoán thay thế cho Nghị định 48/CP vào ngày 28-11 là tin vui cho thị trường chứng khoán Việt Nam, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát hành và kinh doanh chứng khoán và khuyến khích việc huy động các nguồn vốn dài hạn trong và ngoài nước. Nghị định này cũng nhằm đảm bảo cho TTCK hoạt động có tổ chức, an toàn, công khai, công bằng và hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người đầu tư.
3. Tăng quyền cho UBCKNN
Nghị định số 90/2003/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12-08-2003 quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, cơ cấu tổ chức của UBCKNN đã trao cho UBCKNN những quyền hạn nhất định trong điều hành thị trường. Theo đó, UBCKNN sẽ kiểm soát việc phát hành cổ phiếu ra công chúng (kể cả đối với các công ty chưa niêm yết) và dịch vụ công về chứng khoán; UBCKNN có quyền cấp, gia hạn, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép phát hành, niêm yết, kinh doanh và và dịch vụ chứng khoán; đồng thời UBCKNN được trình Chính phủ quyết định thành lập, đình chỉ hoạt động hoặc giải thể Trung tâm giao dịch chứng khoán (TTGDCK), Sở giao dịch chứng khoán, các thị trường giao dịch chứng khoán có tổ chức…
4. Hoạt động kinh doanh chứng khoán được xếp vào danh mục A ưu đãi đầu tư
Hoạt động kinh doanh chứng khoán đã được xếp vào danh mục A ngành nghề, lĩnh vực được hưởng ưu đãi đầu tư. Đó là một kiến nghị đã được đưa vào Nghị định số 164/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp vừa ban hành ngày 22-12-2003.
5. "Scandal" trên TTCK
Công ty cổ phần bánh kẹo Biên Hòa (Bibica) đã vi phạm chế độ công bố thông tin có hệ thống và bị phạt 20 triệu đồng. Theo kế luận của Thanh tra chứng khoán, để xảy ra hiện tượng này tại Bibica là do hệ thống quản trị tài chính yếu kếm, không phản ánh kịp thời tình trạng tài chính của công ty theo quy định để xảy ra sai sót nhiều trong hạch toán.
6. Giá cổ phiếu niêm yết giảm xuống dưới mệnh giá và được mùa giao dịch trái phiếu.
Trong năm 2003, lần đầu tiên, giá cổ phiếu niêm yết đã giảm xuosng dưới 10.000đ/CP - mệnh giá quy định. Suốt trong 4 tháng liền, cổ phiếu BBC không những giảm giá mà liên tục giao dịch ở mức dưới 10.000đ/CP và điểm rơi thấp nhất là 7.000đ/CP. Trong khi với 24.839.550 trái phiếu tương đương với giá trị giao dịch là 2.483.429.235.569 đồng (chiếm 83,2% giá trị toàn thị trường), năm 2003 được coi là năm được mùa của trái phiếu.
7. “Tuần lễ chứng khoán” và các biện pháp kỹ thuật được đồng loạt áp dụng
Tuần lễ chứng khoán diễn ra từ ngày 12-05 đến ngày 17-05-2003 với nhiều hoạt động nhằm thu hút sự quan tâm của toàn xã hội đối với TTCK. Ngay sau tuần lễ chứng khoán này, một loạt các biện pháp kỹ thuật mới được đưa vào áp dụng như: tăng lần khớp lệnh từ 1 lần lên 2 lần /phiên, trong đó thời gian giao dịch thỏa thuận kéo dài thêm 10 phút; giảm đơn vị giao dịch cổ phiếu từ 100 xuống còn 10 cổ phiếu/lô; giảm lượng tiền ký quỹ của khách hàng khi đặt lệnh mua chứng khoán từ 100% xuống còn 70% giá trị chứng khoán đặt mua; áp dụng lệnh ATO…
8. Nhà đầu tư nước ngoài được khuyến khích tham gia TTCK
Kể từ khi có Quyết định 146/2003/TTg của Chính phủ về việc cho phép nâng tỷ lệ nắm giữ của người nước ngoài tại một tổ chức niêm yết từ 20% lên 30% và tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty quản lý quỹ đầu tư từ 30% lên 49% đã có tác động mạnh tới khối lượng giao dịch của đối tượng này trên thị trường.
9. Sự xuất hiện của các công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán
Mở đầu là Công ty liên doanh quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VietFun Management gọi tắt là VFM) đã chính thức làm lễ nhận giấy phép vào ngày 28-8-2003. Tiếp theo, Công ty quản lý quỹ đầu tư Vina Capital khai trương văn phòng tại Tp.HCM vào ngày 11-11-2003. Đây là công ty quản lý của Vietnam Oppotunity Fund (VOF), một quỹ mở do một số tổ chức tài chính lớn là Millenium Partners (New York), Deustche Bank Secireties, HongKong’s Sun Wah Group và Pacific Alliance Group thành lập ra để đầu tư vào Việt Nam với số vốn hoạt động ban đầu là 10 triệu USD. VOF hiện đang nắm giữ 30% vốn của KIDO.
10. Ra mắt Hiệp hội kinh doanh chứng khoán VN
Ngày 17-12-2003, Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) chính thức ra mắt tại Hà Nội, đánh dấu bước phát triển mới của TTCK Việt Nam, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ cũng như các ngân hàng lưu ký. Trong điều kiện nền kinh tế và sự phát triển của TTCK như hiện nay thì Hịêp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam ra đời sẽ tạo thêm cầu nối cho các công ty chứng khoán cũng như các đơn vị khác có được tiếng nói chung, tạo thêm sức mạnh cho hoạt động kinh doanh và niêm tin cho công chúng đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận