![]() |
Giờ phát sóng không “vàng” khiến VN Idol 2008 có ít khán giả theo dõi hơn trước. Trong ảnh: thí sinh Nguyễn Võ Lan Trinh (trái) và MC Sỹ Luân trong đêm gala 12-11-2008 - Ảnh: T.T.D. |
Đây là phiên bản của một show truyền hình lừng danh thế giới, tổ chức chặt chẽ và bài bản trên hệ thống lý luận dày cộm như từ điển... Tuy vậy, chương trình Thần tượng âm nhạc VN 2008 đã làm nhiều khán giả bất ngờ vì sự buồn tẻ trong mùa trình diễn thứ hai tại VN. Có nhiều cách lý giải cho sự biến chuyển đáng tiếc như vậy, nguyên nhân có thể tạm phân tích như sau:
1. Thông tin bất lợi
Qua những thông tin khởi đầu bất lợi về việc có thể bị tạm dừng do trùng lặp quá nhiều chương trình thi ca nhạc, Vietnam Idol 2008 làm hoang mang một lượng lớn khán giả cũng như người có dự tính ghi danh ứng thí. Một giả thuyết lan rộng trong khán giả cho rằng việc gượng lại tổ chức, thay đổi tiến trình gốc cho phù hợp với thời gian (được tổ chức ngắn hơn) đã làm phiên bản show truyền hình lừng danh thế giới này bị sao nhãng.
2. Thay đổi format
Cắt ngắn các vòng thi, thay đổi phương thức tổ chức để chạy kịp với thời gian đã khiến chương trình Thần tượng âm nhạc VN 2008 không còn diễn tiến đúng theo các tiến trình quảng bá, kích động tâm lý... như sách hướng dẫn (bible) của chương trình đặt ra.
3. Vấn đề ban giám khảo
Việc không thuyết phục được các thành viên ban giám khảo ban đầu ở lại, thay thế các vị trí thiếu khả năng thích ứng với yêu cầu của phiên bản đã tác động ít nhất 40% đến toàn cảnh của chương trình.
Rất nhiều khán giả được thăm dò đã xác nhận họ chưa quen với vai trò của các thành viên ban giám khảo hiện tại vì độ kết dính của các nhân vật này với tinh thần của Idol show nói chung chưa đủ. Ngoại trừ Siu Black với sự cố gắng tả xung hữu đột, và nay đã nhuốm màu mệt mỏi, để tạo ra được một sự cởi mở và xác nhận cho những dấu hiệu của trào lưu mới; các thành viên còn lại, đằng sau những đòi hỏi và đánh giá, vẫn ẩn chứa sự bảo thủ và thiếu tính chia sẻ với thế hệ tương lai.
4. Thiếu các thí sinh - diễn viên chính
Việc thay đổi thời gian tổ chức, sự cập rập và thông tin bất lợi đã khiến một lớp thí sinh có thực lực chuẩn bị và chờ đợi trổ tài ngán ngại, rút lại vào giờ chót. Khác với những cuộc thi khác, show truyền hình Thần tượng âm nhạc có nhiều khả năng thu hút đối tượng dự thi hơn các chương trình thi ca nhạc khác do tính chất ngẫu hứng và phóng khoáng. Có ý kiến cho rằng lượng thí sinh VN đủ khả năng hiện nay đã khan hiếm nhưng đó chỉ là giả định thiếu sức chứng minh. Điều cốt lõi là chính các chương trình và cách quảng bá hiện nay đã khiến những người có tài thật sự ít muốn xuất hiện.
5. Giờ phát hình không “vàng”
So với lần đầu, giờ phát hình Vietnam Idol 2008 đã trễ hơn một giờ (21g30). Đó là thời khắc mà người dân thành phố chần chừ lựa chọn giữa việc ra phố hay ngồi nhà xem chương trình. Còn đối với người xem ở các tỉnh, thôn quê thì đó là giờ đã trễ. Rất nhiều khán giả ở tỉnh cho biết họ chỉ theo dõi một phần chương trình hoặc không theo dõi bởi thói quen đi ngủ sớm.
6. Biên tập âm nhạc thiếu hấp dẫn
Các bài hát trong chương trình không còn hấp dẫn và chi tiết như năm 2007. Người ta thấy một loạt bài hát lặp lại và nhàm chán không khác gì các chương trình ca nhạc bình thường khác. Ca khúc và tính gợi ý ca khúc trong format của các phiên bản Idol vẫn là phần ngẫu hứng nhất của thí sinh đã không tìm thấy được ở chương trình năm nay. Các thí sinh trong Vietnam Idol 2008 cho biết bản thân họ là người tự tìm bài hát, thậm chí gợi ý mỗi người 3, 4 bài hát cho ban tổ chức.
7. Hình ảnh - ánh sáng - sân khấu thiếu hấp dẫn
Nhiều người chứng kiến các vòng thi đã giật mình vì sân khấu, background... của chương trình hết sức tẻ nhạt. Màu sắc đã không nền nã và thuyết phục như năm 2007. Bên cạnh đó phần biên tập hình ảnh, ánh sáng bộc lộ nhiều nhược điểm chuyên môn hơn năm ngoái. Phần biên tập hình ảnh rõ ràng thiếu sự sắc sảo so với những gì đã có.
8. MC
Ngoại trừ Thanh Thảo được coi là linh hồn của phần giới thiệu, MC Sỹ Luân là một phần đệm buồn chán trong các ứng xử an toàn và máy móc, tệ hơn đó là một gương mặt bị bào mòn ở nhiều chương trình khác, khiến làm mất đi tính riêng biệt sống còn mà format chương trình yêu cầu.
9. Trang điểm và phục trang
Rõ ràng không có gì để chê phần này, nhưng cũng không có gì để khen ngợi vì mọi thứ diễn ra một cách bình thường, thiếu ấn tượng. Một trong những chi tiết của các phiên bản Idol trên thế giới là khả năng biến hình “vịt thành thiên nga” nơi các thí sinh. Ở Vietnam Idol 2008, đó là những thay đổi hiếm hoi hay có thể nói là không có.
10. Linh hồn của Vietnam Idol
Đó là điều mà những người yêu thích Vietnam Idol, khi đứng từ xa nhìn lại, sẽ thấy sự khác biệt tính chất của chương trình này đang mất dần. Quá trình tổ chức thiếu sự cải cách nâng cấp, sử dụng con người chưa đúng vị trí đã khiến Vietnam Idol “tự đồng bộ mình với cách làm của nhiều chương trình thi ca nhạc khác một cách đáng buồn” - theo cách nói của một nhạc sĩ.
Giữ lại cho mình một tinh thần chấp nhận giới trẻ và cái mới, chỉ ra những cách làm đã cũ, lối mòn cho thí sinh, đồng thời là động lực cho sự thăng tiến âm nhạc, đó là linh hồn của chương trình Vietnam Idol. Đánh mất điều này, đồng nghĩa sẽ đánh mất tất cả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận