03/02/2008 07:32 GMT+7

Yên Nội: thiên hạ đệ nhất làng vật

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TT - Về Yên Nội những ngày giáp tết, dù ngoài trời lạnh khoảng 100C nhưng trên đê làng, trẻ con túm năm tụm ba thi nhau... vật cho đỡ lạnh. Hình ảnh này thật xứng với danh hiệu "thiên hạ đệ nhất làng vật".

nC9DaMmK.jpgPhóng to

Nguyễn Quang Long ở hội làng và...

TT - Về Yên Nội những ngày giáp tết, dù ngoài trời lạnh khoảng 100C nhưng trên đê làng, trẻ con túm năm tụm ba thi nhau... vật cho đỡ lạnh. Hình ảnh này thật xứng với danh hiệu "thiên hạ đệ nhất làng vật".

Chưa hết, hàng tá huy chương khu vực, châu lục của vật VN trong vòng mấy chục năm qua cũng từ lò vật Yên Nội mà ra.

"Trai cũng vật, gái cũng vật"

4bE4ZNYi.jpgPhóng to
... chiếc huy chương vàng tại Giải vô địch châu Á - Thái Bình Dương năm 1998

Cách Hà Nội 30km, Yên Nội là một làng nhỏ nằm ven đê sông Đáy thuộc xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Cả làng không có nghề phụ gì ngoài trồng lúa và đấu vật. Cũng chẳng biết từ bao giờ, người dân làng Yên Nội biết đến môn thể thao là môn vật.

Những người già của làng chỉ nhớ từ đời ông cha họ đã có vật. Vật làm những người nông dân suốt ngày lam lũ với đồng ruộng có sức khỏe dẻo dai. Vật khiến những cô gái trở nên mạnh bạo. "Không có sự phân biệt nào giữa nam và nữ. Trai cũng vật, gái cũng vật" - một cựu đô vật trong làng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm (cán bộ văn hóa xã Đồng Quang, một người làng Yên Nội), vật ra đời cùng thời với đình làng Yên Nội. Cách đây chừng 400 năm, ở hội mừng đình làng khánh thành, người ta tổ chức đấu vật. Từ đó đến nay, dân Yên Nội nổi tiếng về võ vật và được các làng khác trong vùng nể trọng.

Cụ Thăng, cụ Mỹ, cụ Chinh... đã ngoại bát tuần, hằng ngày trông coi đình làng Yên Nội, kể lại: những năm kháng chiến chống Pháp, trai làng Yên Nội thường tụ tập nhau năm bảy người thành một hội vật. Những hội này cứ đi đấu hết làng nọ đến làng kia, hết tỉnh nọ đến tỉnh kia để khoe tài năng và lấy phần thưởng. Trai làng đi đâu cũng ngẩng cao đầu vì niềm tự hào võ vật.

Ở hội làng Yên Nội 12-2 âm lịch hằng năm, hàng trăm đô vật các nơi lại kéo về để so tài. Những đội vật của các tỉnh, đội tuyển quốc gia... cũng đến thi thố. Làng Yên Nội cũng từng là nơi tổ chức giải vô địch vật quốc gia.

Lần đầu đến đấu trường Olympic

Năm 1980, bảy VĐV và hai HLV của đội vật tự do nam đã tham dự Olympic Matxcơva, trong đó có ba VĐV và một HLV người làng Yên Nội là: HLV Nguyễn Đình Khinh, VĐV Nguyễn Đình Chi, Phí Hữu Tình, Nguyễn Văn Công. Đó là lần duy nhất vật VN tham dự Olympic. Dù chỉ thắng được một trận ở Olympic Matxcơva nhưng người Yên Nội vẫn lắm tự hào bởi trận thắng ấy đã thuộc về chàng trai Yên Nội Phí Hữu Tình trước đối thủ Kamarun ở hạng 62kg.

Ngoài ra, Yên Nội không đếm xuể đã sản sinh ra bao nhiêu VĐV, HLV cho cả nước. Nào HLV Công, Hải, Long của quân đội, HLV Thức ở Hải Phòng, HLV Thành ở Thái Nguyên. Nào Lụa ở đội tuyển quốc gia, nào Khánh Ly, Vũ Thị Lộc ở đội tuyển trẻ quốc gia... Những năm 1980, 1990 vật Hà Tây không có đối thủ trong nước. Những cái tên: Đình Khu, Phú Vinh, Thế Hải, Phí Hữu Sơn, Quang Long, Quang Thành... là niềm tự hào của làng Yên Nội thời gian đó. Có những giai đoạn, sáu trong tổng số 12 đô vật của Hà Tây từ lò Yên Nội mà ra.

HLV Nguyễn Đình Khinh năm nay đã bước sang tuổi 70. Suốt 40 năm gắn bó với vật, ông Khinh từng là nhà vô địch nhiều năm ở hạng 63kg. Sau khi nghỉ hưu, ông về dạy vật cho các em nữ trong làng. Ông kể: "Có hôm thầy mệt, các cháu nữ còn đến dựng dậy đòi thầy ra trường dạy. Sự nhiệt tình của các cháu khiến tôi chưa khi nào muốn rời sới vật".

Huy chương châu lục mang tên Yên Nội

Ông Minh, trưởng thôn Yên Nội, nay cũng đã 50 tuổi, hào hứng: "Bây giờ thi vật một mình tôi cũng chấp một lúc năm người. Yên Nội có 7.000 dân thì cũng ngần ấy người biết vật. Cả làng có khoảng 600 đô vật thường xuyên tham gia thi đấu. Kể tên người đoạt HCV và kiện tướng Yên Nội thì có kể cả ngày cũng không hết".

Những đô vật Yên Nội trước khi nổi tiếng và gặt huy chương ở đâu, trước hết phải thành danh ở chính đấu trường của làng. Sới vật được xây giữa ao làng, ngày hội người ta bắc một cái cầu tre để trọng tài và các đô vật ra thi, còn dân làng đứng xung quanh ao xem. Đây chính là thảm đấu đầu đời của một đô vật Yên Nội. Và những HCV quốc gia, quốc tế cũng xuất phát từ sới vật ao làng này.

Vào nhà cô gái được cả làng khen "cô gái giỏi nhất làng" mới biết đó chính là VĐV đội vật nữ quốc gia Nguyễn Thị Lụa. Lụa từng giành HCĐ Giải vô địch châu Á năm 2007 và thường xuyên có mặt trong đội vật nữ. Cũng như bao cô gái khác trong làng, Lụa theo chúng bạn vật mọi nơi có thể và hội làng chính là nơi phát hiện tài năng của Lụa.

Trẻ con làng Yên Nội trên đường từ trường về nhà, khi đi chăn trâu bò... không lúc nào rời tay vật. Nhưng có điều lạ là chúng chẳng đứa nào bị chấn thương. Cứ nhìn những người lớn chơi miếng gì là hôm sau chúng học và thực hành ngay miếng đó. Nào miếng cuốn, miếng gồng, miếng móc, miếng lườn, miếng ngóc, bốc một, bốc hai... người già, trẻ con trong làng nhìn là biết ngay.

Từng tham gia giải vật làng và cũng theo đám trẻ con lang thang vật trên đê, bờ ruộng..., HLV trưởng đội vật nam quốc gia Nguyễn Quang Long hiện nay cũng là một người con của Yên Nội. Đi hết làng nọ đến làng kia, mang phần thưởng từ hội vật Yên Nội, đền Hùng..., anh Long là một trong những con cưng của làng vật.

Cả hai anh em Quang Thành (anh), Quang Long đã nổi đình nổi đám trong làng vật VN những năm 1990 và hiện nay họ đều là những HLV. Anh Quang Thành hiện nay là HLV vật của Thái Nguyên, còn Quang Long là HLV trưởng đội tuyển nam quốc gia. Năm 1998, Nguyễn Quang Long đã mang về chiếc HCV cho vật VN ở Giải vô địch châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Philippines.

Hầm hập cái nóng của hội vật

Hàng trăm người đã kiếm được công ăn việc làm, thoát khỏi cảnh lam lũ nhờ sới vật ao làng Yên Nội. Thế hệ nối tiếp thế hệ, hiện nay Yên Nội vẫn tiếp tục cho ra lò các đô vật mới. Ba lớp học (hơn 80 đô vật nhí) trong đó có hai lớp nam và một lớp nữ do đô vật Nguyễn Đình Khinh và các HLV của quân đội, Hà Tây hằng ngày huấn luyện tại Trường cấp II Đồng Quang sẽ là những thế hệ kế tục của phong trào vật Yên Nội.

Thầy Hưng - hiệu trưởng Trường cấp II Đồng Quang - khoe: "Trường tôi có lẽ là trường duy nhất trên cả nước học sinh vừa được học văn hóa vừa được học thêm vật. Có sàn tập và đầy đủ trang thiết bị tập luyện, có HLV chuyên nghiệp..., các đơn vị đầu tư và nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để duy trì truyền thống cho làng và phát hiện những tài năng cho vật VN".

Về Yên Nội những ngày giáp tết, nhiệt độ ngoài trời chỉ trên dưới 100C nhưng không khí trong làng vẫn nóng bởi mọi người đang chuẩn bị cho hội làng tháng hai.

Sổ vàng Yên Nội

lb3Gvr6q.jpgPhóng to
Phú Hai, cậu bé đoạt giải nhất vật thiếu niên tại hội làng Yên Nội năm 2001
Với diện tích 7km2, dân số 13.000 người, dân Đồng Quang sống chủ yếu bằng nghề nông. Làng Yên Nội có 7.000 dân và là làng lớn nhất xã. Ra đời cách đây 400 năm, đình làng Yên Nội được chứng nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia và phong trào vật ở đây cũng ra đời từ lúc đó. Theo sổ vàng của Yên Nội: từ năm 1981 đến 2007, Yên Nội đã có 50 VĐV đoạt HCV tại các giải vô địch quốc gia, quốc tế. Làng có 15 kiện tướng và vô số đô vật từng đoạt HCB, HCĐ.

Hằng năm vào 12-2 âm lịch là ngày hội làng, những người có thành tích cao về học vấn cùng những người có huy chương tại các giải quốc gia, quốc tế... sẽ được ghi tên vào sổ vàng của làng và được vinh danh, nhận phần thưởng trong ngày hội làng.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên