Phóng to |
Minh họa: Văn Xuân Lộc |
Hơi lạnh lùa rất ngọt qua khe cửa, tiếng chân người khe khẽ bước sau nhà, tiếng đàn gà con đi kiếm ăn liếp chiếp ngoài vườn, chùm bưởi trái mùa vàng ươm cựa vào gió lúc lắc. Và lúc đó mùi cơm nóng sực bốc vào tận buồng trong tạo thành một cảm giác thật ấm áp. Chị tôi âu yếm gọi: “Dậy đi thôi con mèo lười ưa ngủ nướng”.
Phải nghe đến năm lần bảy lượt những tiếng trìu mến ấy, tôi mới gỡ được chiếc chăn ra khỏi người. Chị pha sẵn một chậu nước có hòa tan chút muối để tôi rửa mặt, rồi im lặng ngắm xem chừng ấy thời gian tôi ra phố học có gì đổi khác. Vẫn biết tôi không còn nhỏ nữa để chị chiều chuộng như vậy, nhưng dường như đó là thói quen của chị và là niềm hạnh phúc giản dị nhất mà tôi có.
Tôi tự hào khoe với Minh: “Em có thể sống được nếu không có người yêu, nhưng không thể sống được nếu như không có chị một ngày”. Minh bảo tôi không có tính tự lập, không biết quyết đoán mà chỉ quen dựa dẫm. Tôi biết anh nói có phần đúng nhưng để nhận điều đó về mình quả thực chẳng dễ chịu chút nào.
Chị Hạnh hai tám tuổi, không có con mắt lá răm, khóe môi chúm chím, chỉ có sự mộc mạc chân chất toát ra từ dáng vẻ lam lũ, cam chịu. Minh cho rằng bao nhiêu sắc sảo, duyên dáng tôi đã cuỗm sạch của chị nên chị đành cam phận chăm chút từng ly từng tí cho tôi, nhận về mình cái nhu mì yếu đuối. Hình như vì điều đó mà bố tôi không yêu chiều chị bằng tôi ngoài lý do ông bảo chị là kết quả khốn khổ của ông và người đàn bà lăng loàn là mẹ chị.
Ông luôn cay nghiệt mỗi khi về nhà: “Con gái gì mà người khô như củi, sợi tóc chẻ tư, da đen như bùn. Thế này thì bao giờ mới lấy được chồng?”.
Chị Hạnh không khóc. Chị im nghe, thỉnh thoảng mới nghẹn ngào nuốt khan vào ngực. Mẹ chị bỏ đi với người đàn ông khác khi chị mới lọt lòng, bố nuôi nấng chị như một điều bắt buộc.Do vậy mỗi lần nhìn chị, ông hậm hực và tức giận một cách vô lối. Khi bố lấy mẹ và có tôi, chị mới có đứa em để bầu bạn, chăm bẵm như thể tôi là báu vật riêng của chị.
Mẹ tôi lấy điều đó làm cảm động, bà thường che chở cho chị mỗi lần bố tôi nổi trận lôi đình quát tháo. Nhưng sự yêu mến của chị đối với tôi lại không thể lay động được lòng trắc ẩn nơi trái tim người cha, mà ngược lại càng ngày ông càng trở nên cáu bẳn. Tóc ông bạc nhiều hơn, khuôn mặt nhàu nhĩ những nếp nhăn và sự cáu kỉnh thì tăng lên tỉ lệ thuận với những lời mắng nhiếc chị Hạnh nhận được. Nhất là từ khi mẹ tôi bệnh nặng qua đời.
Năm nào bố cũng ăn Tết ở đâu đó xa lắm với một người đàn bà góa làng xa. Ông chỉ về nhà để thắp vài nén nhang lên bàn thờ gia tiên, quăng cho chị Hạnh ít tiền, cho tôi bộ quần áo rồi tất tưởi đi. Nhiều lúc nhìn đống quần áo bố mua, tôi không biết mặc làm sao cho chóng rách.
Chị Hạnh thì ngược lại, ngoài quần áo mặc đi làm ruộng chị chỉ có bộ độc nhất để dành mặc mỗi khi đi đâu đó. Có lúc tôi ép chị mặc đồ của tôi nhưng chị nhất định không, vì một lần chị mặc và bố nhìn thấy. Chị còn lúng túng không biết giải thích sao, bố đã chì chiết: “Để cho em nó mặc, nó có học, ra xã hội còn có người để ý. Mày ở nhà làm ruộng cần gì mặc đẹp?”. Tôi không biết đỡ hộ chị những lời nặng nề đó thế nào.
Bố tôi vốn bảo thủ. Chúng tôi chỉ biết im lặng nhìn nhau. Trong sự im lặng đó tôi đã thầm cầu mong sao bố quát thêm: “Sao hai đứa không nói gì?”. Chỉ cần thế thôi là tôi có thể khóc thút thít trên vai ông rằng: “Cả hai chị em con không cần điều đó, chúng con chỉ cần thường ngày được nhìn thấy bố ở nhà thôi!”. Dần dần tôi đâm ác cảm với những đồ bố cho. Tôi ít mặc đến chúng. Người ta nói bố tôi sống dựa vào đàn bà.
Đã ba cái Tết rồi hai chị em chẳng nhờ ai gói bánh cả. Tự tay tôi rửa lá tỉ mẩn gập lá còn chị Hạnh thì vo gạo, đãi đậu rồi hai chị em cùng gói. Những chiếc bánh xinh xinh được làm ra từ đôi bàn tay vừa đen vừa thô của chị khiến tôi thương chị hơn. Dù không thích ăn loại bánh hỗn hợp đủ thứ gạo, thịt, đậu, hành ấy nhưng tôi vẫn rưng rưng mỗi khi lên trường được chị buộc vào dây mấy chiếc mang đi ăn dần.
Có lẽ hạnh phúc không nằm ở chỗ được ăn ngon mà bắt nguồn từ không khí háo hức chuẩn bị. Hai chị em bắc nồi luộc bánh vào hai chín Tết. Tôi thích được ngồi canh bánh. Khói của củi, vỏ trấu và rơm thốc lên làm mắt mũi tôi cay xè, lem nhem như thời còn được chị và anh Minh cho theo ra đồng un lỗ chuột.
Nhớ có lần chúng tôi un được con chuột to lắm. Minh cột dây vào chân chuột cho tôi xách. Chẳng hiểu thế nào con chuột tuột khỏi sợi dây và cuống cuồng lủi chạy. Minh gọi tụi trẻ quanh đó xúm lại vây. Hơn hai chục cái đầu vây quanh con chuột đồng trên khoanh ruộng rộng hệt như cuộc tập trận.
Tôi và chị Hạnh đứng cười đến thắt ruột khi con chuột trong lúc chạy bấn loạn đã chui lên ống quần Minh. Minh ngồi thụp xuống, lấy tay bịt chặt lấy hai ống quần gọi tụi trẻ con đến bắt. Xong vụ ấy cứ mỗi lần nhìn thấy chị em tôi Minh đều gãi đầu đỏ mặt. Khi vắng Minh ngồi ôn lại chuyện này chị Hạnh lại nhìn tôi, khẽ mỉm cười và mắt như có sánh nước. Nỗi nhớ Minh trong tôi cồn lên…
Minh có mặt ở nhà tôi vào mỗi dịp Tết đến. Anh không bao giờ kiểu cách trong ăn mặc khi đến thăm hai chị em. Bữa cơm đạm bạc tưởng chừng không phù hợp với cương vị phó phòng, nhưng anh vẫn ăn ngon lành như chưa bao giờ ăn ngon đến thế. Tôi thấy cần có anh trong cuộc sống của mình biết bao và chị Hạnh, tôi chắc chị cũng nghĩ thế. Anh làm việc ở xa nên tối hai chín nào chưa thấy anh qua cả hai chị em đều phấp phỏng mong ngóng.
Tôi vờ lấy vở ghi ghi chép chép để xua tan cái cảm giác bị chi phối bởi một người khác, nhưng chỉ có cây bút khô mực là cào sột soạt trên mặt giấy, còn mọi giác quan của tôi đều căng ra ngóng chờ sự xuất hiện của anh từ đầu ngõ. Chị Hạnh cũng vờ lên giường từ rất sớm, chăn đắp kín đầu làm như ngủ mê mệt. Nhưng đôi lúc, tôi biết chị vẫn khẽ lật chăn ra để nhìn ra ngoài ngõ. Đôi mắt chị còn buồn hơn cả mắt tôi.
Có lần, tôi mệt mỏi ngủ gục trên bàn, tỉnh dậy thấy trên người được choàng cái chăn len, chị Hạnh đang tỉ mỉ lau chùi bài vị của mẹ và ông bà. Minh đã ở đó trang trí mâm ngũ quả cho chị em tôi tự bao giờ. Nhìn thấy bộ mặt còn ngái ngủ của tôi , anh tủm tỉm cười. Trong căn nhà nhỏ dìu dặt vang lên giai điệu bài hát Happy new year tôi yêu thích. Ngoài đường im ắng không có lấy một bước chân người.
Năm ngoái, Minh thu xếp công việc về sớm hơn. Ngày 26 Tết anh đi xe cà tàng chở một bao vôi qua nhà tôi. Chị Hạnh đi mượn thang, tôi háo hức kiếm chổi quét. Minh trèo lên thang, chị Hạnh đứng kềm chân phía dưới. Mắt hai người sáng ngời hạnh phúc theo mỗi nhát chổi Minh đưa lên che kín từng mảng tường loang lổ như sáp ong.
Chiều đến, bố tôi về ngạc nhiên thấy ngôi nhà hoàn toàn mới mẻ. Càng ngạc nhiên khi thấy Minh và chị Hạnh đang hí hoáy bên chiếc bàn máy khâu may quần áo cho tôi. Bố tôi rất quý anh và cố ý gán ghép tôi với anh. Những lần thế, Minh mỉm cười qua quýt còn trống ngực tôi thì đập liên hồi. Bố thường tách chị Hạnh ra bằng cách sai chị đủ việc. Tôi chẳng vui nổi vì tôi hiểu chị Hạnh đang rối lòng thế nào trên đường khi nghĩ tới lúc về sẽ không còn thấy Minh ở nhà nữa.
Đêm chị quàng tay qua người tôi ôm thật chặt. Mặt chị áp vào lưng tôi khe khẽ thở. Tôi biết, lúc ấy chị nghĩ về Minh. Hơi thở của chị thấm vào da thịt tôi nóng hổi. Cả hai, dù biết chắc chắn chưa đứa nào ngủ thì cũng chẳng đứa nào lên tiếng trước. Phải đến thật khuya, nỗi buồn thật sâu nén vào không gian cô tịch, chỉ có tiếng gió và tiếng dế gáy ri rỉ, chị mới khe khẽ thở dài.
Tôi húng hắng ho như một bà lão. “Em yêu Minh?”. “Còn chị?”. Hai câu hỏi bỏ trống không lời đáp. Cánh tay chị siết chặt tôi hơn nữa, nước mắt tôi cứ loang dần, loang dần từ lọn tóc này sang lọn tóc khác. Một năm mới có một lần chúng tôi nằm bên nhau mà ít nói đến thế. Tôi thường tự hỏi chẳng biết Minh yêu ai trong hai chị em nhưng lại không bao giờ dám trả lời câu hỏi ấy.
Hai chị em sống đùm bọc nhau khi người cha bỏ ra đi theo một phụ nữ khác. Tình chị em hẳn nhiên là rất thắm thiết. Rồi một chàng trai xuất hiện giúp đỡ hai chị em. Cả hai cô gái đều yêu thương anh, còn tình cảm của anh dành cho hai người gần như nhau. Chị và em, ai sẽ nhường ai trong tình yêu? Yên Khanh là cây bút 8X đã in riêng một tập truyện. Cô không chọn cách viết “sốc và sex” mà chọn cách viết đằm thắm với những nhận xét tinh tế để lôi cuốn bạn đọc. Nhân vật cô em trong truyện đã ra đi vì “linh cảm” bông hồng của chàng trai không dành cho cô. Yên Khanh cũng “linh cảm” được những bạn đọc nào sẽ ở lại với truyện của cô. |
Tết này bố không về. Ông chỉ dặn chị Hạnh lo chu đáo đồ lễ với họ hàng. Tôi nhìn chị thấy xót xa. Chưa năm nào, kể từ khi hai chị em lớn lên đến giờ, chị không phải gồng gánh trách nhiệm thay bố. Bố không bao giờ sai khiến tôi các việc ấy.
Ông bảo tôi sinh ra là để học hành chứ không phải để lo muối mắm. Mỗi lần tôi có ý muốn giúp chị san sẻ bớt công việc, chị lại gạt đi: “Em lo nhà cửa để đón bạn bè”. Chị cười buồn, nụ cười ám ảnh. Số tuổi của chị vì thế hằn sâu lên khóe môi đang bị thời gian ăn mòn dần sắc hồng. Tôi bất giác đưa tay sờ lên môi mình. Biết bao lần tôi mong chờ một chút gì đó nhẹ nhàng, mong manh thôi thoảng qua từ đôi môi của Minh.
30 Tết, chị Hạnh cầm con dao ra chái nhà chặt một cành đào. Chị đốt cháy gốc và cho vào chiếc bình sứ cắm. Chị bảo: “Cho nó có không khí Tết một chút”. Tôi lẳng lặng xâu những quả trám vào sợi chỉ buộc lên song cửa sổ.
Đêm qua Minh không đến, chị Hạnh không ngủ được nên lấy chiếc máy may ra làm bạn. Còn tôi, một năm qua dù đã quen với những ồn ào phố thị, nhưng nỗi nhớ về Minh chẳng nguôi ngoai chút nào. Nỗi nhớ ăn dần sự bướng bỉnh, khoét sâu sự kiêu ngạo của tôi, nhưng điều ấy thật dễ chịu biết mấy.
“Anh Minh hôm nay đã về chưa chị nhỉ?” - tôi làm vẻ vô tình. Chị Hạnh ngạc nhiên nhìn thấy tôi huýt sáo líu lo như một thằng con trai. “Chị không biết nhưng sao em lạ thế?”, “Vì bạn bè em trên phố sống sôi động lắm. Chúng kéo em ra khỏi nỗi buồn rồi”.
Tôi trả lời bừa để chị tin rằng với tôi Minh đã mờ nhạt, vì tôi thấy chị rạo rực đam mê, rạo rực cháy một tình yêu với Minh hơn bao giờ. Chị Hạnh thở dài, đứng dậy thắp thêm tuần hương. Ngoài đường vang tiếng chân người rộn rã lên chùa hái lộc. Chỉ còn một giờ thôi là giao thừa. Vậy mà… Minh vẫn bặt hơi, cũng chẳng gọi điện.
Chuông nhà thờ điểm 12 tiếng. Pháo hoa lóe sáng trên sân nhà hàng xóm. Chị Hạnh bày biện bàn thờ, rồi đến bên tôi nhẹ nhàng: “Năm mới, chúc em vui vẻ, hạnh phúc”. Tôi cũng lắp bắp mấy câu chúc chị. Đôi mắt chị xa vắng lạ lùng.
Tôi mở ca khúc Happy new year. Điệu nhạc dìu dặt như khơi gợi bao hạnh phúc cho hai chị em và mang theo cả mối tình thầm lặng trong đó. Gió luồn qua mái ngói, phả xuống căn nhà từng hơi lạnh. Nỗi cô đơn trống trải ập đến. Nhớ bố, nhớ Minh và thương chị khiến tôi không biết làm gì cho chân tay bớt thừa thãi.
Từ đầu ngõ chợt nghe tiếng xe, ánh đèn pha quét một luồng sáng trước sân. Tôi và chị Hạnh nhìn ra. Minh bước vào nhà mang theo nhành lộc non cùng một bông hồng tươi đỏ. Tóc anh rối bời vì gió. Chị Hạnh vụt đứng dậy. Đôi môi tái ngắt của chị run run. Minh bảo: “Anh xin lỗi đã không về kịp để đón giao thừa cùng hai chị em…”.
Chị Hạnh òa khóc, tôi thấy trong lòng vỡ vụn một cái gì đó không thể chịu đựng nổi. Tôi linh cảm bông hồng Minh đang cầm không phải để cho tôi. Cố vui vẻ, tôi nắm lấy tay chị, lôi đến bên Minh: “Có trẻ con quá không nhỉ? Nếu như anh Minh cũng không biết dỗ chị Hạnh nín khóc?”. Chị Hạnh ngước đôi mắt ướt nhòa thảng thốt nhìn tôi. “Em phải lên chùa cùng tụi bạn bây giờ. Anh chị ở nhà phải vui vẻ đấy nhé!”. Tôi cười thật tươi, thọc tay vào túi áo ấm, vừa đi vừa huýt sáo.
Giới thiệu cây bút trẻ YÊN KHANH Tên thật: Phạm Thị Nhài Năm sinh: 1982. Quê quán: Yên Khánh, Ninh Bình. Tốt nghiệp khóa 7 viết văn Nguyễn Du, Đại học Văn hóa Hà Nội. Hiện đang sống và làm việc tại Qui Nhơn, Bình Định. Đã xuất bản: Tập truyện ngắn Ngõ cụt, NXB Văn Học 2009. In chung: Truyện ngắn 8x, Truyện ngắn Mười hai cây bút nữ, Vũ điệu thân gầy. Email: yenkhanh28@gmail.com Tự bạch: “Viết văn với tôi không phải là cuộc chơi, càng không phải để thử nghiệm khả năng bản thân. Tôi đang dò dẫm đi, từng bước một nhưng không tự huyễn hoặc mình rằng: cứ đi, ắt phải đến!”.
|
Áo Trắng số Tân Niên (số 2) ra ngày 01/02/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận