![]() |
Các nhà nghiên cứu kinh tế luôn có quan điểm cần phải tăng cường sức mạnh, năng lực cạnh tranh của DN VN cả bằng quy mô lẫn chất lượng |
Đây là điều đáng phải cảnh báo, bởi lẽ trong khi các nhà nghiên cứu kinh tế luôn có quan điểm cần phải tăng cường sức mạnh, năng lực cạnh tranh của DN VN cả bằng quy mô lẫn chất lượng, đặc biệt trong bối cảnh hơn 96% DN VN có quy mô nhỏ và vừa, thì các DN dường như lại muốn co lại, thu mình lại để cảm thấy an toàn hơn.
Minh chứng dễ thấy nhất, thời sự nhất, nhưng cũng tồn tại lâu nhất mà chưa tìm được giải pháp hữu hiệu nào để cải thiện là việc rất ít hộ kinh doanh cá thể muốn đăng ký hoạt động theo Luật DN cho dù về khả năng cạnh tranh, tài chính... của họ “ăn đứt” nhiều DN.
Theo điều tra mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) về vấn đề này, nguyên nhân chính của tình trạng trên là chi phí để trở thành DN và hoạt động của DN quá lớn, không hấp dẫn so với khi họ cứ làm ăn “nhỏ nhẹ” như hiện tại.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm DN nhỏ và vừa (thuộc VCCI) cho biết: khá nhiều quy định mà những người thiết kế cứ nghĩ đơn giản thì lại trở thành một vấn đề lớn trong thực tế. Ví dụ như quy định: mỗi DN phải có một kế toán, thoạt nghe có vẻ như rất bình thường, hợp lý thì các DN nhỏ lại cho rằng, hoàn toàn không cần thiết vì họ có thể thuê dịch vụ ở các công ty chuyên ngành với giá rẻ hơn việc phải tuyển dụng một người có đầy đủ chứng chỉ hành nghề với công việc một năm vài lần lập báo cáo tài chính theo yêu cầu.
Có thể thấy một yêu cầu tưởng chừng rất nhỏ như vậy lại trở thành một rào cản lớn đối với kế hoạch nâng tầm các hoạt động sản xuất, kinh doanh của VN thông qua hình thức công ty hoá và hoạt động theo Luật DN.
Tại cuộc hội thảo mới đây về Khung khổ chính sách cạnh tranh của VN trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Hội thống nhất và bảo vệ người tiêu dùng (CUTS), cho dù Luật Cạnh tranh mới chính thức có hiệu lực, song khá nhiều ý kiến e ngại về tính khả thi của nhiều điều khoản, quy định, trong đó có những quy định liên quan đến tập trung kinh tế.
Ông Phạm Duy Nghĩa, Trưởng bộ môn Luật kinh doanh, Khoa Luật (thuộc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích rằng, không phải lúc nào tập trung kinh tế, liên kết kinh tế cũng bị cấm, nhất là đối với các DN VN.
“Chính sách cạnh tranh ở nhiều nước còn khuyến khích liên kết để giảm bớt những sức ép cạnh tranh chứ không để cạnh tranh tự nhiên theo kiểu phá giá như cách làm của không ít DN VN vừa qua. Chính vì vậy, có lẽ việc cần làm đối với pháp luật về cạnh tranh là định hướng đúng, thúc đẩy DN liên kết, để DN biết cách thoả thuận đúng luật, nhất là khi bước chân ra làm ăn ở nước ngoài, chứ không nên đưa ra rào cản buộc các DN e ngại vấn đề này”, ông Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, quan niệm hạn chế tập trung kinh tế do e ngại độc quyền của VN cũng cần được phân tích kỹ lưỡng hơn, bởi thực chất, độc quyền ở VN mang nhiều dấu ấn của độc quyền hành chính, độc quyền nhà nước... hơn là thông qua việc tích tụ, tập trung kinh tế.
Ông Võ Tòng Xuân, chuyên gia kinh tế cao cấp, Viện Kinh tế VN, bày tỏ quan điểm rằng mọi việc đều có mặt này, mặt khác. DN có hợp tác được với nhau, tham gia được vào “dây” kinh doanh thì mới có thể mạnh lên được.
“Không vì sợ những đường dây ma quỷ hay đường dây làm ăn ngầm giữa DN và công chức mà loại bỏ đi những liên kết thị trường. Hơn thế, độc quyền hành chính, rào cản bằng quy hoạch hay văn bản miệng... không thể giải quyết được bằng cách hạn chế quyền liên kết của DN, vì chính chúng mới là lực cản làm méo mó thị trường”, ông Xuân nói.
Nhiều DN cho rằng, trong mọi trường hợp, nếu các quy định của luật pháp chưa rõ ràng hay còn gây tranh cãi thì khi xảy ra chuyện gì, DN luôn là đối tượng bị gánh chịu hậu quả đầu tiên. Chính vì vậy, trong bối cảnh đang có nhiều thêm những luật lệ mới và cũng nhiều tranh cãi mới chưa có hồi kết, rất có thể DN sẽ áp dụng chiến lược xé nhỏ để giảm bớt rủi ro...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận