Khu đất được quy hoạch tái định canh cho người dân hầu như bị lấn chiếm toàn bộ để trồng cà phê, bơ - Ảnh: L.Thiên |
Trong khi đó, 150ha đất dành cho họ đã bị xâm chiếm, sang nhượng trái phép.
Chị Đỗ Thị Hồng, ngụ tổ 21, thị trấn Lộc Thắng, cho biết năm 2007 nhà chị bị thu hồi 1,1ha đất sản xuất nhưng từ đó đến nay chị chẳng nhận được gì.
Ông Nguyễn Viết Biêu, một người dân ở tổ 21, kể khi gia đình ông bị thu hồi 2ha đất sản xuất nông nghiệp, đơn vị liên quan hứa sẽ cấp đất tái định canh cho gia đình ông nhưng từ đó đến nay chưa thấy động tĩnh gì.
“Không đất đai, cả nhà tôi đi làm thuê, vất vả lắm” - ông Biêu bức xúc.
Năm 2008, Trung tâm phát triển quỹ đất Lâm Đồng giao hơn 150ha đất tại tiểu khu 438B (thị trấn Lộc Thắng) cho Ban quản lý dự án (BQLDA) bôxit - nhôm Lâm Đồng quản lý để bố trí tái định canh cho những hộ dân bị thu hồi đất sản xuất nói trên.
Sau khi tiếp quản khu tái định canh này, BQLDA đã xây dựng cầu cống, đường sá xong trong năm 2008.
Ông Nguyễn Đình Trí, chánh văn phòng BQLDA tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng, cho biết sau khi khu tái định canh được hoàn thành, đơn vị đã nhiều lần có văn bản xin nghiệm thu, bàn giao cho UBND huyện Bảo Lâm để bố trí tái định canh cho người dân nhưng huyện không đồng ý vì cho rằng BQLDA đầu tư hạ tầng chưa đầy đủ.
Trong khi đó ông Nguyễn Trung Thành, phó chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, giải thích: “Tại những thời điểm BQLDA tổ hợp bôxit - nhôm xin bàn giao khu tái định canh thì hầu hết diện tích đất tái định canh đã bị lấn chiếm trồng cà phê, bơ nên huyện không thể chấp nhận.
Chủ trương của huyện là nhận bàn giao đất tái định canh khi toàn bộ diện tích phải được giải tỏa, không còn tình trạng người dân lấn chiếm”.
Ông Trí thừa nhận: “Thời gian đầu, khi đất tại khu tái định canh bị xâm chiếm, chúng tôi đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm giải tỏa. Tuy nhiên, lực lượng chúng tôi quá mỏng, trong khi đất bị lấn chiếm ngày một nhiều nên không thể giải quyết triệt để.
Hiện nay, gần như 100% diện tích đất khu tái định canh đã bị người dân lấn chiếm, sang nhượng trái phép để trồng cà phê và bơ”.
Theo ông Trí, vào năm 2009, BQLDA đã tổ chức đi nhổ bỏ các loại cây trồng được người khác trồng xâm lấn trên đất của dự án nhưng sau đó vẫn có người trồng lại. Đến các năm 2010, 2012, 2014, BQLDA có làm báo cáo lên UBND huyện Bảo Lâm nhưng không thấy phản hồi...
Trong khi địa phương và BQLDA tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng đổ trách nhiệm qua lại, ông Phạm S, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết vừa có văn bản chỉ đạo UBND huyện Bảo Lâm khẩn trương giải quyết cho người dân có đất sản xuất.
UBND huyện Bảo Lâm đã ra thông báo yêu cầu BQLDA tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tiến hành kiểm tra thực tế hiện trạng để thu hồi đất khu tái định canh bị xâm lấn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận