03/02/2007 13:25 GMT+7

Xuân Hương: hài để chống tiêu cực

HÒA BÌNH
HÒA BÌNH

TTCT - Cùng với những tràng cười, khán giả còn nồng nhiệt vỗ tay tán thưởng các tiểu phẩm chống tiêu cực trong Những người thích đùa 4 dù họ đã biết hết nội dung qua báo đài cả nước. Và linh hồn của cái sân khấu hài chống tiêu cực một cách quyết liệt ấy lại là một phụ nữ: Xuân Hương.

J4GLGOne.jpgPhóng to
Thanh Điền
TTCT - Cùng với những tràng cười, khán giả còn nồng nhiệt vỗ tay tán thưởng các tiểu phẩm chống tiêu cực trong Những người thích đùa 4 dù họ đã biết hết nội dung qua báo đài cả nước. Và linh hồn của cái sân khấu hài chống tiêu cực một cách quyết liệt ấy lại là một phụ nữ: Xuân Hương.

Những chuyện... khó tin kiểu “vơ vét thẩm phán cho đủ số” hay chuyện bà hiệu trưởng với những suất nhận vào trường giá 2.000 USD, rồi chuyện “một cửa một dấu” ở phường xã hay chuyện chống ngập ở thành phố này... tất cả đều đã được nói không chỉ một lần trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng cái tài của người viết kịch bản và cũng một mình dàn dựng - Xuân Hương - là không lặp lại chúng một cách thô thiển mà “hài hóa” chúng rất có duyên, hoặc “cương” lên thêm để lấy tiếng cười khán giả. Những người thích đùa 4 đã nói hộ những bức xúc của hàng ngàn khán giả, rộng ra là của đông đảo công chúng trước những chuyện bất bình, tiêu cực trong xã hội.

Từ tuổi thơ tủi cực

Xuân Hương bảo: “Ý thức chống bất công và đứng về phía những người thiệt thòi có ở nơi tôi bắt nguồn từ tuổi thơ tủi cực”. Cha đi tập kết, vì hoàn cảnh khó khăn nên mẹ của Xuân Hương phải gửi cô bé lúc đó mới lên sáu tuổi đến ở một gia đình mà mình chịu ơn. Sống ở nhà người, cô bé luôn thiếu tình thương và còn chịu những lời mắng mỏ mà không có ai bênh vực. Lên tám tuổi, cô bé sớm ý thức và thấm thía được sự cô độc, sớm mang nỗi buồn về thân phận chẳng khác một người từng trải.

Với khao khát về một cuộc sống tốt đẹp nên Xuân Hương luôn cố gắng học và học thật giỏi. Ở nhà cô bé sống như một cái bóng câm lặng, chịu cảnh cô đơn không người chia sẻ, dễ rơi nước mắt nhưng ở trường Xuân Hương lại là một lớp trưởng giỏi giang và cũng không kém phần nghịch ngợm, luôn bày những trò vui, được thầy thương, bạn quí. Thiếu tình cảm gia đình, cô bé đã có được những giờ phút hạnh phúc dưới mái trường.

Năm 12 tuổi, chỉ cân nặng 19kg, hằng ngày Xuân Hương phải chăm lo cho đàn heo, bầy gà vịt trong một khu trại rộng lớn chưa chắc sức lực một người lớn có thể kham nổi. Ngoài việc chăm bầy gia súc, cô bé còn phải lo nấu ăn cho hơn chục con người. Chưa hết, Xuân Hương còn phải phụ giúp trông nom một tiệm tạp hóa, có khi phải khiêng vác những bao hàng nặng oằn lưng khiến đêm nào thân thể cô bé cũng đau nhức rã rời vì phải làm quá sức.

Đã vậy bé Hương luôn đói ăn, thèm ăn... Đến hôm nay, ngồi kể chuyện đã xa xưa mà Xuân Hương vẫn chưa hết tủi thân, nước mắt chực tuôn rơi như thời thiếu niên cơ cực khi ngồi đâm chút muối ớt để ăn cơm, lại nghe những lời mắng chửi, bị nhà chủ nghi ngờ ăn cắp, bị nhục mạ...

Xuân Hương kể có lúc vì đói và ăn uống thiếu chất, mắt chị như mờ đi. Vậy mà chị vẫn cố học. Mẹ lên thăm, xót con, nhiều lần khuyên Xuân Hương nghỉ học cho đỡ cực. Cô bé ôm mẹ khóc, năn nỉ mẹ đừng bắt mình bỏ học. Có được chút tiền mẹ cho, Xuân Hương lại nhịn thèm quà bánh để dành mua sắm sách vở lo cho việc học.

Có một tuổi thơ và thời niên thiếu như thế nên Xuân Hương rất dễ đồng cảm với những ai nghèo khổ, bị oan ức bất công. Cũng từ hoàn cảnh sống bất công đó đã nuôi dưỡng trong tâm hồn cô bé thái độ sống “giữa đường thấy cảnh bất bình chẳng tha”. Sau này khi nhóm hài Tuổi Trẻ Cười Sống ra đời, Xuân Hương là một thành viên tích cực từ buổi đầu thành lập. Cũng từ đó, sân khấu hài - châm biếm Những người thích đùa ra đời mà Xuân Hương là người viết kịch bản ngay từ đầu.

Xem Những người thích đùa 4, có người bảo sao Xuân Hương cứ gay gắt đả kích những sự sai trái, tiêu cực; sao không chọn cách nói nhẹ nhàng, dễ chịu hơn và cũng tránh được rắc rối hơn. Thế là Xuân Hương bùng nổ cơn giận:

“Làm sao tôi nhẹ nhàng được khi nghe chính nghệ sĩ Trung Dân kể: trong một chương trình xây nhà cho người nghèo của đài truyền hình mà Trung Dân tham gia, có một gia đình nghèo khổ tới mức tận cùng rồi; đói ăn, thiếu mặc, nhà cửa rách nát, khi biết được giúp xây nhà tình thương họ đã mừng rỡ biết bao; hết lời cảm ơn.

Vậy mà vài hôm sau gia đình nghèo ấy gặp Trung Dân, nước mắt ngắn dài xin “thôi” chỉ vì bị chính quyền xã mời đến làm “làm việc”, không cho nhận nhà tình thương bởi xã đã “lỡ báo cáo lên trên” rằng đã hoàn toàn xóa nghèo!

Chính mắt tôi chứng kiến một bác sĩ buộc một phụ nữ đi khám phụ khoa cởi hết trang phục phần dưới đứng chờ hơn nửa giờ đồng hồ, trong khi đó anh ta cứ cười nói huyên thuyên, bệnh nhân nữ thắc mắc thì bị nạt nộ. Đến khi bệnh nhân được khám thì gã thầy thuốc vô lương tâm ấy chỉ tốn chưa đến một phút là xong việc... Khi xã hội còn những cảnh đời trái tai gai mắt như thế, làm sao mình nhẹ nhàng, dễ chịu cho được!”.

Hôm Những người thích đùa 4 diễn buổi ra mắt, khi màn nhung khép lại, có một phụ nữ tóc bạc vẫn không ngừng vỗ tay cổ vũ. Khi Xuân Hương bước xuống sân khấu, bà ôm chị, vỗ đầu khen: “Giỏi lắm, vậy mới xứng là con gái đạo diễn Bích Lâm”. Đó là cô Lê An, nguyên là hiệu phó Trường Nghệ thuật sân khấu 2 lúc đạo diễn Bích Lâm làm hiệu trưởng. Bà là người luôn động viên Xuân Hương những khi chị viết kịch bản Những người thích đùa. Mỗi khi biết được một chuyện oan khuất, sai trái... bà tức tốc gọi điện cho Xuân Hương cung cấp tư liệu cho chị.

Xuân Hương cũng thường xuyên nhận được từ bạn bè và cả khán giả yêu mến chị những cú điện thoại chẳng hạn: “Báo mới đăng chuyện này hay lắm nè, biết chưa, viết đi nha”. Thậm chí có những khán giả sau khi xem các chương trình Những người thích đùa đã tìm đến chị “đặt hàng” bằng cách kể lại chính câu chuyện bất bình mà họ là người trong cuộc. Xuân Hương kể có lần đã phải kiên nhẫn nghe điện thoại nhiều giờ liền, từ nửa đêm đến gần sáng, của một phụ nữ tên Dung đã gặp quá nhiều điều oan ức, buồn tủi trong đời, chỉ mong được Xuân Hương chia sẻ.

Hay một hướng dẫn viên du lịch đầy bức xúc vì những chuyện trái khoáy trong ngành của mình luôn viết thành văn bản gửi cho Xuân Hương. Những “chuyện đời tự kể” đó không chỉ là tư liệu sống để Xuân Hương chấp bút mà còn tiếp thêm nghị lực, sức mạnh cho chị chống tiêu cực trên sàn diễn.

Cứ thế, Xuân Hương có những cộng tác viên thân thiết để cùng chị tham gia Những người thích đùa. Chị nợ khán giả của mình - những người đã đồng cảm và gửi gắm niềm tin vào chị!

HÒA BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên