![]() |
Trên toàn bộ tấm lưng của con rùa đá này đã dày đặc các dòng chữ cũ mới chạm khắc chằng chịt |
Càng xót xa hơn nữa khi tác giả lại chính là một số người trong dòng du khách gần xa vì ngưỡng vọng ngôi cổ tự mà tìm đến!
Không rõ những người muốn lưu danh thiên cổ này đã dùng dụng cụ gì mà vết chạm in hằn cả vào đá, khó cách gì tẩy xóa được.
Trên quả chuông chùa Thiên Mụ nổi tiếng (nặng gần 3 tấn) với tuổi thọ đã hàng trăm năm là vô số những hình vẽ loạn xạ, nằm chung với những dấu tích cũ là những dòng chữ mới đầy đủ họ tên được khắc vẽ cách đây không lâu.
Xin được ghi lại một vài dòng chữ còn khá mới: Nguyễn Văn Hòa - SN 17.7.76 - Vinh Hiền - Phú Lộc - Thừa Thiên Huế - ĐT: 872038, Nguyễn Văn Quí, 12 A1 Phú Đa, N.V.H. - HTho - HTiến - Nam Đàn- Nghệ An - 7-2003; cả du khách nước ngoài cũng muốn tham gia: Mychy Morano 2002; thậm chí cả những Phật tử đến chiêm bái cũng thích lưu danh lại: “Đệ tử Nguyễn Hồ Hiệp Đức 18.9.75, pháp danh: Nguyễn Đạo”...
Đối xứng với quả chuông qua tháp Phước Duyên bảy tầng là nhà bia chùa Thiên Mụ cũng chịu số phận tương tự. Con rùa đá oằn lưng cõng tấm bia khổng lồ hẳn cũng không vất vả bằng sức nặng của những dòng chữ vô ý thức mà người ta đã chạm lên mình nó. Có thể nói là không còn chỗ nào trên lưng rùa không có những dòng chữ lưu niệm. Vì hết chỗ nên những dòng chữ mới phải đè lên chữ cũ để khắc.
![]() |
Chỉ đứng trong nhà bia một lúc mà tôi đã chứng kiến biết bao lời giải thích hết sức khó nhọc của những hướng dẫn viên du lịch về “ý nghĩa” những dòng chữ này cho du khách nước ngoài. Một hướng dẫn viên du lịch bảo: “Phải cố mà giải thích sao cho khéo để giữ thể diện quốc gia”.
Từ chùa Thiên Mụ ngược lên chừng hơn 1km là di tích Văn Thánh - nơi đặt các bia đá lưu danh các vị khoa bảng ngày xưa xem ra “hẩm hiu” không kém. Bên cạnh những tấm bia ghi danh các bậc hiền tài triều Nguyễn phai mòn bởi thời gian, là hai nhà bia bị người ta lấy làm nơi nằm ngồi, nghỉ ngơi và mặc sức khắc vẽ khiến di tích vốn dĩ đã ít du khách tới tham quan lại càng hoang phế, quạnh hiu hơn.
Chúng tôi đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Văn Thắng, quyền chánh thanh tra Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế , thì được ông cho biết các văn bản pháp qui cấm các hình thức xâm hại đến di tích, trong đó có hành vi viết, vẽ bậy đã có ghi rõ, nhưng do chưa được xử lý nghiêm nên người ta chưa sợ.
Còn theo ông Hồ Đăng Nhân, nhân viên bảo vệ cụm di tích Thiên Mụ - Văn Thánh, thì do lực lượng mỏng, địa bàn rộng nên không thể giám sát hết mọi hành vi của những người vào xem di tích.
Thiết nghĩ đã đến lúc các ban ngành chức năng cần có thái độ cương quyết đối với hành vi phá hoại di sản văn hóa này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận