01/11/2013 05:50 GMT+7

Xử lý Vinashin: thôi tập đoàn, trở lại tổng công ty

T.PHÙNG
T.PHÙNG

TT - Ngày 31-10, Bộ GTVT cho biết đã quyết định thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin.

Nhiều giải pháp cứu VinashinTập đoàn Vinashin trở lại mô hình tổng công ty

hUGDzo52.jpgPhóng to
Tàu Vinashin Bay nằm đắp chiếu tại Nhà Bè, TP.HCM (ảnh chụp tháng 2-2013)- Ảnh: Đ.Dân

Tổng công ty có tên giao dịch quốc tế là Ship Building Industry Corporation (SBIC) sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Tập đoàn Vinashin chấm dứt hoạt động kể từ ngày SBIC được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Theo đó, công ty mẹ - SBIC - là công ty TNHH một thành viên (MTV) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (tại thời điểm thành lập có vốn điều lệ là 9.520 tỉ đồng), hoạt động theo Luật doanh nghiệp. SBIC có tám công ty con gồm: Công ty TNHH MTV đóng tàu Phà Rừng, Công ty TNHH MTV đóng tàu Bạch Đằng, Công ty TNHH MTV đóng tàu Hạ Long, Công ty TNHH MTV đóng tàu Thịnh Long, Công ty TNHH MTV đóng tàu Cam Ranh, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn và Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết việc chuyển Vinashin thành tổng công ty theo mô hình công ty mẹ - công ty con là thực hiện theo nội dung đề án tái cơ cấu Vinashin đã được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, SBIC có các ngành nghề kinh doanh chính là: đóng mới tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi; sửa chữa, hoán cải tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi; tư vấn, thiết kế tàu thủy và phương tiện nổi; tái chế, phá dỡ tàu cũ.

Ngoài ra, SBIC còn có nhiệm vụ khai thác cảng biển, cảng thủy nội địa, bến tàu, cầu tàu; kinh doanh hoạt động lai dắt, tàu kéo, tàu đẩy, sà lan, phương tiện nổi; xây dựng công trình thủy, nhà máy đóng tàu; sản xuất chế tạo kết cấu thép; các ngành, nghề sản xuất phụ trợ phục vụ trực tiếp cho ngành đóng mới và sửa chữa tàu thủy. Sau khi được thành lập, SBIC có trách nhiệm kế thừa các quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp của công ty mẹ - Vinashin. “SBIC vẫn có trách nhiệm phối hợp với Chính phủ, ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin và các bộ ngành để xử lý các khoản nợ của Vinashin trước đây” - ông Trường nói.Đồng thời SBIC có nhiệm vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư vốn vào các công ty con, công ty liên kết; chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại công ty mẹ và vốn đầu tư vào công ty con, công ty liên kết; thực hiện sắp xếp lại 234 doanh nghiệp thuộc cơ cấu Vinashin trước đây không tiếp tục duy trì trong cơ cấu tổng công ty: cổ phần hóa, bán chuyển nhượng vốn, chuyển giao, sáp nhập 69 doanh nghiệp; bán, giải thể, phá sản 165 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đơn vị thành viên của tổng công ty tiếp tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp của đơn vị thành viên với công ty mẹ - SBIC theo quy định của pháp luật.

Bộ GTVT yêu cầu trong thời gian chuyển đổi mô hình tổ chức, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch công ty, tổng giám đốc (giám đốc) và các cá nhân có liên quan của các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ tài sản, tiền vốn của đơn vị, không để hư hỏng, hao hụt, thất thoát. “Về mặt tổ chức, quản lý, sau khi Vinashin trở lại mô hình tổng công ty, Bộ GTVT sẽ quản lý trực tiếp và bộ trưởng Bộ GTVT sẽ có thẩm quyền bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt của SBIC sau khi xin ý kiến của Thủ tướng. Mục đích chính của tái cơ cấu Vinashin và chuyển về hoạt động theo mô hình tổng công ty là nhằm tập trung vào ngành nghề chính và có tài chính lành mạnh hơn” - ông Trường cho biết.

Đến thời điểm này, Vinashin đã phát hành trái phiếu quốc tế để tái cấu trúc khoản vay 600 triệu USD nợ nước ngoài vào ngày 10-10. Trước đó, ngày 27-9, Vinashin đã cùng Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng trong nước đã thực hiện phát hành và bàn giao đợt 1 trái phiếu hoán đổi nợ các khoản nợ trong nước trị giá gần 12.000 tỉ đồng. Các khoản nợ lẻ hơn 100 triệu USD của các chủ nợ nước ngoài đã tái cơ cấu xong. Với số nợ trong nước còn khoảng 17.000 tỉ đồng, lãnh đạo Vinashin cho biết phấn đấu giải quyết trong quý 4, chậm nhất là quý 1-2014 để hoàn thành việc tái cơ cấu nợ trên 4 tỉ USD của Vinashin.

* Ngày 31-1-1996, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam được thành lập theo quyết định số 69 của Thủ tướng Chính phủ.

* Ngày 15-5-2006, Tập đoàn kinh tế Vinashin được thành lập theo quyết định số 103/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở tổng công ty, các đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Trong đó, công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - được thành lập trên cơ sở Văn phòng Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và các đơn vị phụ thuộc.

* Ngày 21-10-2013, Bộ GTVT chính thức thông cáo quyết định số 3287/QĐ-BGTVT về việc thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

H.Đ.

T.PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên