Đất nước vào xuân. Chúng ta nhớ về những đảo xa, về nhà giàn giữa biển. Ở đó, bao thế hệ đã luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió để gìn giữ đất Việt. Ở đó, những người lính vẫn ngày đêm bám biển để đất mẹ luôn liền một dải.
Phóng to |
Các chiến sĩ nhà giàn DK1/17 chào cờ mỗi sáng thứ hai - Ảnh: Xuân Trường |
Phóng to |
Được chăm sóc kỹ lưỡng, giàn mồng tơi của các chiến sĩ nhà giàn DK1/17 xanh tốt quanh năm - Ảnh: Xuân Trường |
Với lính nhà giàn DK1 có kể bao đêm, có viết bao trang giấy cũng khó nói hết chuyện về các anh. Xuân về, chúng tôi xin kể ba câu chuyện để cùng “cười tủm tỉm” với các anh.
“Thơ tắm”, thơ tình
Những ngày xuân về tết đến cũng là những ngày biển thường động dữ dội. Có những đêm sóng biển quật ầm ầm như sấm vào chân “nhà lô” - cách người lính gọi ngôi nhà DK1 của mình - làm người lính đã khó ngủ vì nhớ đất liền càng thêm trằn trọc hơn. Thế nhưng trước mọi phong ba bão tố, họ hiểu đất liền luôn ở bên mình, và sứ mệnh gìn giữ biển đảo quê hương luôn ở trên vai và trong tim mỗi người. Với sứ mệnh - động lực đó, họ vững vàng tay súng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc nơi xa. |
Không biết có phải xuân về lính hứng khởi hay trước bao hiểm nguy, cuộc sống vốn dĩ cực khổ mà những chiến sĩ nhà giàn lại làm thơ “tự trào” bản thân mình để chọc nhau cười, vượt qua bao ngày bão tố. Có ra nhà giàn tôi mới được nghe lính làm “thơ tắm”.
Từ khi có nhà giàn, các chiến sĩ đã thực hiện quy trình tắm “em bé” - ngồi lọt thỏm trong thau, lấy từng ca nước giội lên đầu cho chảy xuống người, kỳ cọ. Sau đó lấy nước ấy giặt lại quần áo (không có xà bông), giặt xong còn dùng loại “phân ghét” này tưới rau xanh.
“Nhập gia tùy tục”, chúng tôi cũng tắm kiểu “em bé” khi ra nhà giàn. Trung úy quân y Nguyễn Đức Á trên nhà giàn DK1/12 tếu táo nhắc cánh phóng viên chúng tôi bằng những vần “thơ tắm”: “Những khi biển nổi gió, con cá kìm chẳng có, sóng dập dềnh nhà lô, nước ngọt được một xô, vừa tắm vừa giặt áo, phải lấy ca làm gáo, nhỏ từng giọt người ơi!”.
Tết này, trung úy quân y Nguyễn Đức Á không về quê, anh ở lại với nhà giàn cùng anh em canh giữ biển trời cho Tổ quốc yên bình vui xuân. Rồi như nhớ về những ngày xuân nơi đất liền, nhớ dòng nước mát lạnh nơi quê nhà (Can Lộc, Hà Tĩnh), trung úy Á lại ngân nga: “Cứ một lần ra khơi, là đủ mười hai tháng, cứ mỗi khi trời sáng, chạy vòng quanh nhà lô (tập thể dục), chẳng có tiếng ôtô, cũng không tiếng xe máy, chỉ ầm ào sóng gào, sâu thẳm lòng - biển - tôi…”.
Nhà giàn DK không có nữ chiến sĩ, mỗi lần ra nhà giàn công tác ít nhất sáu tháng các chiến sĩ mới về phép được một lần nên chuyện lính trẻ nhớ “dáng huyền” là rất người. Và khi nghe trong đoàn công tác của báo Tuổi Trẻ ra có những phóng viên nữ đi theo, có chàng lính trẻ đã lén nhét bài thơ vào balô của một phóng viên nữ trẻ trước khi chia tay: “Bao xuân chẳng một bóng hồng, bất ngờ em đến sáng lòng DK, mang hương rơm rạ quê nhà, tiếng em ấm giữa bao la biển trời. Biển đêm gió giật sóng dồi, nghĩ về quê mẹ sáng ngời niềm tin, em đi để lại dáng huyền, bâng khuâng nghe gió đất liền gọi tên…”.
Anh em sinh đôi
Hoàng Trà và Hoàng Vũ sinh năm 1973, quê Quảng Xương, Thanh Hóa, giống nhau như hai giọt nước. Cặp anh em sinh đôi “nổi tiếng” ở DK1 đến mức đi tới nhà giàn nào hỏi về Hoàng Trà, những anh em chiến sĩ lại kể ngay đến cậu em Hoàng Vũ. Hoàng Trà đang công tác trên nhà giàn DK1/20, còn Hoàng Vũ ở mãi tít miệt biển Cà Mau trên nhà giàn DK1/10.
Tuổi thơ của hai anh em sớm vắng bóng mẹ. Mẹ mất, bố Hoàng Trà - Hoàng Vũ ở vậy nuôi sáu người con. Tuổi thơ của Hoàng Trà - Hoàng Vũ trôi qua với một buổi đến trường, một buổi ra ruộng cấy lúa, gặt lúa hoặc đi biển đánh cá vào những ngày thứ bảy, chủ nhật. Đi đâu hai anh em cũng có nhau như hình với bóng. Tính cách Trà và Vũ giống nhau từ màu quần áo đến sở thích âm nhạc. Học hết phổ thông, hai anh em cùng vào học Trường trung cấp Kỹ thuật tàu biển (Q.4, TP.HCM) rồi ra trường cùng xung phong đi phục vụ ngoài nhà giàn DK1 và nay mang quân hàm thượng úy.
Hoàng Trà và gia đình của mình hiện ở Long Thành (Đồng Nai), còn gia đình Hoàng Vũ ở Q.7 (TP.HCM) và cùng có hai cô con gái rất kháu. “Tôi và vợ yêu nhau hai năm không biết mặt, chỉ qua những lá thư giữa bờ và biển. Lần về phép đầu tiên cũng là lần theo cô ấy về Nam Định ra mắt bố mẹ và xin cưới luôn, lính mà!” - Hoàng Trà cười. Lấy nhau sáu năm nhưng Hoàng Trà đã đón bảy cái tết ở DK1.
Mấy năm tết đến, không có anh ở nhà, vợ chồng Hoàng Vũ có dịp lại chạy xuống Long Thành chơi hoặc đón chị dâu và cháu lên Q.7 cùng ăn tết. Hoàng Vũ xúc động kể: “Năm ngoái mình xuống nhà chị dâu chơi, lúc đó anh Trà chưa về phép. Con gái của anh Trà cứ cầm tay dẫn đi quanh xóm khoe: “Ba Trà của con đấy...”. Nhìn con bé bi bô cười nói mà thương cháu quá. Và càng thương anh mình đang ở nơi xa”.
Chuyện con cún ăn tết trên nhà giàn
Không như Trường Sa, các đảo Thổ Chu, Hòn Khoai (Vùng 5 hải quân - Kiên Giang) hay trên Côn Đảo với những đàn chó được lính hải quân nuôi mập núc ních, nhà giàn DK nơi nào “giàu nhất” mới có được một chú cún. Không giống với những chú cún yêu trên các đảo được lính ta đặt tên theo tên các nghệ sĩ hâm mộ, chú chó nhỏ trên nhà giàn lại được các anh lính tại đây gọi thân thương với cái tên mộc mạc: cún.
Trên chuyến tàu dịp cuối năm, ngoài gạo nếp, thịt heo, dưa hành, cành mai vàng... đưa ra phục vụ tết các chiến sĩ nhà giàn, những người lính trong đất liền không quên gửi những chú chó con ra cho bạn mình đang công tác ngoài khơi xa để đêm giao thừa về các anh còn được nghe tiếng chó sủa và cảm thấy gần hơn với đất liền, thêm vững vàng tay súng.
Sáng tinh mơ, những bước chân lính hải quân đã rầm rập trên nhà giàn, chuẩn bị nhận hàng, kéo hàng lên nhà. Không khí tết dường như đã ầm ập về với nhà giàn. Một chú chó con bỏ vào lồng tre cùng một con heo (mang ra cho lính ăn tết) cũng để trong lồng tre khác được ưu tiên đi chuyến “bay” đầu lên nhà giàn. Trên nhà giàn trước đó có một chú chó đã lớn bởi được mang ra từ tết năm trước cũng quấn quýt, ăng ẳng sủa quẫy tít đuôi đón khách. Chú chó chạy quanh ngửi hết bịch đồ này đến bao đồ khác.
Thế nhưng khi anh lính trẻ Lê Duy Sửu, 25 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hóa, phó chỉ huy trưởng nhà giàn 1/12, nâng niu đưa cún con từ trong lồng tre ra, đặt xuống nền nhà giàn thì chú chó lớn vội sủa inh ỏi rồi cụp đuôi chạy, rúc đầu vào gầm bồn sắt chứa nước. Sau đó chú chầm chậm bò ra, đến bên chú cún con, hít ngửi được một cái rồi lại cuống cuồng ăng ẳng sủa, chạy rúc đầu vào gầm bồn nước. Anh Sửu phá lên cười: “Từ tết năm ngoái, lúc nó ra đây còn nhỏ xíu. Từ hôm nay chú mày có bạn rồi nhá”.
Xuân này, các anh vẫn đón tết xa quê. “Tụi mình rất nhớ đất liền và hiểu đất liền luôn sát cánh cùng tụi mình. Nhà giàn bình yên là bà con mình bình yên, tụi mình luôn hiểu điều đó nên luôn vững vàng” - chuẩn úy Phạm Thế Dương nói chắc nịch với tôi câu nói thật ấm lòng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận