28/01/2007 17:06 GMT+7

Xem live show Thanh Ngân: trăn trở với cải lương

HÒA BÌNH
HÒA BÌNH

TTO - Đêm 27-1-2007, live show “Dòng sông chảy xuôi ra biển” của nghệ sĩ cải lương Thanh Ngân đã khá thành công khi đem lại những phút giải trí nhẹ nhàng, thoải mái cho khán giả. Nhưng rất nhiều trăn trở đọng lại sau chương trình trong lòng người nặng nghĩa với cải lương…

YQcGEiG9.jpgPhóng to
Thanh Ngân duyên dáng, xinh đẹp và nỗ lực trong vũ đạo ở trích đoạn cải lương hồ quảng Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, nhưng đáng tiếc phần trình diễn này lại "nhép"
TTO - Đêm 27-1-2007, live show “Dòng sông chảy xuôi ra biển” của nghệ sĩ cải lương Thanh Ngân đã khá thành công khi đem lại những phút giải trí nhẹ nhàng, thoải mái cho khán giả. Nhưng rất nhiều trăn trở đọng lại sau chương trình trong lòng người nặng nghĩa với cải lương…

Cải lương chỉ còn là cái cớ?

Điều thấy rõ đầu tiên là chương trình này có đầu tư trong dàn dựng và Thanh Ngân đã có nhiều cố gắng. Màn hình vải trên sân khấu có độ lớn khá ấn tượng, có những đội múa đông đảo, có kéo dây bay… Thanh Ngân rất sáng sân khấu để xinh đẹp, duyên dáng trên sàn diễn trong tất cả các vai. Cô còn chịu khó tập vũ đạo cải lương hồ quảng khá thành công để làm mới mình… Và rồi…

Đêm diễn cải lương này không mở màn bằng cải lương mà bằng liên tục ba bài ca nhạc - ca nhạc chứ không ca vọng cổ một câu nào - do ba diễn viên cải lương được coi là ngôi sao trẻ hiện nay, kể cả nhân vật chính Thanh Ngân, trình diễn.

Có cả một bài hát màu sắc kiếm hiệp do Thanh Ngân, Kim Tiểu Long mặc đồ cổ trang thể hiện, có cả kéo dây bay trên sân khấu như cải lương - nhưng cũng đơn thuần là ca nhạc.

2ozB5kwi.jpgPhóng to

Một tiết mục hài thuần túy của nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng và Minh Béo trong liveshow Thanh Ngân

Lại thêm liên khúc nhạc Trịnh Công Sơn Cát bụi - Tình xa do Ngân Quỳnh - chị Thanh Ngân - thể hiện theo “kiểu thính phòng” với violon, đội hát bè, cách nói, hát mang âm giọng Bắc càng xa lạ với màu sắc cải lương.

Màn hài giữa Minh Béo và Thanh Hằng cũng không có một câu vọng cổ hay ý tứ nào cho thấy nó dính dáng đến cải lương…

Nếu đếm tiết mục, xem ra cải lương đã bị yếu thế trong chương trình danh nghĩa là live show cải lương này.

Chấp nhận sự nghịch lý về vị trí của cải lương trong chương trình này cũng là chấp nhận thực trạng: Cải lương chỉ còn là cái cớ để nhà tổ chức và nghệ sĩ khai thác những phần có thể vì loại hình nghệ thuật này không còn đủ hay, đủ hấp dẫn để đứng một mình. Nghệ sĩ cải lương muốn tồn tại buộc phải diễn lắm thứ không phải là cải lương như ca nhạc, tấu hài. Khán giả được chiêu đãi những chương trình tổng hợp nhiều “chiêu” nhằm đánh bóng tên tuổi nghệ sĩ danh nghĩa “ngôi sao cải lương” hơn là một chương trình cải lương giàu tính nghệ thuật và hấp dẫn...

Song thực tế, thực trạng cải lương có phải đã đến lúc như thế?

Áo mão cân đai... còn gì nữa?

Cảnh trí của những trích đoạn cải lương trong Những dòng sông chảy xuôi về biển không ấn tượng lắm, xử lý khá dễ dãi với thành quách thiết kế sơ sài, đạo cụ mang dấu hiện đại như bàn hương án với bộ lư đồng cùng cặp đèn cầy quen thuộc ở thế kỷ 21. Mà cảnh trí bao giờ cũng là điểm mạnh để tạo không khí, tinh thần cho một vở cải lương vốn nặng về cốt truyện.

sPSq96aW.jpgPhóng to
Hình thức sân khấu với kỹ xảo bay và múa được chăm chút đầu tư trong một tiết mục ca nhạc thuần túy
Ngược lại, phần múa vốn thường giữ vị trí điểm xuyết, tô điểm trong các tuồng cải lương về mặt trau chuốt hình thức lại được đầu tư nhiều hơn với sự đông đảo về diễn viên, phong phú về trang phục. Phần nhiều các màn múa được đầu tư trong chương trình này lại để minh họa cho những tiết mục ca nhạc. Những phần múa phục vụ cải lương cố gắng được làm ấn tượng với những pha đánh nhau có nhào lộn… Tiếc rằng ấn tượng về những cố gắng này lại thoáng qua, không gắn kết lắm vào cảm nhận vở diễn.

Những cách thức cố gắng làm cải lương độc đáo, hấp dẫn hơn như phun khói đặc, rắc giấy kim tuyến, sử dụng lửa nhân tạo… cũng không nâng được không khí, tinh thần vở tuồng và cảm nhận của người xem lên cho lắm. Cái tinh tế mà người xem chăm chú theo dõi trong những trích đoạn vốn đã có dấu ấn rất sâu lại bị thể hiện hời hợt.

Khá nhiều câu nói, câu hát đậm chất văn chương, triết lý nhân sinh trong Bên cầu dệt lụa bị diễn viên nói, hát sai tùy tiện. Tính cách nhân vật được thể hiện tinh tế qua từng cử chỉ hành động tràn đầy tình cảm mà vẫn giữ lễ “nam nữ thụ thụ bất thân” của hai nhân vật Quỳnh Nga - Thanh Nga, Trần Minh - Thanh Sang đã ghi khắc vào lòng khán giả, trở thành di sản của cải lương cũng bị những người làm trích đoạn trong chương trình này xóa bỏ. Quỳnh Nga, Trần Minh ở đây yêu nhau, ôm nhau như tình nhân trong phim Titanic (?!).

Sự chỉn chu về tổng thể sân khấu bao gồm trang phục diễn viên từng làm nên tính kinh điển cho vở cải lương nổi tiếng này bị nhân vật nàng hầu của tiểu thư Quỳnh Nga do Thanh Hằng thủ diễn phá mất. Nàng hầu này “làm đẹp” còn hơn cô chủ của mình, đi chăn tằm dệt lụa với đôi bông tai sáng chói và cành hoa cài đầu.

Thanh Ngân cũng có kiểu đầu tư làm đẹp quá sức “ngạc nhiên”. Cô thay vành khăn đóng đội đầu quen thuộc rất Việt Nam của nhân vật Trưng Trắc thành một cái mão cầu kỳ rực rỡ, lấp lánh không biết kiểu Việt hay Tàu, nhìn vào khiến nhân vật bớt phần nền nã trang nghiêm.

ae7RcBRH.jpgPhóng to
Thanh Ngân với chiếc mão được "đầu tư" đáng ngạc nhiên và thiếu phần uy vũ bên trong mà Thanh Nga từng có ở vai Trưng Trắc
Thanh Ngân không làm mới hay kế tục được sự sâu sắc, tinh tế trong tính cách văn học ở hai nhân vật Quỳnh Nga và Trưng Trắc mà nghệ sĩ Thanh Nga đã tạo dựng cho cải lương. Quỳnh Nga của cô thiếu nền nã chừng mực, còn Trưng Trắc thiếu sự uy nghi, trầm tĩnh xuất phát từ nội lực bên trong chứ không phải những gào thét bên ngoài.

Ở live show này, không chỉ phần ca nhạc bị diễn viên nhép, giá trị “ca” của cải lương cũng bị mai một bởi ngay cả trích đoạn cải lương cũng bị diễn nhép…

Xem Những dòng sông xuôi về biển chợt liên hệ đến live show cải lương Tự tình quê hương. Khán giả, dư luận xã hội đã dành nhiều tình cảm ưu ái cho Tự tình quê hương bởi ở đó cải lương được tôn vinh, được trả về đúng giá trị sang - đẹp - thật và sâu lắng mà không cần những hào nhoáng bên ngoài. Những yếu tố bên ngoài nếu có thì phải góp phần phụ trợ nâng cải lương đi xa hơn chứ không làm cải lương bị chìm lấp, mất chất.

Nhiều live show cải lương của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng sắp được thực hiện với sự tham gia của những ông bầu giàu kinh nghiệm tổ chức, kinh doanh hiệu quả trên thị trường nghệ thuật.

Với sự tham gia của những nhà tổ chức, kinh doanh giỏi này, cải lương sẽ được làm theo hướng nào đây? Rồi cải lương sẽ được tiếp sức, vực dậy hay sẽ bị khai thác đến xói mòn kiệt lực?

HÒA BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên