Rốt cuộc, cái đen - đủi của vụ án thể thao đã ám đến tận năm 2006! Lòng người đau xót, không chỉ vì vụ bán độ, mà sâu xa hơn, từ "thể thao" trong tất cả các ngôn ngữ đều hàm nghĩa cao thượng.
Thuở nhỏ đi học, ai được khen xì-po thì không chỉ có nghĩa người đó là một “anh chàng Vọi” mà đó là một người cao thượng. Xì-po, sport, thể thao, ý nghĩa là như thế và phải là như thế, bao hàm cả ý fair play. Không ai nghĩ rằng thể thao là một cái gì khác hơn. Chẳng cần phải trưng tấm bảng fair play để nhắc nhở nhau!
Ngay cả trong những môn đối kháng, như quyền Anh chẳng hạn, cũng không đánh xấu dưới thắt lưng, trên sàn đánh tơi tả, mãn trận cũng ôm choàng lấy nhau. Cú cắn tai đối thủ của Mike Tyson đã xóa sạch những tước hiệu vô địch thế giới trước đó của anh ta bởi vì đó là một hành vi phản thể thao.
Người Hi Lap cổ đại, cha đẻ của những hội thi Olympic đầu tiên, đã đề ra phương châm "Νους υγιής εν σώματι υγιή", người La Mã sau này chép lại thành "Animus Sani in Corpus Sani" - một tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể khỏe mạnh. Một thân thể có tráng kiện, vạm vỡ như đại anh hùng Hercules chưa phải là hoàn hảo, mà còn phải đạt đến một Νους υγιής một Animus Sani, tức một tâm hồn lành mạnh. Phải hội đủ cả hai vế mới là xì-po.
Cái bi kịch đang “ám” không chỉ làng thể thao VN trong thời gian qua mà “ám” cả xã hội, chính là ở chỗ người ta chỉ quan niệm “làm thể thao”, mà quên cái yếu tính tinh thần thể thao. Người ta đã chỉ “làm thể thao” chứ không màng suy nghĩ: làm như thế có thể thao, có xì-po hay không?
Tỉ như tính toán: đưa các em có năng khiếu đi học vội môn này môn kia, đi tập huấn chỗ này, chỗ nọ để lấy huy chương chứ không màng nghĩ đến học cái đạo của môn thể thao ấy. Võ, bóng đá, điền kinh, quần vợt... gì gì đi nữa, cái gốc vẫn là chữ đạo. Chính vì họ chỉ nghĩ “làm thể thao” mà thôi nên mỗi dịp SEA Games chẳng hạn là một dịp ban phát/ chia chác/ xin xỏ các suất đi SEA Games từ ngân sách. Một người thể thao chân chính không bao giờ chia chác/ xin xỏ như thế. Trò này chỉ có ở nước này và vài nước “cùng hệ”.
Cái bi kịch còn ở chỗ người lớn hay đổ thừa rằng ”thằng A, thằng B, khi nhỏ nhà nghèo, ít học, lớn lên, thành “sao”, không biết sống có văn hóa, sống như một vận động viên chuyên nghiệp...”. Nghèo, ít học không phải là cái tội. Tội ở nơi những ai đó đã chỉ đúc trong đầu các vận động viên ý nghĩ ”luyện tập, thành tích cao = tiền” mà không hề hun đúc “xì-po” là gì?
Nếu hiểu được rằng hai chữ thể thao có ý nghĩa cao dày dường nào, cũng khả kính (thiêng liêng) như các chữ tổ quốc, gia đình, danh dự… Khi được hun đúc tinh thần đó, sẽ không có gì mua/ bán nổi. Và lúc đó, với họ, cái đáng sợ nhất là bị mang tiếng “phi thể thao”...
NGHĨ là một mục mới của TTO. Và NGHĨ đang chờ đợi những tư tưởng, trăn trở, cảm xúc của quí bạn đọc. Giữa những tin tức nóng bỏng, giữa cuộc sống bộn bề, ai cũng có những phút lặng, những khoảng lặng để suy ngẫm, chiêm nghiệm, để cho những thương yêu, giận ghét trong mình trào lên rồi lặng xuống. Làm sao để cuộc sống quanh ta tốt đẹp hơn, làm sao để những điều trái tai gai mắt dần triệt tiêu, làm sao để mỗi con người đều xứng đáng với điều kỳ diệu của sự sống mà mình đã được hưởng? Xin hãy gửi đến cho chúng tôi (tto@tuoitre.com.vn) những ý tưởng, tâm tư của bạn. Mỗi suy nghĩ của bạn là rất quí với chúng tôi, và rất quí với cuộc đời này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận