13/07/2005 10:20 GMT+7

Xử lý lao động ở nước ngoài bỏ trốn: Lẽ nào bất lực?

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Theo Sài Gòn Giải Phóng

Lao động đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn đang là nguy cơ nhãn tiền “xóa sổ” một số thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) hấp dẫn mà mất rất nhiều công sức Việt Nam mới mở được.

QYiMkysE.jpgPhóng to
Nhu cầu tìm việc trong và ngoài nước đều rất lớn.
Lao động đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn đang là nguy cơ nhãn tiền “xóa sổ” một số thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) hấp dẫn mà mất rất nhiều công sức Việt Nam mới mở được.

Trong suốt một thời gian dài, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để chấn chỉnh tình trạng này, nhưng cho đến thời điểm này, tình hình không có gì thay đổi, thậm chí ngày càng nhức nhối hơn mà điển hình là việc từ 1-7 vừa qua, Chính phủ Anh tuyên bố sẽ ngừng vĩnh viễn việc tiếp nhận lao động Việt Nam (thị trường Anh chỉ mới mở thí điểm gần 1 năm với 400 lao động đi nhưng đã có gần 100 lao động bỏ trốn). Cần làm gì để tháo gỡ tình trạng này?

Biện pháp xử lý: chưa đủ răn đe!

Ngày 20-1-2005, Đài Loan tuyên bố ngưng tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực giúp việc. Đó là hậu quả của việc lao động làm nghề này ở Đài Loan bỏ trốn quá nhiều: Việt Nam hiện có 95.000 lao động làm việc ở Đài Loan nhưng số người trốn lên đến gần 10.000 người.

Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), lao động đi làm việc ở Đài Loan chiếm trên 50% tổng số lao động xuất khẩu của Việt Nam ở tất cả các thị trường (năm 2004, lao động đi làm việc ở Đài Loan đạt 4,5 vạn người trong tổng số 7,5 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài). Vì vậy, việc Đài Loan dừng tiếp nhận lao động Việt Nam từ đầu năm nay đã ảnh hưởng nặng nề đến bình diện XKLĐ chung.

Tại thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp phải thu hẹp diện hoạt động, chuyển hướng kinh doanh ngành nghề khác. Ông Lê Quang Đạt, Giám đốc Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (SONA) cho biết, trước thời điểm Đài Loan ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam, mỗi tháng công ty đưa 200 - 300 lao động sang giúp việc ở Đài Loan, nhưng hiện nay chỉ đưa trên 20 lao động đi làm nghề công xưởng.

“Nếu tình hình này kéo dài, tôi phải cắt giảm hợp đồng lao động của 2/3 cán bộ, nhân viên của công ty”. Điều này được ông Nguyễn Xuân An, Tổng thư ký Hiệp hội XKLĐ Việt Nam (VAMAS) xác nhận: “Nhiều doanh nghiệp, cả một cỗ máy làm việc nhưng mỗi tháng chỉ đưa được vài lao động sang làm việc ở Đài Loan trong lĩnh vực công xưởng, lãng phí kinh khủng”.

Phía Đài Loan luôn có ý “mở” cho Việt Nam một cơ hội nếu giảm được tỷ lệ bỏ trốn. Tuy nhiên, suốt năm 2004, dù đã nỗ lực rất nhiều và với nhiều biện pháp khác nhau, nhưng Cục QLLĐNN vẫn không thể tạo được niềm tin cho phía Đài Loan, bởi đơn giản là số lao động bỏ trốn vẫn không ngừng gia tăng. Lý giải nguyên nhân này, kể cả Cục QLLĐNN và các doanh nghiệp đều thừa nhận là do chúng ta chưa có chế tài, hoặc đã có nhưng chưa đủ mạnh để răn đe người lao động.

“Nghị định 81 về XKLĐ đã quy định lao động bỏ trốn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi bỏ trốn; bị trục xuất; bị cấm đi làm việc ở nước ngoài trong 5 năm; bị đưa về địa phương cảnh cáo…”, ông Nguyễn Thanh Hòa cho hay. Nhưng những quy định này được ông Đạt “mổ xẻ”: Lao động chỉ cần đi XKLĐ một lần, vì vậy quy định cấm đi làm việc ở nước ngoài 5 năm không có giá trị; đa số người lao động thuộc diện nghèo đói vì vậy không thể buộc họ bồi thường về kinh tế.

Mỗi một doanh nghiệp đều có cho mình một “bộ luật” riêng về chống lao động bỏ trốn. Ví như Công ty SONA đã phải viện đến những giải pháp cực chẳng đã là buộc thân nhân người lao động ký cam kết bảo lãnh và có trách nhiệm bồi thường tài chính cho doanh nghiệp nếu lao động bỏ trốn; hoặc người lao động phải thế chấp sổ đỏ cho doanh nghiệp trước khi đi làm việc ở nước ngoài, coi như đó là một sự “đặt cọc”.

Tuy nhiên, theo ông Đạt, tất cả các biện pháp trên đây đều không mảy may tác động gì đối với người lao động. “Lao động đều là người nghèo, lấy gì ra mà đền bù. Sổ đỏ của họ thực tế cũng không có giá trị gì lắm. Nên hầu hết là chúng tôi phải tự chịu”, ông Đạt phân trần. Bởi vậy nên riêng với SONA, trong số trên 3.000 lao động đi làm nghề giúp việc ở Đài Loan thì có tới 10% bỏ trốn. Còn con số này ở nhiều doanh nghiệp khác thậm chí trên 20% đến 30%.

Biện pháp mạnh: Xử tù lao động bỏ trốn?

Theo Cục QLLĐNN, các thông tin về một đường dây chuyên tổ chức cho lao động bỏ trốn vừa được cục chuyển cho cơ quan chức năng điều tra.

Được biết, kẻ cầm đầu đường dây chuyên tổ chức cho lao động bỏ trốn này có nguồn gốc tại tỉnh Hải Dương, nơi có rất nhiều người đi XKLĐ ở các thị trường khác nhau. Đường dây này chuyên tổ chức cho lao động có âm mưu trốn ra ngoài ngay từ khi còn chưa xuất cảnh.

- Trong tháng 7 này, VAMAS sẽ ban hành mức phí môi giới thống nhất đối với lao động đi làm việc ở Đài Loan. Với mức môi giới phù hợp, VAMAS hy vọng sẽ giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn.

Tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ra ngoài cư trú bất hợp pháp ở ngoài nước luôn ở mức rất cao so với các nước XKLĐ trong khu vực. Cụ thể, tỷ lệ lao động Việt Nam trốn ở thị trường Nhật Bản là 30%-40%, ở Hàn Quốc là 25% -30%, ở Đài Loan trên 9%. Tuy nhiên, chính cục này cũng thừa nhận, con số thực tế còn cao hơn nhiều.

Năm 2003, trong khi tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ở Nhật Bản là 34,1% thì con số này của lao động Trung Quốc chỉ là 1,02%. “Doanh nghiệp chúng tôi khi đi tiếp xúc với các đối tác Nhật Bản để mở rộng thị trường, bao giờ họ cũng hỏi: lao động của các ông có thể so sánh như thế nào đối với lao động của Trung Quốc? Chỉ riêng về vấn đề bỏ trốn thôi, chúng ta đã không có cơ hội để mời gọi thêm các đối tác”, ông Nguyễn Xuân An, Tổng thư ký VAMAS nhấn mạnh.

Thực tế, theo ý kiến chung của nhiều doanh nghiệp XKLĐ: đối với lao động bỏ trốn, nếu sử dụng các chế tài về kinh tế là không thể được. Bởi lẽ, vì mục tiêu kinh tế (ra ngoài làm để có nhiều tiền) mà người lao động bỏ trốn. Vậy nên nếu chỉ bị phạt 20 triệu đồng (là mức phạt tối đa theo quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động) thì không hề có tác dụng. “Vì vậy, các doanh nghiệp chúng tôi đều thống nhất là cần phải dùng biện pháp tác động vào danh dự của người lao động”, ông Nguyễn Xuân An khẳng định.

Biện pháp “đánh” vào danh dự người lao động như lời ông An chính là việc xử tù người lao động. Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Cục trưởng Cục QLLĐNN, vấn đề này chính là nét mới của dự thảo “Nghị định quy định trách nhiệm của người lao động và của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài”. Thực chất, khi nghị định này ra đời sẽ có sự tiếp nối giữa xử phạt vi phạm hành chính với xử lý hình sự.

“Chúng tôi sẽ kiên quyết đưa ra tòa hình sự nhiều vụ lao động bỏ trốn để răn đe”, ông Hòa nói. Dự thảo nghị định lần này ngoài việc phạt cảnh cáo và phạt tiền, sẽ quy định hình thức buộc về nước đối với những người bỏ trốn, nếu gây hậu quả nghiêm trọng phải ra tòa hình sự. Ngoài ra, bất cứ lao động nào bỏ trốn nếu bị phát hiện thì người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài sẽ có quyền trục xuất về nước (hiện nay là do cảnh sát nước sở tại trục xuất).

Ngoài ra, Cục trưởng Cục QLLĐNN cũng được trao quyền xử phạt đến 20 triệu đồng đối với vi phạm của doanh nghiệp trong việc để lao động bỏ trốn. Đây cũng là điều mà dư luận đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải “mạnh tay” hơn đối với các doanh nghiệp làm ăn thiếu trách nhiệm.

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên