Phóng to |
Bìa sách 10 bí quyết hình ảnh |
Để chuẩn bị phần quay phim cho tủ sách điện ảnh, tôi đã thử mời nhiều nhà quay phim VN tham gia, nhưng người bận, người không quen viết. Sợ phí những kinh nghiệm nghề quý báu, tôi và cố vấn Phạm Hoàng Nam quyết định phỏng vấn. 10 bí quyết hình ảnh (Tủ sách điện ảnh, Nhà xuất bàn Văn hóa Saigon) được giao cho Lê Minh vừa tốt nghiệp khoa đạo diễn thực hiện. Rất vui, Lê Minh không từ chối.
Ngay sau đó là những cuộc gọi cho chín đối tượng. Tất cả đều sốt sắng. Chỉ còn ông, nhà quay phim - đạo diễn Nguyễn Khánh Dư mà tôi được khuyên đừng liên hệ bởi ông đang bệnh nặng. Không muốn mất kiến thức người tài, tôi gọi cầu may. Và gặp may. Lê Minh viết: "Tôi đến nhà ông trong một sáng mùa thu Hà Nội ấm áp. Thế nhưng sự ấm áp không ngăn tôi khỏi lo cho cuộc phỏng vấn và sức khỏe của ông. Tôi được biết ông đang bệnh nặng và đã từ lâu không tiếp ai [...] Và điều kì diệu đã thực sự xảy ra khi ông nói về nghệ thuật quay phim, nói say sưa trong suốt hơn hai tiếng đồng hồ. Ông nói với tôi: "Bác quên nhiều rồi, những gì bác nói ở đây là những gì cốt yếu nhất sau hơn 50 năm làm nghề". Ông ho nhiều lần trong quá trình phỏng vấn, nhưng sự điềm đạm trong cách ông ngẫm nghĩ, và sự hào hứng trong nghề nghiệp đang sống lại từng phút từng giây".
Vậy rồi ông đi. "Ông ra đi nhưng những bài học cuối cùng, quý báu của ông vẫn luôn giữ lại trong quyển sách này... ". Lê Minh viết. Thật khó hình dung một người ốm, trước khi mất vẫn dốc sức nói lên những lời nhiệt huyết: "Dùng boom hay cần cẩu đều do yêu cầu kịch bản. Thí dụ cảnh chị Tư Hậu bị hiếp, chạy ra biển tự tử. Tôi hiểu tâm trạng chị rối bời, đau đớn, do đó tôi mới bắc cái travelling dài 70m [...] Khi quay đoạn trên bờ, tôi lia từ chân lên mặt để thấy sự rối bời. Đến biển thì máy boom dần lên để thấy chị lừng lững ra giữa biển. Đến khi có tiếng con khóc ở bờ thì sực tỉnh. Dolly hạ nhanh, hướng vào mặt chị. Tôi cho đấy là một cảnh tuyệt vời, một động tác máy chính xác đến không tưởng, và hơn hết nó đi vào lòng người. Hãy quay bằng chính cảm xúc của mình thì tác phẩm mới rung động người xem. Có lẽ đây là điều chủ yếu trong suốt quãng đời quay phim tôi rút ra được”.
Phóng to |
Nhà quay phim Lê Đình Ấn |
Sách kiến thức, nhưng nhiều lần tôi phải nao nao trước phát biểu của nhân vật, hay lời tựa của Lê Minh. Như với nhà quay phim Lê Đình Ấn, Lê Minh viết: "Là người nhiều tuổi nhất ông tạo cho tôi cảm giác thân mật như cuộc nói chuyện giữa ông và cháu". Người ông đó đã nói với cháu mình: "Con người ta ai cũng có ngày tàn, nhưng điện ảnh không bao giờ tàn. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, ngày văn minh hơn. Khi mình không làm được nữa thì không nên vương vấn, vì khi đã làm, phải để lại tác phẩm có chất lượng cho đời".
Hay như với nhà quay phim lỗi lạc Trần Trung Nhàn: “Ông đã sắp đặt cuộc phỏng vấn diễn ra trong buổi chiều hồ Tây, nơi mặt trời sẽ lặn xuống để có một buổi chiều chập sáng, chập tối theo đúng cảnh rejim trong điện ảnh. Càng nói chuyện, tôi càng khâm phục tâm huyết của ông với nền điện ảnh VN”. Tôi cũng vậy, càng đọc càng cảm nhận ở ông sự chân thành: “Động và tĩnh trong Mùa hè chiều thẳng đứng được sử dụng rất hay. Trong cảnh mở đầu phim, khi hai anh em thức dậy, động tác máy rất nhanh, tạo tiết tấu, tạo nét nghịch ngợm. Bên cạnh đó khuôn hình hai chị em Sương, Khanh nằm nhắm mắt mà không ngủ được. Cảnh rất dài, không cắt, không đổi. Lần đầu xem, tôi thấy lạ, không thích, nhưng khi ngẫm nghĩ, tôi thấy nó có lý về sự động vì cuộc sống của những con người trong gia đình ấy nặng nề, đơn điệu lắm. Cảnh phim đã tạo được sự đơn điệu kéo dài. Trong tĩnh có động”.
Cũng rất chân thành, Nguyễn Hữu Tuấn lại làm ta bật cười bởi lối nói chuyện duyên dáng. Như khi nói về bộ phim Thị xã trong tầm tay của đạo diễn Đặng Nhật Minh: “Anh Minh đọc tôi nghe bài ký đã chuyển thành kịch bản. Tôi mang máng thấy hình hài bộ phim, nhưng 70% vẫn mơ hồ. Anh Minh liều: “Hay ta quay phim này bằng cảm xúc vậy. Cứ quay cảnh đầu sẽ ra phong cách cả phim”. Đoàn phim được thành lập với một đội ngũ ọp ẹp. Ông ánh sáng của tôi xuất thân từ một người thợ luôn luôn bị điện giật...”.
Phóng to |
Nhà quay phim Lý Thái Dũng |
Và Đường Tuấn Ba, Phạm Việt Thanh, Lý Thái Dũng, Phi Tiến Sơn, Phạm Hoàng Nam - những tay máy tài năng, khác thế hệ, khác quan điểm sáng tác nhưng đều dốc dạ cho quyển sách, như Lê Minh viết: “Có những bí quyết độc nhất vô nhị mà dường như khi tiết lộ, nhân vật của chúng ta có phần tiếc nuối ”. Lê Minh tin quyển sách “gây hứng thú tột cùng cho độc giả », còn tôi thì rưng rưng cái bắt tay đầy trách nhiệm của những nhà quay phim ưu tú, cuộc hợp sức truyền nghề cho thế hệ sau. Đạo diễn Khánh Dư nói nhiếp ảnh hay bởi nó giữ lại giây phút đích đáng, 10 bí quyết hình ảnh đã giữ lại trong nó rất nhiều điều..
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận