![]() |
Các bị cáo nguyên là cán bộ quản lý chủ chốt của Công ty Điện lực TP.HCM trong phiên tòa xét xử vụ án điện kế điện tử giả - Ảnh: T.T.D. |
Sau khi tiến hành các thủ tục khai mạc phiên tòa, đại diện VKSND TP.HCM (được VKSND tối cao ủy quyền) đã tiến hành công bố bản cáo trạng. Nhóm bị cáo bị truy tố tội cố ý làm trái gồm: Lê Minh Hoàng (nguyên giám đốc Công ty Điện lực TP), Lê Văn Hoành (nguyên phó giám đốc), Phạm Kim Hưng (nguyên trưởng phòng tài chính kế toán), Thiều Túc (phó giám đốc Trung tâm thí nghiệm điện) và tám bị cáo nguyên là cán bộ phòng kinh doanh, vật tư, kỹ thuật, hợp tác quốc tế và xuất nhập khẩu... Năm bị cáo thuộc Công ty Linkton Vina bị truy tố về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả”.
Có 17 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Đại diện của Tập đoàn Điện lực VN (EVN), Công ty Điện lực TP.HCM, đại diện của Công ty Linkton Singapore và Linkton Vina cùng nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác đều có mặt theo giấy triệu tập của tòa. Hai giám định viên thuộc Hội đồng giám định tư pháp Bộ Công thương cũng tham dự phiên tòa để trả lời thẩm vấn về công việc giám định đối với số điện kế điện tử giả và việc xác định thiệt hại của vụ án này.
Mua 312.000 điện kế
điện tử giả
Theo cáo trạng, từ năm 2004-2005 ngành điện TP.HCM lên kế hoạch thay hàng loạt điện kế cơ bằng điện kế điện tử và đã có hàng loạt khiếu nại của khách hàng về chất lượng điện kế do đo đếm không chính xác. Sau khi dư luận lên tiếng nhiều về điện kế điện tử “có vấn đề”, cơ quan điều tra đã vào cuộc và phát hiện hàng loạt sai phạm trong quá trình đấu thầu, mua sắm điện kế điện tử tại Điện lực TP.HCM. Tháng 8-2005, Cơ quan cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố vụ án và lần lượt khởi tố bị can đối với 19 bị can (hiện hai bị can Wong Justin và Wong Ka Ho, nguyên tổng giám đốc và phó tổng giám đốc Công ty Linkton Vina, đã bỏ trốn nên đang tạm đình chỉ điều tra).
Kết quả điều tra đã xác định được giám đốc, phó giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM và các cấp dưới cấu kết với nhau cố tình làm trái các quy định về đấu thầu, ký hợp đồng và đưa vào sử dụng 312.000 điện kế điện tử giả, không đủ điều kiện sử dụng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (trị giá 14 hợp đồng mua 312.000 điện kế giả là 181 tỉ đồng). Theo kế hoạch đã được EVN phê duyệt, Điện lực TP.HCM được phép đấu thầu mua 40.000 điện kế điện tử với giá 340.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của ông Lê Minh Hoàng, Điện lực TP đã tự ý nâng giá đấu thầu lên 580.000 đồng/chiếc và tổ chức cho đấu thầu mua 10.000 chiếc. Dù Linkton Singapore không đủ năng lực, không đáp ứng điều kiện hồ sơ mời thầu nhưng vẫn được giám đốc Lê Minh Hoàng ký quyết định cho nhận thầu. Trong hợp đồng ký kết giữa hai bên là mua điện kế sản xuất tại Singapore nhưng Điện lực TP vẫn chấp nhận các điều kiện giao hàng, thanh toán như đối với hàng trong nước.
Dù chỉ đấu thầu 10.000 chiếc nhưng thực tế Điện lực TP lại mua tới 312.000 điện kế của Linkton. Kết quả điều tra cũng xác định toàn bộ lô hàng 312.000 điện kế này là hàng sản xuất tại VN do Công ty Linkton Vina (công ty con của Linkton Singapore) thực hiện, nhưng trên điện kế vẫn gắn nhãn xuất xứ từ Singapore.
Thiệt hại bao nhiêu?
Theo cáo trạng, đã có đủ cơ sở kết luận các bị cáo Lê Minh Hoàng, Lê Văn Hoành và cấp dưới cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, giá trị thiệt hại vật chất cụ thể do các bị cáo gây ra đối với Nhà nước và Công ty Điện lực TP.HCM là bao nhiêu lại chưa rõ. Trong lần kết luận điều tra đầu tiên vào tháng 8-2006, cơ quan điều tra xác định thiệt hại do hành vi cố ý làm trái của các bị cáo là tổng số tiền mà Điện lực TP.HCM bỏ ra để mua 312.000 điện kế giả. Nhận được kết luận này, VKSND tối cao đã hai lần yêu cầu điều tra bổ sung các chứng cứ xác định hành vi sai phạm và thiệt hại trong vụ án. Sau khi điều tra bổ sung, tháng 9-2007 VKSND tối cao đã ra cáo trạng truy tố 17 bị can, xác định thiệt hại của vụ án do hành vi cố ý làm trái vẫn là 181 tỉ đồng.
Thế nhưng khi tiếp nhận hồ sơ, tháng 1-2008 TAND TP.HCM hoàn trả hồ sơ đề nghị xác định lại thiệt hại của vụ án. Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định của Hội đồng giám định tư pháp Bộ Công thương để làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có nội dung quan trọng là xác định chênh lệch giữa giá mua điện kế điện tử sản xuất tại Singapore với giá mua điện kế sản xuất tại VN là bao nhiêu. Tuy nhiên, hội đồng giám định cho rằng không thể kết luận về nội dung này vì tài liệu được cung cấp không đầy đủ. Trong quá trình điều tra, Bộ Công thương (lúc đó là Bộ Công nghiệp) có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa chữa, khắc phục lô hàng điện kế điện tử mà Công ty Điện lực TP đã mua để sử dụng lại, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề xuất này và cơ quan điều tra đã quyết định giao toàn bộ lô tang vật của vụ án là số điện kế điện tử giả cho Bộ Công nghiệp.
Theo phương án của Bộ Công nghiệp đưa ra, việc khắc phục khiếm khuyết của lô điện kế này bao gồm: thay đổi nhãn mác, nắp hộp đấu dây chì. Kết quả giám định của Hội đồng giám định cho rằng tổng chi phí cho việc khắc phục, sửa chữa để có thể đưa lô điện kế trên vào sử dụng khoảng 8,1 tỉ đồng. Cáo trạng của VKSND tối cao công bố tại phiên tòa đã xác định thiệt hại của vụ án cố ý làm trái do nhóm bị cáo thuộc Công ty Điện lực TP gây ra chỉ là khoản chi phí 8,1 tỉ đồng trên.
Hôm nay, hội đồng xét xử bắt đầu đi vào phần thẩm vấn. Dự kiến phiên tòa diễn ra trong 10 ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận