02/05/2010 08:16 GMT+7

Ý tưởng mới từ World Expo 2010

KHỔNG LOAN (Theo Reuters, BBC, Al Jazeera)
KHỔNG LOAN (Theo Reuters, BBC, Al Jazeera)

TT - Triển lãm thế giới Thượng Hải 2010 là sự kiện quốc tế lớn thứ 2 tại Trung Quốc, sau Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008. Trung Quốc chi số tiền khổng lồ để tạo ra một sự kiện xa hoa cho khoảng 70 triệu khách tham quan.

89Chf52Z.jpgPhóng to
Gian hàng Việt Nam được làm bằng vật liệu tre tại Expo 2010 - Ảnh: Lê Nam

Đây cũng là lần đầu tiên một quốc gia đang phát triển tổ chức triển lãm thế giới. Có 189 quốc gia và 57 tổ chức, công ty tham dự, 20.000 chương trình biểu diễn văn hóa sẽ được tổ chức.

Triển lãm thế giới là gì?

Triển lãm thế giới (World Expo) là một hội chợ, nơi các quốc gia và công ty trưng bày những thành tựu khoa học và tiến bộ công nghệ mới nhất của họ. Các triển lãm trước đây được nhớ nhờ tạo ra những dấu ấn tới công chúng như như tháp Eiffel và máy truyền hình. Trong khi những triển lãm gần đây đã không kích thích được trí tưởng tượng của thế giới và khá thất vọng, thành phố Thượng Hải đã nỗ lực thu hút sự chú ý của thế giới. Trung Quốc thông báo chi phí chính thức là 4,2 tỉ USD, gấp đôi chi phí cho Thế vận hội cách đây hai năm. Nhưng truyền thông Trung Quốc cho biết số tiền thật sự có thể lên tới 58 tỉ USD.

Trong quá khứ, các triển lãm thế giới được coi là cột mốc đánh dấu hình ảnh về một quyền lực của thế giới. Ví dụ: triển lãm đầu tiên năm 1851 ở London là thể hiện vị trí siêu cường của nước Anh về kinh tế, quân sự và công nghiệp. Ý nghĩa của sự kiện năm nay cũng không khác là bao.

95% khách là người Trung Quốc

Có rất ít triển lãm trong lịch sử có lãi. Triển lãm ở Hanover năm 2000 bị lỗ 1,1 tỉ USD, ở Vancouver năm 1986 lỗ 33 triệu USD. Các quan chức ở Thượng Hải nói họ không nhằm mục đích kiếm lời, mà muốn qua sự kiện thể hiện những thành tựu của Trung Quốc với thế giới, giúp người dân Trung Quốc hiểu và trải nghiệm những nền văn hóa khác nhau.

Vé tiêu chuẩn dành cho khách tham quan là 160 NDT (khoảng 460.000 đồng).

Chính phủ Trung Quốc sử dụng sự kiện để nhấn mạnh thể hiện vai trò của chính quyền với người dân Trung Quốc, cho họ thấy Trung Quốc đủ mạnh để làm chủ nhà của hai sự kiện thế giới, với quy mô khổng lồ trong một thời gian rất ngắn. Gần 95% khách tham quan triển lãm sẽ là dân Trung Quốc, chỉ có 5% từ nước ngoài. Nơi tổ chức triển lãm là nơi thân thiện với môi trường nhờ sự ra đời của nhà máy điện mặt trời lớn nhất quốc gia và sử dụng các phương tiện đi lại không thải khí hại ra môi trường.

Tuy nhiên, sự chú ý của thế giới tới triển lãm cho tới nay là không nhiều, các triển lãm trước ở Zaragoza (Tây Ban Nha) và Hanover (Đức) hầu như không được để ý. Trung Quốc đã cố gắng thu hút sự chú ý của truyền thông bằng cách mời lãnh đạo các quốc gia tham dự. Thượng Hải đã triển khai 46.000 cảnh sát, cộng thêm hơn 8.000 người từ nơi khác đến để hỗ trợ đảm bảo an ninh, có hơn 1,7 triệu tình nguyện viên tham gia sự kiện.

Trong nhiều tháng, Thượng Hải như một công trường xây dựng khổng lồ với các công nhân chạy đua để xây dựng kịp tiến độ. Thành phố có sân bay mới, đường tàu điện ngầm mới, các công viên và khu công cộng mới. Đó sẽ là di sản từ sự kiện này. Những đầu tư hạ tầng có thể đem lại lợi nhuận cho Thượng Hải về lâu dài sau khi sáu tháng triển lãm kết thúc.

Vì sao phải có mặt?

Đây là sự kiện lớn nhất và tốn kém nhất trong lịch sử. Các quốc gia và công ty đang có nỗ lực đặc biệt để thúc đẩy quan hệ chính trị và thương mại với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Có 191 quốc gia tham dự triển lãm kéo dài sáu tháng và sự đầu tư chủ yếu chi cho các gian triển lãm của quốc gia đó. Ví dụ: Saudi Arabia đã chi 146 triệu USD để làm gian triển lãm có hình thuyền mặt trăng. Các nước khác nhắm tới lợi nhuận vô hình là thu hút lượng khách du lịch người Trung Quốc. Các quốc gia nhỏ dựa vào quan hệ thương mại và viện trợ từ Trung Quốc cũng thể hiện thiện chí bằng cách có mặt. Các tập đoàn đa quốc gia như General Motors và Coca-Cola có mặt để nhắm vào thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc.

Các di sản từ triển lãm thế giới trước đây

* 1851 - London: cung điện pha lê

Triển lãm thế giới đầu tiên diễn ra ở công viên Hyde trong cung điện pha lê (Crystal Palace). Kiến trúc sư Joseph Paxton đã thiết kế và nó trở thành nơi nổi tiếng ở London trước khi bị cháy năm 1936.

* 1889 - Paris: tháp Eiffel

Triển lãm thế giới Paris được nhớ tới vì sự ra đời tháp Eiffel.

* 1893 - Chicago: thành phố lớn

Triển lãm thế giới đã đưa Chicago vào bản đồ các thành phố lớn trên thế giới. 27 triệu người đã tham dự.

* 1901 - Buffalo: ám sát tổng thống Mỹ McKinley

Tổng thống William McKinley bị ám sát ngày 6-9-1901 khi ông tới dự một sự kiện quan trọng. Máy X-quang vừa được phát minh cũng được giới thiệu lần đầu tiên ở đây.

* 1939 - New York: truyền hình

Lần đầu tiên truyền hình ra mắt tại triển lãm, cùng với máy ghi âm bằng băng và máy quay phim.

* 1958 - Brussels: Triển lãm thế giới đầu tiên sau Thế chiến 2, sau 18 năm gián đoạn vì chiến tranh.

* 1984 - New Orleans, Mỹ: phá sản

Triển lãm New Orleans là triển lãm duy nhất trong lịch sử tuyên bố phá sản khi đang hoạt động do không thu hút đủ lượng khách tham quan.

Tin bài liên quan:

Bài hát chủ đề của Expo 2010 gây tranh cãi World Expo 2010 - nơi hội tụ tinh hoa kiến trúc đô thị tương laiDòng sông tre” bên bờ sông Hoàng Phố

KHỔNG LOAN (Theo Reuters, BBC, Al Jazeera)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên