Theo người nhà, cách đây ba ngày bà bị đau lưng nhưng vì ngại đi khám bác sĩ nên đã mượn hàng xóm đơn thuốc đau thần kinh tọa do một ông giáo sư tu nghiệp ở bên Tây về kê. Uống thuốc theo toa này bà thấy đỡ đau lưng nhưng đến ngày thứ ba thì bà bị đau bụng và ói ra máu. Bà N. có tiền sử loét dạ dày.
![]() |
Đây là tình huống ghi nhận tại phòng cấp cứu của một bệnh viện lớn ở TP.HCM.
Hiện tượng mượn đơn thuốc của người khác để chữa cho mình không phải là hiếm. Những người đã chữa khỏi thì nhiệt tình chia sẻ với người có bệnh, còn người mượn thì tin tưởng rằng thuốc chữa lành cho người thì cũng chữa hết cho mình. Thực tế không phải vậy, việc “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia” thường có hại, đôi khi rất hại.
Bất cứ loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ, có thể ở bệnh nhân này tác dụng phụ không đáng kể hoặc rất ít nhưng ở bệnh nhân kia thì nhiều và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trong tình huống trên, bà N. bị xuất huyết bao tử vì tác dụng phụ của thuốc giảm đau sử dụng để điều trị viêm thần kinh tọa, trong khi hàng xóm của bà không có tác dụng phụ này.
Dị ứng thuốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi dùng thuốc, một thuốc bình thường với người này nhưng có thể gây dị ứng cho người khác. Hậu quả của dị ứng thuốc rất đa dạng, từ nhẹ như nổi mẩn ngứa, đỏ da toàn thân... đến nặng và rất nặng dẫn đến tử vong nhanh như hội chứng hồng ban đa dạng có bọng nước, hội chứng hoại tử tiêu thượng bì nhiễm độc.
Có những loại thuốc uống vào làm bệnh nặng thêm. Ví dụ, những thuốc chống động kinh có thể làm nặng thêm tình trạng xuất huyết do giảm tiểu cầu, thuốc chống trầm cảm có khi làm xấu đi tình trạng vận động của bệnh nhân Parkinson, các thuốc kháng viêm có thể làm nặng thêm tình trạng cao huyết áp...
Tạo ra những tương tác tương kỵ với những thuốc đang sử dụng theo kiểu làm giảm tác dụng của nhau, hoặc tăng tác dụng của nhau, hoặc tạo ra những phức hợp lạ có hại cho cơ thể.
Nói tóm lại, những thuốc chữa khỏi bệnh cho người này nhưng lại gây hại cho người khác, thậm chí có thể gây tử vong. Do vậy, chỉ dùng thuốc theo toa của bác sĩ, tuyệt đối không nên mượn đơn thuốc của người khác để điều trị cho mình. Vì sức khỏe của bản thân, xin đừng hà tiện mà có khi đánh mất tính mạng của mình.
Lá thư bác sĩ Lời tòa soạn Kể từ số báo này, trên trang Sức khỏe của TTCT sẽ có một “Lá thư bác sĩ”. Trong mỗi lá thư, các bác sĩ hoặc sẽ tư vấn cho bạn đọc về cách điều trị bệnh và bảo vệ sức khỏe, hoặc thông tin kiến thức y học, hoặc sẽ là lời kể về kinh nghiệm của các bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh. Bạn đọc viết thư cho bác sĩ, xin gửi đến mục “Lá thư bác sĩ”, tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn. Với sự cộng tác thường xuyên của: * BS Tăng Hà Nam Anh, chuyên khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương * PGS.TS Nguyễn Thị Bay, trưởng khoa y học cổ truyền Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM * BS Trần Hoài Nhân, bác sĩ đa khoa * GS Nguyễn Văn Tuấn, chuyên nghiên cứu về loãng xương và di truyền học - Viện Nghiên cứu y khoa Garvan (Úc) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận