30/08/2014 08:17 GMT+7

​Thiếu Lâm tự thu tiền để hành đạo

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Ngôi đền thiêng của võ thuật Trung Quốc, Thiếu Lâm tự đang đứng trước những thách thức của thời cuộc.

Người nước ngoài học võ thuật ở Thiếu Lâm tự - Ảnh: Reuters
Người nước ngoài học võ thuật ở Thiếu Lâm tự - Ảnh: Reuters

Hiện nay tinh thần thượng võ Thiếu Lâm phải chăng đang bị mối lợi kim tiền phá vỡ? Câu hỏi này được Nhật Báo Trung Quốc đặt lên trang nhất hồi đầu tuần và đây là lần đầu tiên vấn đề này được báo chí Trung Quốc xoáy thẳng vào.

Tờ báo cho rằng ngôi chùa hơn 1.500 tuổi ở thành phố Đăng Phong (tỉnh Hà Nam) đang bị làn sóng thương mại của thế kỷ 21 cuốn phăng vào vòng xoáy thương trường.

Chỉ tiếp giới nhà giàu

Trong ngôi chùa cổ Thiếu Lâm nằm trên núi, sau những cánh cửa im lìm của chính điện, hòa thượng trụ trì Thích Vĩnh Tín ngồi trên chiếc ghế chạm khắc hình rồng để dạy võ thuật và triết lý nhà Phật cho học trò. Phía bên trái trụ trì, từng nhóm ba hòa thượng đứng chăm chú nghe giảng như uống từng lời của thầy về những tuyệt kỹ của võ thuật Thiếu Lâm.

Cả thầy và trò như đang trở về thời kỳ huyền thoại của môn phái thì tiếng chuông điện thoại réo rắt vang lên, phá vỡ không khí trang nghiêm của lớp học. Hòa thượng Thích Vĩnh Tín, lãnh đạo tinh thần đời thứ 30 của môn phái, rút điện thoại màn hình cảm ứng từ trong áo tràng của mình, dùng đầu ngón tay quét quét màn hình rồi lướt nhanh, càu nhàu và cất điện thoại rất nhanh vào áo cà sa.

“Chúng ta theo đuổi cuộc sống giản dị và hòa bình, mục đích cuối cùng của chúng ta là đạt được ánh sáng Phật pháp và giúp những người khác đạt được điều này” - hòa thượng Thích Vĩnh Tín thuyết giảng. Thế nhưng, “ánh sáng này” ở Thiếu Lâm thì không phải lúc nào cũng được miễn phí.

Hiện nay một thế hệ đệ tử hạng sang đang ồ ạt tìm đường lên núi, sẵn sàng bỏ ra 800 USD một tháng để học quyền thuật và được trải nghiệm cuộc sống ở Thiếu Lâm tự. Đó là các tổng giám đốc điều hành trong các doanh nghiệp “triệu đô”, các doanh nhân người nước ngoài và chuyên gia ở nhiều lĩnh vực.

Không những thế, du khách khi muốn đến thưởng ngoạn Thiếu Lâm tự phải móc hầu bao mua vé vào cổng với giá 100 nhân dân tệ (khoảng 16 USD), một khoản chi phí mà không phải ai cũng có khả năng với tới, nhất là những người mộ đạo là dân thường.

Các khoản phí này do Công ty du lịch văn hóa Thiếu Lâm Tùng Sơn - doanh nghiệp có liên kết với ban quản lý chùa Thiếu Lâm - thu và quản lý. Ước tính mỗi ngày có tới hàng ngàn du khách đến đây nhưng lâu nay phía Công ty Tùng Sơn chưa từng công bố tổng số du khách cũng như doanh thu hằng năm.

“Chỉ có giới nhà giàu mới tới được Thiếu Lâm tự. Là người Trung Quốc, dù sống ngay cạnh Thiếu Lâm nhưng tôi không mơ đến được vì khoản phí vào cổng bằng với chi phí cả ngày của gia đình tôi ở thành phố Đăng Phong này” - Vi Kiến Tường, một cư dân ở Đăng Phong, cho biết.

Chấp nhận thích ứng

Một số người ở Thiếu Lâm cho rằng thu phí dạy võ và vé cổng giúp đem lại nguồn thu bảo đảm cho tương lai của ngôi chùa, nhưng một số người cho rằng chính cách thức này đang đẩy ngôi chùa đến nguy cơ mất đi bản sắc tôn nghiêm huyền thoại của mình.

Không khó để bắt gặp hình ảnh những sư thầy nói chuyện oang oang bằng điện thoại thông minh, trực tiếp bán nhang đèn và những quà lưu niệm rẻ tiền. Du khách có thể dễ dàng truy cập WiFi ngay bên trong các “tòa tự cổ” của Thiếu Lâm. Thậm chí sách y học “nhãn hiệu Thiếu Lâm” còn được bán trên mạng Taobao (một trang dạng Amazon của Trung Quốc).

Các môn sinh giờ đây cũng khỏi cần “vượt vạn lý trường chinh” để đến đăng ký thọ giáo. Từ bất kỳ nơi đâu trên thế giới, họ chỉ cần lên mạng là có thể đăng ký cũng như nộp học phí ở Thiếu Lâm bởi gần đây đã có trang web nhận môn đồ. Từ năm 2010, Thiếu Lâm tự còn có hẳn một tài khoản trên mạng xã hội và hiện có hơn 150.000 người theo.

Vương Ngọc Mẫn, chủ nhiệm văn phòng đối ngoại của Thiếu Lâm, cho biết từ tháng 1-2013 có khoảng 800 người nước ngoài đến sống và tập luyện tại ngôi chùa này trong thời gian từ vài ngày đến hơn một năm. Nhiều người trong số này đăng ký từ các trung tâm văn hóa Thiếu Lâm đặt rải rác khắp châu Âu, Mỹ và một số nước khác.

Sư thầy Thích Nhan Bác, một sư thế hệ trẻ của Thiếu Lâm tự, cho biết họ phải chấp nhận sự thay đổi môi trường sống vì khi có nhiều khách du lịch thì Thiếu Lâm tự sẽ trở nên ồn ào. Các sư thầy vẫn phải giữ bình tĩnh và ứng xử với khách du lịch tử tế.

“Thiếu Lâm hiện nay thuộc về thế giới và đồng hành cùng sự phát triển của thế giới. Khách du lịch là bài toán thử con đường tìm đến ánh sáng của nhà chùa, vì chúng tôi luôn phải đảm bảo tâm trí của mình không bị môi trường ồn ào bên ngoài làm ảnh hưởng” - nhà sư trẻ tâm sự.

Kinh doanh để sinh tồn?

Hòa thượng Thích Vĩnh Tín khẳng định lợi nhuận kinh doanh của Thiếu Lâm được thu về nhằm để “bảo tồn” ngôi chùa.

 “Chúng ta bước vào một xã hội thương mại hóa cho nên ai ai cũng có khuynh hướng đánh giá mọi việc từ góc độ thương mại. Tuy nhiên, bạn cần nhìn vào mục đích đằng sau việc kinh doanh. Một số người kinh doanh để họ sống sót, một số người kinh doanh để làm giàu. Thiếu Lâm kinh doanh là chỉ muốn sinh tồn và thực hành đạo Phật” - Nhật Báo Trung Quốc dẫn lời người đứng đầu Thiếu Lâm.

Tháng 3-2014, nhiều quản lý của các tập đoàn lớn của Mỹ là Google, Apple và khoảng 46 lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp tư nhân cỡ bự của Trung Quốc đã đóng phí để nhận được lời “minh triết” của hòa thượng Thích Vĩnh Tín. Những người này cho rằng “Thiếu Lâm có quyền kinh doanh để bảo tồn những gì mà họ đang có”.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên