10/07/2006 02:13 GMT+7

Xin hãy để yên bóng đá!

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Một bàn thắng hợp lệ của Ayala (Argentina) vào lưới Bờ Biển Ngà đã bị từ chối. Tiếp đến, cú sút của Vieira đã đi qua vạch vôi ngang khung thành Hàn Quốc cũng bị trọng tài lắc đầu.

qJMOY7sv.jpgPhóng to
Người Úc sẽ không bao giờ quên được đêm 26-6-2006, khi họ bị Ý loại vì một cú ngã đẹp của Grosso!
TT - Một bàn thắng hợp lệ của Ayala (Argentina) vào lưới Bờ Biển Ngà đã bị từ chối. Tiếp đến, cú sút của Vieira đã đi qua vạch vôi ngang khung thành Hàn Quốc cũng bị trọng tài lắc đầu.

Nhưng đau nhất là đội Úc khi cú ngã đẹp của Grosso đã được truyền hình quay đi quay lại nhiều lần mà vẫn không thấy hậu vệ xứ kangaroo phạm lỗi, nhưng trọng tài đã chỉ tay vào chấm phạt đền và Totti đã tiễn đoàn quân ông Hiddink về nước...

Sau những sai lầm của trọng tài dẫn đến những sai lệch về kết quả trận đấu, cả thế giới ầm ầm phản đối FIFA, đòi hỏi phải có những sự thay đổi để bóng đá công bằng hơn. Đại để, quả bóng phải có gắn con chip điện tử để khi nó vượt qua vạch vôi ngang khung thành thì lập tức được ghi nhận.

Hay có ý kiến sau mỗi pha bóng tranh cãi, màn hình sẽ quay chậm lại để xác định trọng tài đúng hay không đúng. Và thậm chí, chủ tịch FIFA không thoát khỏi sức ép đã đưa ra một kế hoạch lạ lùng: tương lai, mỗi trận đấu bóng đá sẽ có hai trọng tài chính!

Nếu tất cả những điều đó được áp dụng, bóng đá trở thành món gì? Nó sẽ y như bóng rổ vậy! Người Mỹ yêu thích bóng rổ vì luật lệ của môn này rất chặt chẽ, nhưng trên thế giới bóng rổ đứng phía sau bóng đá rất xa về sự yêu thích. Đơn giản bởi trận đấu bị xé nát vụn...

Chuyện bất công trong bóng đá thật ra chẳng phải đợi đến World Cup 2006 mới có, mà nó là vấn đề thuộc vào loại "biết rồi, khổ lắm, nói mãi!".

Hãy nhớ lại năm 1990, cú ngã đẹp của Klinsmann dẫn đến quả phạt đền giúp đội Đức hạ Argentina trong trận chung kết, giờ đây chẳng đã được chính những người chiến thắng thừa nhận là món quà trên trời rơi xuống đó sao?

World Cup kỳ nào cũng thế, luôn có những quyết định đem lại sự bất công, khiến các nạn nhân đau đớn đến tột cùng và cả thế giới bóng đá giận dữ. Có điều thời gian rồi cũng xóa nhòa tất cả, chẳng mấy ai chết vì chuyện đó, mà nó chỉ làm cho bóng đá thêm phần hấp dẫn mà thôi!

Tôi nhớ năm 1982, một đội Pháp vừa hay vừa đẹp đã bị một đội Đức không mấy ai ưa "hạ sát" ngay tại bán kết vì những quả sút luân lưu oan nghiệt.

Sau nỗi đau với Pháp năm ấy, luật "bàn thắng vàng" ra đời. Nhưng rồi nó cũng có những cái dở riêng, cũng đem đến những nỗi đau trần thế không thua gì sút luân lưu, và giờ đây FIFA đành quay lại với lối chơi cũ.

Chẳng phải là người bảo thủ không ưa thích những sự đổi mới, nhưng tôi cho rằng những đổi mới về luật việt vị nhằm khuyến khích bóng đá tấn công là hợp lý; chứ đổi mới theo kiểu thêm hai trọng tài, áp dụng các phương tiện kỹ thuật một cách thái quá vào công tác trọng tài thì chúng ta sẽ giết chết bóng đá. Bởi bóng đá khi ấy sẽ giống bóng rổ, giống quần vợt...

Nó sẽ không đem lại được cho con người những nỗi đau tột cùng như kiểu người Úc mắc phải hôm thua Ý ở vòng 1/16. Và như thế, bóng đá mới thật sự là cuộc đời, là có va vấp, có té ngã để có đứng lên.

Vì vậy, xin hãy để yên bóng đá, đừng làm nó lẫn vào chung với vô số môn thể thao khác...

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên