![]() |
Những chiếc xúc xích Đức đang được sản xuất tại Công ty Đức Việt, Khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên) - Ảnh: Q.T. |
Giây phút “định mệnh”
Hà Nội một chiều đông, trong một quán nhậu bình dân có hai người đàn ông trầm ngâm. Người đàn ông VN chừng 50 tuổi là Mai Huy Tân, cán bộ của một công ty sản xuất phụ tùng ôtô của Đức tại VN, từng là nghiên cứu sinh và tiến sĩ toán - kinh tế tại Đại học tổng hợp Martin - Luther ở Haller (Đức). Vị khách nước ngoài cao lớn là Michael Campioni, chủ một doanh nghiệp sản xuất cửa kính - nhựa ở Đức và từng là nhân viên Sứ quán CHDC Đức tại Hà Nội.
Câu chuyện hôm ấy của họ không vui: chuyến khảo sát thị trường cho mặt hàng họ dự định sản xuất cho kết quả xấu, cuộc thù tạc này để “tiễn đưa” dự định làm ăn đó. Ông Tân động viên bạn: “Người VN không có cửa nhựa thì có cửa nhôm, cửa gỗ. Và nếu năm nay chưa có cửa đẹp, năm sau có cũng chẳng sao. Chỉ có ăn uống như chúng ta thế này ai cũng muốn và lúc nào cũng cần”.
Người bạn Đức hỏi lại: “Hay ta đem thức ăn đến bán? Vậy tôi có thể bán thức ăn gì cho người VN? Quê tôi chỉ có món xúc xích”. Thật thú vị, quê hương của Michael là vùng Thueringen, nơi có món xúc xích nổi tiếng. Cả hai cùng bật ra: xúc xích vùng Thueringen bán ở VN? Tại sao không nhỉ?
Giám đốc Mai Huy Tân nói: “VN mở cửa và cũng sẽ trở thành một xã hội công nghiệp. Thức ăn này có dinh dưỡng, hương vị và giá cả cũng rất hợp với người Việt. Như vậy xúc xích Đức hoàn toàn có thể bán ở VN”. Quan điểm của ông là sản xuất ở VN; nhập toàn bộ công nghệ, máy móc, nguyên liệu của Đức, trừ thịt. Ông cho rằng đây là điểm mấu chốt quyết định sự có mặt của thương hiệu xúc xích Đức Việt tại VN. |
“Qua giây phút “định mệnh”, tôi bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc về dự định này”- ông Tân kể lại, trong ông dư vị miếng xúc xích Đức đầu tiên trong đời như còn đọng ở chân răng. Đó là mùa đông năm 1982, năm đầu tiên làm nghiên cứu sinh ở Berlin, Đức.
Thành phố kỳ vĩ của châu Âu đón chào ông bằng một xe đẩy có lò nướng rực hồng với những ổ bánh mì nóng kẹp từng miếng thịt tròn dài hồng sẫm chấm mù tạt cay vàng. Hương vị lạ lùng, thơm ngậy, giòn, đậm, ngon và… thân thiện của xúc xích khiến ông nhớ mãi.
Sự thân thiện ấy còn được thể hiện qua nụ cười của anh bán hàng đeo tạp dề và đặc biệt là cho túi tiền không dư dả của người khách lạ. Tìm hiểu, ông biết thêm món ăn này đã ra đời hơn 10 thế kỷ, đã có mặt ở hầu khắp đô thị trên thế giới. Nó được xem là món ăn ưu việt của xã hội công nghiệp. Thế giới có hàng trăm loại xúc xích, riêng ở Đức có tới 50 loại, nhưng một trong những thương hiệu lớn nhất vẫn là xúc xích Thueringen, món ông đang ăn.
Thế là người bạn Đức trở về vùng quê thơm lừng hương xúc xích để khảo sát, tìm hiểu và anh bạn Việt cũng đôn đáo tìm hiểu, khảo sát để đưa xúc xích Đức đến VN.
Món quà quí nên mặt hàng hay
Một nhà máy nhỏ mang tên Công ty TNHH Đức Việt ra đời, tọa lạc trên 300m2 của phường Thanh Xuân, Đống Đa (nay là Q.Thanh Xuân, Hà Nội), thuê từ nhà kho một doanh nghiệp nhà nước. Nhà máy nhỏ nhưng sạch, gọn và đáp ứng tất cả tiêu chuẩn công nghệ của xúc xích Thueringen.
Các chuyên gia máy và công nghệ được mời từ Đức sang để hướng dẫn và tổ chức sản xuất. Vấn đề là thị trường. Mục tiêu số một: bán hàng cho những người đã từng ăn xúc xích Đức. Đó là người Đức (và người phương Tây khác) ở Hà Nội và người Hà Nội từng ở Đức. Con số này khoảng trên 2 vạn. Mục tiêu tiếp theo là khách hàng trung lưu trở lên, khách hàng đã và sẽ ăn đồ Tây.
Cách tiếp cận: thông qua các tổ chức, cộng đồng người nước ngoài ở Hà Nội, các khách sạn, nhà hàng, quán ăn... Ngày 7-9-2000, chiếc xúc xích Thueringen “made in VN” đầu tiên của Đức Việt ra lò. 200 thực khách là người Đức “xịn” và những người VN sành ăn món Đức nhất được mời đến thưởng thức. Tất cả đều chung một lời khen: đạt tiêu chuẩn Đức!
Nhưng chỉ mấy tháng sau nhà máy đóng cửa. Hàng Đức Việt không bán được vì tại những nhà hàng, khách sạn quốc tế vẫn có xúc xích Thueringen, nhập khẩu từ Đức và bán với giá 3 USD/chiếc. Ngoài quán bia, siêu thị vẫn có xúc xích của các nhà sản xuất nội. Hàng Đức Việt chỉ bằng 1/6 giá nhập ngoại nhưng không bán được nhiều cho Tây vì lượng khách này rất ít, khách Việt thấy giá xúc xích Đức Việt cao hơn loại khác nên từ chối. Chất lượng hàng đã tốt, quản lý doanh nghiệp ổn, nhưng vì sản xuất cầm chừng, thu không đủ chi nên Đức Việt tạm ngừng hoạt động. Rà soát lại toàn bộ các khâu, vấn đề được phát hiện là khâu tiếp thị.
Chiến lược tiếp thị được thay đổi cơ bản: khách hàng số một là người VN. Thương hiệu xúc xích Đức Việt được quảng bá trên các phương tiện thông tin; từ vài sản phẩm ban đầu, Đức Việt mở rộng thêm hàng chục sản phẩm khác đều có hương vị, công nghệ “họ hàng” với xúc xích.
Giám đốc Mai Huy Tân tìm một phó giám đốc phụ trách tiếp thị, chiến lược tuyển dụng nhân sự, đầu tư tài chính tương ứng cũng khởi động. Tại các siêu thị, nhà hàng, quán bia luôn có từng đoàn tiếp thị viên của Đức Việt mặc đồng phục gắn thẻ, đeo găng tay, tạp dề, mũ vải bên những xe đẩy có lò nướng trực tiếp những miếng xúc xích Thueringen, hong khói, vườn bia, salami, thăn lợn hong khói...
Sau một năm, doanh thu của công ty tăng 100%, dây chuyền phát huy hết công suất. Những năm sau đó tốc độ tăng trưởng này vẫn được duy trì. Đến nay, một lò mổ công suất 200 con heo/ngày với công nghệ, dây chuyền cũng 100% của Đức cho sản phẩm thịt tươi đạt độ ngon, sạch đã được Đức Việt vận hành. Đức Việt đang từng bước vươn tới mô hình một tập đoàn nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ thực phẩm sạch qui mô, khoa học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận