Bài dự thi Giải thưởng “Tự hào sử Việt”
Xin cảm ơn Cha Rồng - Mẹ Tiên
“Đồng bào”, đó là sự kết tinh của một tinh thần dân tộc đã bền bỉ suốt hàng trăm năm, bảo vệ lấy ngôn ngữ của dân tộc trước sự đồng hóa của kẻ thù, là sự nhắc nhở về cội nguồn của dân tộc đối với mỗi người con Việt, về dòng máu Tiên Rồng đang từng ngày chảy trong huyết quản.
![]() |
Cuộc thi hoa hậu các dân tộc Việt Nam - Ảnh: TTO |
“Đồng bào” bắt đầu từ khi Lạc Long Quân gặp Âu Cơ, một người ở nơi biển Đông rộng lớn, một người đến từ vùng núi cao. Hai người gặp nhau, vì cảm phục nhau mà thành vợ thành chồng. Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, rồi trăm trứng ấy nở thành trăm người con.
Nêu hiểu biết và cảm xúc về hai tiếng “đồng bào” (câu 2 - Kỳ 1, giai đoạn I) |
Hai tiếng “đồng bào” giờ đây không chỉ gói gọn trong lãnh thổ Việt Nam mà đã đến với mọi nơi trên thế giới. Cho dù ở đâu, cộng đồng người Việt cũng được bè bạn quốc tế đánh giá cao về tinh thần học hỏi sáng tạo cũng như luôn tìm cách để giữ gìn ngôn ngữ của dân tộc. Và cho dù có ở đâu, người Việt cũng đều nhớ đến cội nguồn của dân tộc, phải chăng cũng một phần từ hai tiếng “đồng bào”?
Mỗi người đều có quyền cảm nhận từ “đồng bào” theo những cách riêng. “Đồng bào” với tôi là tình yêu thương, sự sẻ chia giữa những người sống xung quanh mình, là sự cố gắng qua mỗi ngày để đạt được những thành công mới, để cảm thấy mình sống có ích. Nhà văn Nga I – li – a Ê – ren – bua đã từng viết “Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông… Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.
Tình yêu đất nước, cội nguồn bắt đầu từ tình yêu đối với những người xung quanh, những người gần gũi với bản thân. Từ đó, chúng ta mới biết yêu những người dân trên khắp đất nước Việt Nam này, cùng sẻ chia những khó khăn mỗi khi ở đâu có thiên tai thảm hoạ, có những biến động lớn xảy ra. Nhưng tình yêu quê hương, đất nước không thể chỉ là lời nói suông mà còn cần cả những hành động cụ thể. Mỗi hành động, mỗi việc làm có ích để góp xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, phải chăng cũng chính là một hành động của lòng yêu nước? …
… Có người nói hai chữ “đồng bào” có nguồn gốc từ Trung Hoa cổ đại có lẽ cũng không sai. Nhưng suy cho cùng thì hai chữ “đồng bào” của chúng ta có nội hàm rộng hơn và ý nghĩa lớn hơn.
Hai chữ “đồng bào” của người Trung Quốc được hiểu theo nghĩa đen, đó là “cùng một bào thai”, tức là chỉ những người cùng một mẹ sinh ra. Còn hai chữ “đồng bào” của Việt Nam ta có nội hàm rất rộng. Trước hết đó là xác định rằng mọi người, hễ ai thuộc dân tộc Việt Nam đều có chung một nguồn, một cội, một tổ tiên, không chỉ riêng người Kinh mà cả người của các dân tộc. Nó thể hiện sự yêu thương, đùm bọc, đoàn kết, giúp đỡ nhau của tất cả các dân tộc sống trên dãy đất Việt Nam từ Nam chí Bắc, từ đồng bằng đến miền núi trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Và ngày nay, thêm cả những người Việt Nam đang định cư, công tác hoặc học tập ở nước ngoài dù đang mang quốc tịch nước nào.
Lúc sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta rất nhiều lần dùng hai chữ “đồng bào” với hàm nghĩa thiết tha yêu mến nhân dân, từ bài “Kính cáo đồng bào” ký tên Nguyễn Ái Quốc viết ngày 6-6-1941 ngay sau khi Bác Hồ mới trở về nước lãnh đạo cách mạng cho đến khi là Chủ tịch Hồ Chí Minh, câu đầu tiên Ngưới nói trước quốc dân đồng bào và gây tình cảm lắng đọng sâu xa chính là câu nói: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Bằng sự thiêng liêng của hai tiếng “đồng bào”, Bác đã hiệu triệu cả dân tộc Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và đưa con thuyền cách mạng Việt Nam luôn tiến về phía trước.
Thế hệ trẻ hôm nay được sinh ra và lớn lên từ trong hòa bình, ấm no càng trân trọng và nâng niu hơn về tình yêu dân tộc, nghĩa đồng bào. Mỗi mùa hè đến là một mùa tình nguyện của tuổi trẻ cả nước đến với đồng bào vùng khó khăn trên mọi nẻo đường, mỗi khi đất nước có người gặp nạn là tất cả đều sẻ chia, cộng đồng trách nhiệm. Đó là minh chứng của tình yêu đồng bào… thôi thúc, nhắc nhở chúng ta phải tiếp tục xứng đáng sự nghiệp của người đi trước, nhắc ta về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Xin cảm ơn Cha Rồng - Mẹ Tiên đã cho muôn đời con cháu người Việt chúng ta hai tiếng “đồng bào”. “Đồng bào” là nền tảng của tình đoàn kết dân tộc, là sức mạnh vô địch của người Việt Nam. Tự hào thay chỉ có người Việt Nam ta dù khác cha mẹ, khác họ hàng vẫn có quyền gọi nhau bằng hai tiếng thân thương: “Đồng bào”.
Tất cả mọi người hãy quí trọng và giữ gìn hai tiếng “đồng bào” mãi cho muôn năm người Việt…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận