13/02/2008 08:06 GMT+7

Xét nghiệm sai: Người bệnh dài cổ chờ khắc phục!

 LÊ THANH HÀ  thực hiện
 LÊ THANH HÀ  thực hiện

TT - Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm TP.HCM thực hiện một cuộc kiểm tra chất lượng xét nghiệm sinh hóa tại 50 phòng xét nghiệm, thì đã có đến 41 phòng có kết quả vượt ra ngoài sai số cho phép. Chuyện xét nghiệm sai là tai họa cho người bệnh, cho bác sĩ và là vấn nạn của ngành y tế VN.

qtG8f8qw.jpgPhóng to
Xét nghiệm máu bằng hệ thống xét nghiệm tự động sinh hóa - miễn dịch Cobas-6000 của Hãng Roche được chuẩn hóa quốc tế theo tiêu chuẩn ISO 9100 vừa được trang bị tại Trung tâm y khoa Medic, nơi được đánh giá uy tín nhất hiện nay
TT - Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm TP.HCM thực hiện một cuộc kiểm tra chất lượng xét nghiệm sinh hóa tại 50 phòng xét nghiệm, thì đã có đến 41 phòng có kết quả vượt ra ngoài sai số cho phép. Chuyện xét nghiệm sai là tai họa cho người bệnh, cho bác sĩ và là vấn nạn của ngành y tế VN.

Dược sĩ TRẦN HỮU TÂM (ảnh) - giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm TP.HCM - cho biết: TP hiện có 249 khoa xét nghiệm tại bệnh viện và phòng xét nghiệm tư nhân.

Trung tâm đã thực hiện ngoại kiểm tra chất lượng xét nghiệm sinh hóa tại 50 phòng xét nghiệm, thì 41 phòng (82%) có kết quả vượt ra ngoài sai số cho phép.

Dược sĩ Trần Hữu Tâm giải thích: tuy nhiên phải hiểu cho đúng về con số 82% này. Vì không phải tất cả xét nghiệm thực hiện tại các phòng xét nghiệm nêu trên đều vượt ngoài sai số cho phép, mà chỉ cần một xét nghiệm ra ngoài khoảng cho phép là chúng tôi đã xếp vào nhóm lệch kết quả.

* Vì sao kết quả xét nghiệm lại vượt sai số cho phép? Người bệnh bị ảnh hưởng thế nào bởi những kết quả sai đó?

JkrWbhXW.jpgPhóng to
Ảnh: L.TH.H
- Qui trình xét nghiệm được chia thành ba giai đoạn: trước, trong và sau xét nghiệm. Chỉ cần sai sót của một khâu ở một trong các giai đoạn trên là có thể gây sai số. Có rất nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng kết quả xét nghiệm, như việc lấy mẫu bệnh phẩm, máy móc xét nghiệm, hóa chất, thuốc thử, thao tác của các kỹ thuật viên, ghi chép kết quả…Tuy nhiên, theo thống kê của các chuyên gia, sai số nhiều nhất (khoảng 68%) là ở giai đoạn trước xét nghiệm (lấy mẫu bệnh phẩm, bảo quản bệnh phẩm…) và sau xét nghiệm (ghi chép, trả kết quả cho bệnh nhân...).

Nếu kết quả xét nghiệm không chính xác sẽ dẫn đến việc bệnh nhân bị chẩn đoán bệnh sai, còn bác sĩ ra quyết định điều trị không đúng. Điều này chắc chắn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân mà còn làm mất uy tín của bác sĩ và bệnh viện.

* Có biện pháp nào để giảm thiểu các sai số của phòng xét nghiệm không?

s1In9mhf.jpgPhóng to
Thực hiện xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: L.TH.H.
- Muốn giảm thiểu sai số phải chuẩn hóa tất cả các khâu trong công tác xét nghiệm. Kể cả những khâu đơn giản nhất nhưng có thể gây ra sai lầm lớn nhất, như ghi họ tên bệnh nhân để phân biệt mẫu bệnh phẩm. Dù máy móc có chính xác đến mấy, nếu ghi không đầy đủ thông tin cũng có thể dẫn đến nhầm lẫn kết quả. Để giảm thiểu sai số, chúng tôi đã dự thảo và trình Sở Y tế TP.HCM để ban hành bộ tiêu chuẩn về đảm bảo chất lượng trong xét nghiệm, tạm thời áp dụng cho các phòng xét nghiệm tại TP.

Các phòng xét nghiệm cũng phải quan tâm hơn việc định kỳ bảo trì máy móc, thiết bị; thực hiện công tác nội kiểm tra và ngoại kiểm tra chất lượng để phát hiện, tìm ra nguyên nhân và khắc phục sai số. Đối với bệnh nhân, phải trả lời chính xác họ tên, năm sinh, giới tính và thông báo đúng tình trạng bệnh của mình khi được cán bộ y tế hỏi; nghe thật kỹ thông tin của mình khi được gọi vào xét nghiệm để tránh nhầm lẫn.

* Ông có thể cho biết vì sao các bệnh viện không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau? Điều này gây tốn kém rất nhiều cho bệnh nhân và gây lãng phí cho Nhà nước?

- Việc bệnh viện sau không chấp nhận kết quả xét nghiệm của bệnh viện trước như hiện nay có nhiều nguyên nhân. Về khách quan, phải cho bệnh nhân làm xét nghiệm lại vì thời gian làm xét nghiệm trước có thể quá lâu, không còn giá trị chẩn đoán hoặc có những xét nghiệm thay đổi theo từng thời điểm trong ngày... Nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan là do công tác đảm bảo chất lượng xét nghiệm tại các bệnh viện chưa được quan tâm đúng mức. Cụ thể, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có qui chế chính thức về việc phải thực hiện công tác nội kiểm, ngoại kiểm, chuẩn hóa con người, định kỳ bảo trì máy móc xét nghiệm... tại bệnh viện. Do đó, việc thực hiện đảm bảo chất lượng và kiểm soát chất lượng tại các bệnh viện còn mang tính tự phát, chưa thành qui định bắt buộc.

Trung tâm không xét nghiệm

Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm TP.HCM không có nhiệm vụ làm xét nghiệm, mà chỉ có nhiệm vụ triển khai các chính sách về đảm bảo chất lượng xét nghiệm và kiểm tra việc tuân thủ các chính sách này tại bệnh viện. Song song với việc kiểm tra trên hồ sơ và thực tế tại phòng xét nghiệm, trung tâm sẽ tiến hành công tác ngoại kiểm tra. Nếu phòng xét nghiệm nào có kết quả vượt quá khoảng sai số cho phép, chúng tôi sẽ cảnh báo để họ tìm ra nguyên nhân và khắc phục. Đồng thời tham mưu cho Sở Y tế trong việc xử lý những phòng xét nghiệm không tuân thủ nguyên tắc về đảm bảo chất lượng xét nghiệm.

Ngoài ra, từ trước đến nay vẫn chưa có một cơ quan làm nhiệm vụ trung gian để kiểm tra và công nhận việc tuân thủ các nguyên tắc trong đảm bảo chất lượng xét nghiệm tại bệnh viện. Điều đó dẫn đến tình trạng bệnh viện nào làm xét nghiệm thì bệnh viện đó tin, còn bệnh viện khác làm thì không tin.

* Bao giờ khắc phục được những nguyên nhân chủ quan vừa nói, thưa ông?

- Cũng như nhiều nước khác, phần lớn nguyên nhân gây ra các sai số trong xét nghiệm là do con người. Vì vậy trung tâm chúng tôi được Sở Y tế TP giao nhiệm vụ xây dựng lộ trình để các đơn vị thực hiện việc đảm bảo chất lượng xét nghiệm.

Sắp tới chúng tôi sẽ mở thêm nhiều khóa tập huấn cho các phòng xét nghiệm để họ tự đánh giá về năng lực và tìm ra nguyên nhân khắc phục sai số trong các xét nghiệm sinh hóa; sẽ triển khai ngoại kiểm tra chất lượng xét nghiệm về huyết học, vi sinh, đông máu, nước tiểu; xây dựng bộ tiêu chuẩn về đảm bảo chất lượng xét nghiệm, các qui trình thao tác chuẩn trong xét nghiệm… để đưa các phòng xét nghiệm vào hoạt động qui chuẩn. Sau đó, trung tâm sẽ trình Sở Y tế ban hành qui định về việc liên thông và công nhận kết quả lẫn nhau giữa các bệnh viện tuân thủ các tiêu chuẩn về đảm bảo chất lượng xét nghiệm.

* Nếu người bệnh khiếu nại kết quả xét nghiệm của bệnh viện, họ có thể đến đâu để xét nghiệm lại nhằm xác định độ chính xác của kết quả xét nghiệm trước đó?

- Ngành y tế sẽ thành lập Trung tâm Xét nghiệm y khoa (ở quận 7). Trung tâm này có chức năng thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu, cao cấp và làm nhiệm vụ trọng tài trong xét nghiệm. Nếu bệnh nhân khiếu nại kết quả xét nghiệm của bệnh viện nào đó, trong tương lai trung tâm này sẽ thực hiện xét nghiệm và tham mưu cho Sở Y tế TP giải quyết khiếu nại đó.

* Xin cảm ơn ông.

 LÊ THANH HÀ  thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên