Kỹ sư Fletcher - Ảnh: CitizenPost |
Để thực hiện điều này, kỹ sư Laurent Fletcher - cựu nhân viên có 20 năm kinh nghiệm làm việc tại Cơ quan Hàng không - vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), kiêm giám đốc Công ty công nghệ BioCarbon Engineering (trụ sở tại Oxford, Mỹ) - đã ứng dụng drone vào lĩnh vực trồng rừng.
Ông nói: “Tại sao chúng ta không dùng công nghệ để đương đầu với công nghệ? Chúng ta sẽ giải quyết tình trạng phá rừng “quy mô công nghiệp” bằng cách triển khai công nghệ trồng rừng cũng đã được công nghiệp hóa”.
Dù thừa nhận hiệu quả của việc gieo hạt giống tự động bằng drone không thể cao bằng gieo hạt thủ công, nhưng cựu nhân viên NASA tin rằng với tốc độ hoạt động của drone, “lượng” sẽ bù cho “chất”.
Theo thống kê hiện nay, tốc độ trồng mới rừng chỉ bằng gần một nửa so với tốc độ phá rừng đã được cơ giới hóa. Ước tính mỗi năm khoảng 26 tỉ cây trên thế giới bị chặt hạ trong khi chỉ có khoảng 15 tỉ cây được trồng mới.
Và như thế, nếu chỉ dùng phương thức trồng rừng thủ công thì không những sẽ mất thời gian và tốn kém mà tốc độ trồng mới cũng không thấm vào đâu so với tốc độ phá. Cứ với đà chênh lệch đó, chẳng bao lâu nữa rốt cuộc thế giới sẽ sạch bóng cây xanh.
Đó là lý do để BioCarbon vào cuộc ứng dụng công nghệ trồng rừng bằng drone. Nếu kế hoạch này thành công, nó sẽ góp phần trồng mới được khoảng 1 tỉ cây mỗi năm.
Hình ảnh đồ họa mô tả công nghệ gieo hạt giống bằng drone của Công ty BioCarbon - Ảnh: Fastcompany |
Quy trình gieo hạt trồng cây bằng drone của Công ty BioCarbon khá phức tạp, tỉ mỉ. Công ty dùng các máy bay này bay qua những vùng đất cần phủ xanh, chụp và truyền tải về hình ảnh 3D ở khu vực đó.
Kỹ sư Fletcher và các cộng sự của ông sẽ đánh giá nhu cầu cần trồng cây mới qua thông tin nhận được.Tiếp đó các drone gieo hạt sẽ được điều tới.
Chúng hạ thấp độ cao, cách mặt đất từ 2 - 3 mét và bắt đầu thả xuống đó những bọc ươm hạt giống.
Bên ngoài bọc là lớp nhựa sinh học có khả năng tự phân hủy trong đất. Bên trong có những hạt giống đã được nảy mầm trước, kèm sẵn theo một lượng đất màu giàu dinh dưỡng và độ ẩm nuôi mầm cây.
Tất nhiên không phải tất cả những bọc ươm hạt giống đều có thể “hạ cánh” thành công. Nhưng với những bọc ươm đã cắm xuống đất, chúng sẽ tiếp tục được các máy bay không người lái tưới nước và theo dõi quá trình phát triển.
Với hai kỹ thuật viên điều khiển cùng lúc nhiều drone, kỹ sư Laurent Fletcher ước tính công ty ông có thể gieo trồng được khoảng 36.000 cây mỗi ngày với chi phí ít hơn 15% so với dùng các phương pháp gieo trồng truyền thống.
Để so sánh, trang Theplaidzebra dẫn số liệu của WorkSafeBC cho biết một người gieo trồng ở tỉnh British Columbia (Canada) trung bình mỗi ngày chỉ gieo được 1.600 hạt giống. Trong khi đó họ phải gùi trên lưng những bao tải hạt nặng trĩu và lội bộ hơn 16km.
Mô hình thực hiện mẫu cho công nghệ trồng cây bằng drone của BioCarbon đã gây được ấn tượng rất lớn trong cuộc thi ứng dụng máy bay không người lái tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Công ty BioCarbon đang hoàn tất hệ thống toàn diện nhất để triển khai trên quy mô lớn hơn.Không chỉ trồng cây, công ty còn có ý định “gieo trồng” thêm các loại vi sinh vật và nấm có lợi cho đất, từ đó giúp công tác phủ xanh rừng bền vững hơn.
Để cây trồng tự thích nghi và tồn tại với địa hình thổ nhưỡng và tốn ít công chăm sóc, kỹ sư Fletcher còn nghiên cứu sự tương thích giữa hạt giống và địa hình gieo trồng, tạo môi trường sinh thái tự nhiên tốt nhất.
Còn một khía cạnh ứng dụng khác nữa của các drone rất có thể sẽ được triển khai trong tương lai, cũng nhằm bảo vệ rừng.
Theo đó, người ta có thể dùng chúng để giám sát, theo dõi các hoạt động chặt phá rừng trái phép và phát hiện những thủ đoạn tàn phá, vận chuyển gỗ của các nhóm lâm tặc chuyên mua bán gỗ lậu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận