31/12/2014 20:27 GMT+7

10 sự kiện kinh tế “xôn xao” năm 2014

TTO
TTO

TTO - Ở thời khắc sắp bước sang năm mới 2015, mời bạn đọc cùng điểm lại các sự kiện kinh tế nổi bật nhất trên Tuổi Trẻ Online năm 2014.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại Nguyễn Kim (TP.HCM) - Ảnh: Thuận Thắng

1. Ngày bán hàng trực tuyến (Online Friday)

Ngày mua sắm trực tuyến đầu tiên của Việt Nam diễn ra từ 0g-24g ngày thứ sáu đầu tiên của tháng 12 (5-12) thông qua website chính thức: www.onlinefriday.vn và muasamtructuyen.vn.

Chương trình do Bộ Công thương (Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin - VECITA) phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức cùng sự tham gia của gần 450 doanh nghiệp kinh doanh, thu hút 1,9 triệu lượt truy cập website, tổng số lượt xem lên tới 10,6 triệu.

Đặc biệt, các đơn vị tham gia đã nhận được 160.000 đơn hàng, cao gấp 3,2 lần ngày thường, với tổng giá trị hàng bán được 154 tỉ đồng (khoảng 7,5 triệu USD). Sản phẩm bán chạy nhất trong ngày này là hàng công nghệ, thời trang và đồ gia dụng (chiếm trên 80% tổng số đơn hàng). Tuy nhiên, người mua vẫn chủ yếu trả tiền mặt (72%).

2. Giá xăng dầu - gas liên tục giảm

Lần giảm giá xăng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây vào ngày 22-12, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã giảm tối thiểu tới 2.050 đồng/lít xăng A92. Các loại dầu cũng giảm giá mạnh. Giá bán lẻ mỗi lít xăng RON 92 về mức 17.880 đồng/lít; diesel còn 16.990 đồng, dầu mazut còn 13.130 đồng/lít, dầu hỏa chỉ còn 17.400 đồng/lít.

Năm 2014 có tổng cộng 12 lần giảm giá, trong đó xăng có mức giảm mạnh nhất với 7.750 đồng/lít.

Tương tự, giá gas trong nước liên tục giảm mạnh, từ trên 400.000 đồng/bình (tháng 7-2014) còn 295.000 đồng/bình cuối ngày 31-12. Trên thế giới, giá gas từ mức 835 USD/tấn còn 447,5 USD/tấn.

3. Giá vàng giữ mức 35 triệu đồng/lượng

Cuối năm 2014, giá vàng giảm chung cả năm hơn 11,6 triệu đồng/lượng, về chạm ngưỡng 35 triệu đồng/lượng. Đến thời điểm này, giá vàng vẫn giao dịch nhỉnh hơn mức 35 triệu đồng/lượng.

Tính chung cả năm 2014, người giữ vàng đang huề vốn, không lời lãi gì dù thời điểm giữa năm 2014 vàng trong nước có sóng tăng nhẹ từ tháng 5 đến tháng 7, ngoi lên ngưỡng 37 triệu đồng/lượng.

4. Cuộc chiếc taxi truyền thống và App Taxi

Vào cuối năm 2014, Bộ Tài chính quyết định Uber phải nộp thuế thu nhập 5% trên tổng doanh thu nếu dịch vụ này được cấp phép hoạt động. Đối với các công ty vận tải trực tiếp ký hợp đồng với Uber International BV sẽ phải nộp thuế với 80% thu nhập từ hoạt động của Uber thông qua các ngân hàng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng sẽ đồng thời phải chịu phí nhà thầu và nộp thay các loại thuế phát sinh tại Việt Nam thay cho phía Uber.

Thanh tra giao thông kiểm tra một chiếc xe chở khách qua dịch vụ Uber tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh tư liệu.

Trước đó, Sở GTVT TP.HCM đề nghị Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam có chỉ đạo để làm rõ tính pháp lý đối với dịch vụ xe Uber (loại hình dịch vụ taxi kết nối người cần đi và chủ xe có nhu cầu cho thuê xe thông qua ứng dụng Uber trên điện thoại di động).

Người cần đi xe dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình có giá thường thấp hơn taxi thông thường. Hành khách trả bằng thẻ thanh toán quốc tế Visa, MasterCard. Chủ xe hưởng 80%, Uber hưởng 20%. Xe tham gia dịch vụ này không có phù hiệu taxi, logo, đồng hồ tính tiền cước.

Dịch vụ này đã gặp sự phản ứng gay gắt của tài xế taxi ở Việt Nam và thế giới. Hiệp hội Taxi TP.HCM đề nghị xem xét tính hợp pháp của dịch vụ xe Uber.

5. Gửi tiết kiệm VietinBank trả gốc và lãi...  4.385 đồng          

Sự kiện gây sốt đối với người gửi tiết kiệm ngân hàng trong năm 2014 là bà Lê Thị Bích Thủy, chủ nhân của sổ tiết kiệm gửi từ năm 1983, được VietinBank tính toán số tiền gốc (bà Thủy gửi 270 đồng vào năm 1983) và lãi của khoản tiền gửi tiết kiệm của bà Thủy tính đến thời điểm 30-11-2014 là 4.385 đồng.

Hai cuốn sổ tiết kiệm từ năm 1983 của bà Lê Thị Bích Thủy

Trước kết quả này, nhiều người đã chia sẻ với bà Thủy và sẵn sàng trả gấp 1.000 lần để sở hữu cuốn sổ tiết kiệm trên. Ngày 12-12, bà Thủy đã quyết định hiến tặng sổ tiết kiệm cho Bảo tàng TP.HCM trưng bày, phục vụ công chúng.

6. Xôn xao việc khu du lịch Đại Nam đóng cửa

Trên website của khu du lịch Đại Nam ngày 4-11 bất ngờ thông báo tạm dừng đón khách từ ngày 10-11 đến hết 31-12-2014 mà không nói rõ lý do. Sự việc này khiến hàng ngàn khách thập phương ùn ùn kéo đến khu du lịch Đại Nam để được miễn vé vào cổng.

Người dân đổ về khu du lịch Đại Nam - Ảnh: TTO 

7. Metro - sau báo lỗ triền miên là bán cho tỉ phú Thái

Năm 2014, Tổng cục Thuế đã có quyết định thanh tra thuế đối với Công ty Metro Việt Nam để làm rõ vì sao doanh nghiệp này lỗ triền miên nhưng vẫn hoạt động kinh doanh, thậm chí còn mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh.

Người dân mua hàng ở Metro An Phú, Q.2, TP.HCM chiều 10-12 - Ảnh: Thuận Thắng

Cũng trong năm này, thông tin từ Wall Street Journal cho biết tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi (người giàu thứ 3 Thái Lan) với tài sản ròng vào khoảng 11,3 tỉ USD đã mua lại toàn bộ Metro Cash&Carry Việt Nam với giá 655 triệu euro (848 triệu USD).

8. Thương xá Tax bị đóng cửa lay động lòng người Sài Gòn

Tòa nhà thương mại hơn 130 năm lịch sử thương xá Tax đã chính thức đóng cửa từ 14g ngày 25-9 đã làm nhiều người Sài Gòn không khỏi bùi ngùi. Nhiều người Sài Gòn đề nghị nên bảo tồn kiến trúc của tòa nhà độc đáo này.

Người Sài Gòn chụp ảnh lưu niệm trước khi thương xá Tax đóng cửa - Ảnh: TTO

UBND TP.HCM nhận định giá trị của thương xá Tax không đơn thuần là giá trị công trình, còn là địa điểm tích tụ và di truyền ký ức lịch sử, văn hóa đời sống đô thị, việc xây dựng thương xá Tax mới cần bảo tồn được cảnh quan, điểm nhấn đặc trưng về công trình.

Các chuyên gia đề xuất giải pháp bảo tồn theo hướng giữ lại các hạng mục cần bảo tồn và tích hợp vào công trình mới tại vị trí phù hợp. Phục chế, bổ sung các chi tiết bị hư hỏng, thiếu ở phần bên trong công trình.

9. Chứng khoán Việt Nam tăng - giảm ấn tượng nhất 6 năm

Phiên giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ lễ 2-9, chỉ số VN-Index tăng mạnh lên 640 điểm. Đây là mức cao trong sáu năm qua. Tuy nhiên, thị trường cũng chóng vánh về 535 điểm vào đầu tháng 12-2014, dù cuối năm bất ngờ tăng vượt mức 545 điểm.

Ảnh minh họa: TL

Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán nhận định đây là năm nhiều thăng trầm chưa từng có của thị trường chứng khoán. Tiêu biểu nhất là sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam đầu tháng 5-2014 đã tác động mạnh đến thị trường chứng khoán, đúng vào giai đoạn điều chỉnh sau chu kỳ tăng trưởng tốt những tháng đầu năm.

Chỉ trong vòng bảy phiên sau sự kiện đó, VN-Index đã sụt giảm hơn 11%, rơi xuống mức thấp nhất 508,51 điểm, HNX Index giảm hơn 13%, còn 68,74 điểm. Đây là những phiên sụt giảm liên tục cấp kỳ mạnh nhất kể từ tháng 8-2012.

10. Doanh nghiệp mới “rụng” vì hóa đơn

Hàng ngàn doanh nghiệp mới thành lập từ năm 2014 đã dở khóc dở mếu vì bị cơ quan thuế buộc phải thu hồi các hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) đã phát hành từ tháng 3 trở về trước để hủy, đồng thời phải sử dụng hóa đơn bán hàng mua từ cơ quan thuế.

Việc thu hồi hóa đơn trên xuất phát từ quy định tại thông tư 219 của Bộ Tài chính.

Chị Nguyễn Thị Ngà, đại diện Công ty TNHH thiết bị và vật tư y tế Hoa Năng, P.Phú Trung, Q.Tân Phú, TP.HCM, bức xúc về chuyện hàng hóa bị ứ đọng do quy định bất cập về hóa đơn vừa được ban hành - Ảnh: T.ĐẠM

Theo đó, các doanh nghiệp mới thành lập từ năm 2014 phải có tài sản cố định từ 1 tỉ đồng trở lên (trừ ôtô dưới chín chỗ) mới được kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Những doanh nghiệp mới thành lập không đủ điều kiện buộc phải kê khai thuế theo phương pháp trực tiếp.

Điều khiến doanh nghiệp bức xúc là thông tư đến tay doanh nghiệp quá chậm, trong khi cơ quan thuế lại hồi tố cho khoảng thời gian trước đó.

Thông tư 219 ban hành ngày 31-12-2013, có hiệu lực từ 1-1-2014 nhưng đến ngày 17-2-2014 mới công bố trên trang web của Tổng cục Thuế và đầu tháng 3 các doanh nghiệp mới được thông báo. Sự việc đã gây bức xúc trong doanh nghiệp mới thành lập. 

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên