15/11/2016 09:28 GMT+7

10 năm chăm lo công nhân và người lao động trẻ

KIM ANH
KIM ANH

TTO - Tọa đàm “Đồng hành cùng thanh niên công nhân thành phố chặng đường mới” được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP (thuộc Thành đoàn TP.HCM) vừa tổ chức.

*** Error ***
Bạn trẻ xem triển lãm ảnh “10 năm một chặng đường cùng thanh niên công nhân TP” của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP - Ảnh: K.ANH

Mười năm qua, nhiều hoạt động chăm lo công nhân và người lao động trẻ được trung tâm tìm tòi, thực hiện. Từ việc hỗ trợ các tấm vé xe về quê ăn tết cho công nhân khó khăn, đến những hỗ trợ thiết thân như đăng ký sử dụng nước sạch giá hợp lý, hỗ trợ các bạn trang bị nhiều kỹ năng trong cuộc sống xa quê...

Nhờ sự vận động từ trung tâm mà nhiều đơn vị cùng chung tay để có những hoạt động hữu ích cho công nhân. Chị Bùi Thị Tố Như, đại diện Đoàn thanh niên Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), chia sẻ về mô hình “Bán hàng qua phiếu đặt hàng trước” được các bạn đoàn viên thanh niên các đơn vị thuộc Saigon Co.op phối hợp thực hiện tại các khu lưu trú nhiều công nhân. Như một cách “đi chợ” giúp công nhân vì thời gian làm việc tại các nhà xưởng, tăng ca khiến họ khó có thể mua sắm được tại các điểm bán hàng bình ổn giá, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Chúng tôi mong muốn hỗ trợ các anh chị công nhân trong việc mua sắm và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi để chia sẻ phần nào khó khăn của họ ở các khu trọ” - chị Tố Như cho hay.

Còn rất nhiều hoạt động hỗ trợ công nhân như chuỗi hoạt động tư vấn về sức khỏe sinh sản, kiến thức và kỹ năng chăm sóc gia đình, nuôi con nhỏ, kiến thức pháp luật... thông qua nhiều chương trình được trung tâm tổ chức ngay tại các khu trọ có đông công nhân.

Thách thức và đòi hỏi cũng được các đại biểu đặt ra như những “đặt hàng” với trung tâm trong thời gian tới. Bác sĩ Trịnh Văn Hiệp (Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM) là người tham gia nhiều buổi tư vấn kiến thức sức khỏe cho bạn trẻ công nhân nhấn mạnh:

“Thời gian tới chúng ta cần ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tư vấn, hướng dẫn các kỹ năng. Thông qua mạng xã hội, trang web, tin nhắn hoặc lập đường dây nóng để các hoạt động hỗ trợ công nhân được nhanh hơn, rộng khắp hơn”.

Công nhân Mai Xuân Ninh (quê Thanh Hóa, trọ tại Q.12) cho biết: “Tuy đi làm và có thời điểm phải tăng ca khiến chúng tôi rất mệt mỏi. Nhưng hễ nghe có các hoạt động văn hóa giải trí được tổ chức vào ngày nghỉ, chúng tôi rất mong muốn tham gia.

Chúng tôi rất cần được hỗ trợ các kiến thức, kỹ năng để giải quyết các tình huống xảy ra nơi làm việc cũng như đời sống tập thể ở các khu trọ. Riêng các công nhân đã có gia đình thì việc tìm nơi gửi con đi học là một khó khăn với họ”.

Anh Nguyễn Thành Tâm (Q.12), chủ một khu nhà trọ có hơn 140 phòng với hơn 400 công nhân đang thuê, cho biết công nhân phần lớn ít am hiểu pháp luật, ngay cả Luật cư trú cũng không quan tâm. “Có việc gì liên quan đến pháp lý, giấy tờ hành chính thường họ rất e dè.

Tôi hướng dẫn họ đến UBND phường để được hỗ trợ. Chính vì thế, việc phổ biến kiến thức pháp luật đến khu nhà trọ đông công nhân là rất cần” - anh Tâm nói.

Cùng những trăn trở cho giai đoạn mới, bác sĩ Nguyễn Duy Long, bí thư Đoàn Sở Y tế TP.HCM, cho rằng trung tâm cần có khảo sát thực tế về nhu cầu chính đáng của công nhân, phối hợp với nhiều đơn vị để tạo sức mạnh hỗ trợ một cách tổng thể. Ngoài ra cũng cần những điểm nhấn, hoạt động trọng tâm, không thể “ôm đồm” hoặc dàn trải.

“Những hoạt động chăm lo cho thanh niên công nhân thời gian qua không chỉ là trách nhiệm mà bằng tất cả tình cảm trung tâm dành cho bạn trẻ công nhân. Chặng đường mới, chúng tôi sẽ kết nối các nguồn lực xã hội nhiều hơn để tổ chức các hoạt động đa dạng và sáng tạo hơn"

Anh DƯƠNG NGỌC TUẤN (giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP)
KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên