23/09/2006 18:34 GMT+7

Yểu điệu guitar

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TTCT - Năm 1998, Sài Gòn từng có một buổi biểu diễn với thật nhiều hoa ở CLB Guitar cổ điển (Nhà văn hóa quận Phú Nhuận): đêm độc tấu của “ngũ cô nương” chơi guitar: Kim Chung, Phương Thư, Phương Thảo, Tuyết Vân và Nguyễn Thị Thái.

DB8QEr1D.jpgPhóng to
Thu Hồng
TTCT - Năm 1998, Sài Gòn từng có một buổi biểu diễn với thật nhiều hoa ở CLB Guitar cổ điển (Nhà văn hóa quận Phú Nhuận): đêm độc tấu của “ngũ cô nương” chơi guitar: Kim Chung, Phương Thư, Phương Thảo, Tuyết Vân và Nguyễn Thị Thái.

Nhiều năm trước đó, thật hiếm hoi bóng hồng trong làng guitar cổ điển của TP.HCM. Gần như chỉ có một nữ guitarist chuyên nghiệp thành danh là Ngô Thị Minh (nay chị đã định cư ở Mỹ). Sau Ngô Thị Minh, may mắn thay đã có một lớp kế thừa trổi lên, tiêu biểu với “ngũ cô nương” thế hệ 7X (sinh ở thập niên 1970) kể trên.

Họ được người thầy guitar kỳ cựu Huỳnh Hữu Đoan đứng ra tổ chức một đêm nhạc “không có tiền lệ” tại Nhà văn hóa Phú Nhuận. Tiếng vang của đêm nhạc ấy cho thấy phái đẹp hoàn toàn có thể chơi guitar cổ điển (và chơi rất cừ), vượt qua ý nghĩ thông thường của nhiều người - cả nam và nữ giới - rằng loại nhạc cụ có nguồn gốc từ xứ đấu bò tót ấy chỉ dành riêng cho nam giới.

Thật ra công chúng yêu nhạc cổ điển vốn quen mắt với hình ảnh các thiếu nữ trang phục tha thướt ngồi bên phím đàn dương cầm hay nhẹ nhàng ngả đầu trên cây violon hơn là tay ôm thùng gảy nốt tay nâng cần bấm phím đàn guitar. Thế mà để chơi guitar cổ điển phải qua một quá trình khổ luyện.

kfB7BgVz.jpgPhóng to
Thảo Sương
Chưa nói tới các kỹ thuật phức tạp như reo dây, cua-lê nốt, các thế ba-rê (bấm đè các dây đàn), chải tiếng (vuốt từ nốt này sang nốt kia)..., chỉ nội mỗi ngày phải dành nhiều giờ để bấm dây đàn, những ngón tay thiếu nữ xinh xắn đã nhức buốt xiết bao trước khi chai đi dần. Nhưng nói như Phương Thảo, guitarist nữ từng đoạt giải ba cuộc thi Tài năng trẻ guitar năm 2000: “Trời kêu ai nấy dạ chứ biết sao! Ngay từ hồi đi học lớp 1, khác với bạn bè mê nhảy dây, đánh chuyền..., hai chị em tụi này khi thấy đàn guitar là thích nó ngay”.

Năm lên 10 tuổi, cả hai chị em song sinh Phương Thư - Phương Thảo vào học đàn guitar ở Nhạc viện TP.HCM, cho đến khi trở thành thiếu nữ cũng là lúc họ tốt nghiệp. Thuở bé, cả hai tập đàn vì thích nhưng dần dà khi tiếng đàn tây ban cầm đã “nhập” vào họ, thì cây guitar lại trở thành một nét duyên trong tay họ:

“Theo mình, phái nữ chơi guitar càng thêm phần duyên dáng bởi tiếng đàn mang đến cảm giác thật nhẹ nhàng và êm ái, đầy nữ tính” - Phương Thư bộc bạch. Hai chị em Thư - Thảo vẫn thường đánh đàn bên nhau ở các sân khấu, nhà hàng..., cùng chơi những tấu khúc guitar quen thuộc như Usher valse (Koshkin), concerto Adur (Giuliani), Rosita (Tarréga)... Điều ngộ nghĩnh là cũng có lúc họ giận nhau, thậm chí đi đến cãi vã nhưng rồi việc cùng tập, cùng đánh đàn chung lại hàn gắn hai chị em, tiếng đàn lại giúp họ “xí xóa” hết cho nhau.

2vz4lID6.jpgPhóng to
Phương Thảo
Trong số “ngũ cô nương” ấy, Nguyễn Thị Thái từ Đắc Lắc vào Sài Gòn học đàn, còn Tuyết Vân sau khi tốt nghiệp ở trường văn hóa nghệ thuật tại Đà Nẵng tiếp tục vào học guitar tại Nhạc viện TP.HCM. Riêng Kim Chung có may mắn trở thành người đầu tiên trong làng guitar cổ điển TP.HCM được học bổng học chương trình cao học tại “thánh địa guitar” Tây Ban Nha.

Cô cũng là nữ guitarist đầu tiên bỏ tiền túi ra để làm album nhạc hòa tấu riêng Recuerdos de tremolo (Hoài niệm về tremolo). Phát hành từ tháng 7-2006, album này đã bán hết sạch 2.000 bản CD đầu tiên - một sức tiêu thụ đáng tự hào giữa thị trường âm nhạc chìm nổi hiện nay. Từ thành công của buổi độc tấu guitar của cô tại phòng hòa nhạc Nhà văn hóa Phú Nhuận cuối tháng tám vừa qua, Kim Chung hào hứng cho biết đang chuẩn bị để ghi âm một album mới.

Sau lớp “ngũ cô nương”, các cô gái trẻ hơn chơi guitar ở Sài Gòn hôm nay đều là sinh viên đã và đang theo học nhạc viện như Mỹ Châu, Uyên Trang... Thảo Sương (sinh năm 1982) là cô gái duy nhất học guitar hệ trung cấp khóa 2002-2006 và cũng vừa trở thành nữ sinh viên duy nhất hệ đại học ngành guitar của Nhạc viện TP.HCM. “Trước đây tôi đến với guitar trong nỗi buồn chán vì thi rớt đại học.

Thế rồi qua quá trình học guitar cổ điển ban đầu chỉ để giải khuây, tôi lại tìm được niềm đam mê tiếng đàn này” - Thảo Sương tiết lộ. Thu Hồng (19 tuổi) đã tốt nghiệp cao đẳng kinh tế năm 2003, nhưng thay vì đi làm lại quyết định theo học guitar và năm nay sẽ hoàn tất chương trình trung cấp Nhạc viện TP.HCM. Ban đầu Hồng đến với guitar chỉ vì thích chơi thông thạo một nhạc cụ, nhưng nay tiếng guitar trầm ấm đã trở thành thứ ma túy đối với cuộc đời còn dài của cô.

3ZA9k6RP.jpgPhóng to
Tuyết Vân
Trong khi Nguyễn Thị Thái đã trở về quê hương Đắc Lắc dạy nhạc thì Tuyết Vân vẫn “bám trụ” ở Sài Gòn và vẫn gắn bó với hoạt động biểu diễn lẫn dạy học. Đến nay Tuyết Vân là một trong những nữ guitarist đi diễn nhiều nhất. Có thể gặp cô với cây đàn guitar tại nhiều sân khấu, khách sạn, các hội nghị khách hàng... ở TP.HCM.

Nhưng để nghề nuôi được mình, dễ tiếp cận với một công chúng đa dạng hơn, Tuyết Vân tự chuyển hướng sang thể loại bán cổ điển (semi classic). Và đến với khu du lịch Tân Cảng, bạn sẽ thấy guitarist Thảo Sương chơi trong dàn nhạc... dân tộc ở đây. Cô gái xa nhà này đã tự luyện tập thêm đàn bốn dây để có thể kiếm thêm tiền trả học phí và ở trọ tại Sài Gòn, đỡ phải xin tiền của bố mẹ.

Nếu cô chị Phương Thư nay làm một nghề không dính gì tới âm nhạc thì cô em Phương Thảo đã trở thành giảng viên khoa guitar Nhạc viện TP.HCM. Bà mẹ trẻ Phương Thảo thổ lộ: “Không biết có phải vì con mình được nghe tiếng đàn từ trong bụng mẹ mà từ khi ra đời cháu đã khoái nghe nhạc lắm...”.

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên