Phóng to |
Hình ảnh 2 con mực đốm xanh giao phối |
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc một số hiểu biết về đặc tính và cách đề phòng ngộ độc do ăn phải loài mực này, tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
Đặc điểm của mực đốm xanh
Mực đốm xanh thuộc họ bạch tuộc (Octopodidea), với hơn 10 loài khác nhau, với đặc điểm chung là có những vòng xanh trên da. Thân mực trưởng thành có kích thước to bằng quả bóng bàn, với 8 tay dài khoảng 7-10cm. Màu sắc của mực thường thay đổi theo môi trường xung quanh, ví dụ có thể chuyển thành màu nâu nhạt, màu xanh lá cây, vàng, da cam để tránh kẻ thù. Khi tự vệ hoặc tấn công, thường các vòng xanh nước biển trên da hiện lên rất rõ, còn khi thua chạy, mực có thể chuyển thành màu trắng và nằm ép sát xuống đáy biển.
Mực đốm xanh thường sống ở những vùng biển nước nông, có độ sâu dưới 50m, hay gặp ở Ấn Độ Dương, Bắc Úc, phía Tây của Thái Bình Dương, trong đó có khu vực biển Đông của nước ta. Mực thường sống ở các dải san hô, khe đá, có thể chúng còn ẩn mình trong vỏ con trai biển, chai lọ hoặc ống bơ vứt xuống dưới biển. Thường thì sau khi biển động hoặc cũng có thể do môi trường sống thay đổi, ta có thể thấy mực đốm xanh ở những nơi khác.
Thức ăn chủ yếu của mực là cua, cá, tôm và những sinh vật biển nhỏ. Mực thường dùng tay bắt con mồi, đưa vào miệng, cắn và tiết độc tố có trong nước bọt để tiêu diệt. Về mặt sinh sản, mực mẹ sinh được khoảng 50-100 trứng, mực mẹ sẽ canh trứng đến khi trứng nở thành mực con. Mực con mới nở có kích thước nhỏ bằng hạt đậu tương, và cần 4 tuần để trở thành mực trưởng thành. Mực có thể sống được 2 năm. Mực bố chết sau giao phối, còn mực mẹ thường chết khi trứng nở thành mực con.
Mực đốm xanh gây ngộ độc thế nào?
Thường thì mực đốm xanh lẩn trốn, né tránh hơn là tấn công, tuy nhiên trong trường hợp bắt buộc phải tự vệ, mực phóng ra nọc độc có chứa maculotoxin và tetrodotoxin gây tê liệt đối phương. Thường người bị trúng độc là do vô ý giẫm phải mực và bị mực tấn công lại. Dù là vết cắn của mực rất nhỏ, khó có thể nhận biết, nhưng nọc độc thường ngấm rất nhanh vào máu gây rối loạn hoạt động của hệ thần kinh cơ, rối loạn hoạt động của tế bào, dẫn tới tử vong.
Cũng như ở cá nóc, maculotoxin và tetrodotoxin ở mực rất độc và rất bền vững, có thể tồn tại với nồng độ cao ngay cả khi mực đã chết và dù đã chế biến ở nhiệt độ cao. Chính vì vậy, ăn mực đốm xanh rất dễ bị ngộ độc nặng và có thể dẫn tới tử vong. Biểu hiện ngộ độc thường là chóng mặt, buồn nôn, nôn, mất tiếng, mệt lả, khó thở, liệt tăng dần, dẫn tới trụy tim mạch. Không ít trường hợp ngộ độc dẫn tới tử vong.
Phòng và điều trị ngộ độc do ăn mực đốm xanh
Cho đến nay, các nhà khoa học chưa tìm được thuốc giải độc tố tetrodotoxin, chính vì vậy các biện pháp điều trị chỉ mang tính hỗ trợ, như thông khí nhân tạo, rửa dạ dày, dùng than hoạt tính để loại bỏ phần độc tố còn trong ruột. Nếu duy trì được 1-2 ngày, bệnh nhân có thể qua khỏi. Tuy vậy, khả năng tử vong cao, đặc biệt là ở trẻ em.
Để phòng ngừa những trường hợp ngộ độc và tử vong đáng tiếc do ăn phải mực đốm xanh nói riêng và các loại thủy hải sản gây độc nói chung, cần tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhận biết về các loại hải sản gây độc, cách dự phòng và cấp cứu khi bị ngộ độc. Nhận biết được các loại sinh vật gây độc sẽ giúp ngư dân và người tiêu dùng có thể loại bỏ những thực phẩm gây độc, tránh được những trường hợp ngộ độc và tử vong đáng tiếc. Cán bộ y tế cơ sở cũng cần được đào tạo và cung cấp những trang thiết bị cấp cứu và hồi sức cho bệnh nhân bị ngộ độc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận