16/07/2018 11:29 GMT+7

Xe bánh mì cho sinh viên ghi nợ dài hạn

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - “Bà Bảy, bán cho con ổ bánh mì”. Bà nở nụ cười, xẻ ổ bánh mì kẹp thịt chả vào rồi đưa cho cậu học sinh. Cậu đưa ngón tay lên ra hiệu thay vì đưa tiền. Bà Bảy gật đầu, cười và dặn dò: “Vô ráng học, ra trường kiếm cái việc nghen”...

Xe bánh mì cho sinh viên ghi nợ dài hạn - Ảnh 1.

Phía sau xe bánh mì của bà Bảy là không biết bao cuộc đời sinh viên được cưu mang, giúp đỡ và trưởng thành - Ảnh: TRẦN MAI

Tôi hỏi: "Sao bà bán mà không lấy tiền?". Bà Bảy giải thích rằng: "Kệ, bán cho nó ăn no cái bụng mà học hành. Khi nào có tiền thì trả, không đứa nào "chạy làng" đâu".

Bà Bảy tên thật là Trương Thị Luốt (58 tuổi, thôn Liên Hiệp 2, P.Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi).

Bao năm bán nợ...

Đã bao mùa nắng mưa, nhiều thế hệ học sinh nghèo khó ở Trường trung cấp Nghề Quảng Ngãi (TP Quảng Ngãi) được no bụng nhờ vào xe bánh mì trước cổng trường. Có tiền hay không một xu dính túi vẫn nhận được bánh mì. 

Lật cuốn vở cũ nhàu với một danh sách dài ghi tên những "con nợ", bà Bảy chia sẻ: "Bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn bán nợ đó chứ. Có đứa đi mấy năm trời rồi cũng quay về trả. Gặp lại vui lắm vì biết được cuộc sống hiện tại của tụi nhỏ".

Trong cuốn sổ hiện tại của bà, số nợ đã lên đến gần 20 triệu đồng. Những cái tên Bình 350k, Hà 200k, Trung 900k... cứ nối dài ra. Người phụ nữ ngấp nghé lục tuần này bảo rằng cả đời làm cũng không khấm khá là bao, giờ có xe bánh mì đủ sống qua ngày. Tiền nợ này xem như "mình bỏ ngân hàng cho nhẹ đầu".

Đang trò chuyện thì Đinh Văn Ka bước đến: "Bán cho con ổ bánh mì không". Bà Bảy "lườm mắt" hỏi: "Hết tiền rồi phải không?". Ka gãi đầu tỏ vẻ bối rối, một ổ bánh mì có nhân thịt được bà Bảy làm cho: "Cầm đi con, hồi nào có tiền trả cho bà cũng được". 

Ka cảm ơn, cầm bánh mì chạy nhanh vào lớp, bà Bảy nói với theo: "Từ từ thôi, té là mất ăn đó". 

Lật cuốn sổ cũ ra, bà Bảy lướt qua thì số nợ Ka đã bước sang trang thứ ba và đạt ngưỡng gần 1 triệu đồng. Bà Bảy nói vui: "Nếu mà ngân hàng thì đây là nợ xấu rồi, thằng Ka người đồng bào dân tộc, đi học kiếm cái nghề sau này nuôi thân. Tui thương nó lắm, mong nó học thành nghề".

Những học sinh liệt vào danh sách "khi nào có thì trả" của bà Bảy là những người có hoàn cảnh rất khó khăn. Không chỉ những ổ bánh mì, bà Bảy còn đi tìm phòng trọ giá rẻ cho các "con nợ" ở và đứng ra bảo lãnh để chủ nhà an tâm.

Qua bao thế hệ học sinh ra trường, bà Bảy nhớ nhất là Nguyễn Trung Tâm, từ khi bước vào trường sáng nào cũng "mua chịu" bánh mì. Bà Bảy hỏi dò, biết hoàn cảnh khó khăn đã tìm phòng trọ của một người bạn và đứng ra "cam kết" để Tâm ở ghép, rồi tìm việc làm thêm cho Tâm trong suốt hai năm học. 

"Thằng Tâm có tiền trải qua hai năm học. Nó giờ làm ở Sài Gòn, tết rồi về khoe lương tháng 9 triệu đồng. Ngoài trả nợ, còn cho tui thêm 1 triệu đồng bảo để tui mua bánh mì cho đàn em" - bà Bảy tâm sự.

Bán bánh mì hay bất kỳ thứ gì thì ai cũng muốn “tiền tươi thóc thật”, vậy mà cô ấy cho học trò của trường ăn chịu, rồi giúp đỡ nhiều em vượt qua khó khăn. Cô ấy rất hiền lành, hòa nhã và sống rất có tâm. Cô Bảy là tấm gương rất đáng quý trọng
Thầy Đặng Hồng Sơn (bí thư Đoàn Trường trung cấp Nghề Quảng Ngãi)

Những chuyện để đời

Chuyện những "con nợ" trốn biệt sau khi ra trường, mãi đến mấy năm sau mới trở về trả chẳng lạ lẫm gì với bà Bảy. Hồ Văn Nam (dân tộc Cor, xã Trà Tân, huyện Tây Trà) kể lại câu chuyện của mình mà cứ nói: "Em cảm ơn cô Bảy nhiều lắm". 

Mấy năm trước, cha Nam qua đời sau cơn bạo bệnh, người mẹ sau đó có chồng mới rồi biệt xứ. Nam học hết cấp II thì xuống Trường trung cấp Nghề Quảng Ngãi theo học. Tiền chi tiêu của Nam phụ thuộc vào tiền Nhà nước trợ cấp hằng tháng 1,2 triệu đồng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Thế mà từ giữa năm 2017 đến đầu năm 2018, số tiền trợ cấp chưa về. 

"Em nợ bà Bảy nhiều quá nên trốn luôn không dám ra. Bà Bảy nói mấy bạn kêu em ra lấy bánh mì ăn sáng, rồi lo luôn tiền gạo, mắm ăn hằng tháng cho em. Hôm đó, hơn 30 đứa cùng quê em cũng ra ăn chịu, sau có tiền tụi em mới trả. Có đứa còn chưa trả cho bà Bảy..." - Nam kể.

Cách đây mấy tháng, khi bà Bảy đang ở nhà thì Nam điện thoại giọng run run: "Bà ơi, cháu bị tông xe". Bà Bảy lao ra hiện trường. May quá, Nam và người kia chỉ trầy nhẹ, cả hai xí xóa. Tuy vậy, Nam vẫn bị lập biên bản xử phạt vì chưa đủ tuổi lái xe. Bà Bảy trình bày hoàn cảnh của Nam, vì đi làm thêm về khuya mệt quá mới xảy ra chuyện. 

"Chú cán bộ thụ lý hồ sơ thương nên tha luôn. Xe em bị gãy nhún, bà Bảy cũng mang đi nhờ sửa giúp. Chú đó chỉ lấy tiền phụ tùng, không lấy công. Mà tiền phụ tùng bà Bảy cũng trả cho em luôn" - Nam kể.

Đâu chỉ bữa ăn, việc làm thêm mà bà Bảy còn "dài tay" quản luôn mấy việc hiềm khích xảy ra giữa học sinh của trường với thanh niên bên ngoài. Người dân nhiều lần chứng kiến bà Bảy lao vào giữa đám đông, giật cây, dao... trên tay đám trai mới lớn, "đuổi cổ" học sinh vào trường. Điện thoại báo công an xuống giải tán đám thanh niên bên ngoài.

Lưu dấu tấm lòng

Từ xe bánh mì ấy, tấm lòng bà Bảy lưu dấu lại ở khắp con đường hẻm phố và ban giám hiệu nhà trường. Các quán cà phê, cửa hàng tạp hóa, quán cơm... đã lưu số điện thoại của bà. Chỉ cần thấy bà Bảy gọi là hiểu. 

"Một là xin việc làm thêm cho học sinh, hai là xin bán nợ, cho ăn nợ. Thấy cô Bảy giúp mấy đứa, tụi tui cũng giúp theo" - chị An, chủ tiệm tạp hóa, chia sẻ.

Người dân nơi đây trân quý tấm lòng của bà Bảy nhiều hơn bởi ai cũng biết cuộc sống của bà chẳng khá giả gì. 21 năm bà cần mẫn với xe bánh mì, tiền lời cùng lắm 100.000 đồng/ngày. Chồng bà lái xe thuê. Giữa nghèo khó ấy, vợ chồng bà vẫn nuôi hai con tốt nghiệp đại học. Những ngày khó khăn, phải đóng học phí cho con, bà đi mượn tiền của hàng xóm chứ không nỡ đòi tiền nợ của học sinh.

"Chị ấy dù nghèo khó nhưng sống rất có tâm. Như hôm rồi có cậu học trò thiếu tiền của một quán cơm gần đó bị chủ quán chửi, chị ấy đến móc tiền trả. Có đứa không có tiền mua vé xe buýt về quê chị ấy lại móc túi ra cho. Nếu bán như chị Bảy thì tôi không bán đâu, toàn nợ tiền triệu thì bán chi được. Chị Bảy quá tốt tính" - cô Hoa, nhà đối diện cổng trường, tâm sự.

Tấm lòng ấy của bà Bảy cứ dài rộng ra và những câu chuyện về người đàn bà tốt bụng cũng được kể lại đến mức ly kỳ.

Xử lý cả chuyện thất tình của học sinh

Ở đây, chuyện gì của học sinh bà Bảy cũng quản được, kể cả chuyện thất tình. Đó là chuyện của cô nữ sinh Đ.T.N..

Cách đây mấy tháng, N. bị người yêu "đá". Buồn, N. khóc và nhắn tin cho bạn muốn tự tử. Đám trẻ bàn tán, bà Bảy nghe được, tức tốc chạy đến phòng trọ của N. xử lý "sự cố tuổi mới lớn". Ổn định tâm lý cho N. xong, bà Bảy điện thoại xin việc làm thêm cho cô.

Cô nữ sinh ngày nào thất tình, giờ đã chuyên tâm học nghề. "Lúc đó em buồn quá thôi, giờ bình thường rồi. Em cảm ơn bà Bảy lắm, hồi đó có bà chia sẻ rồi tìm việc làm cho nên chẳng buồn lâu" - N. cười hiền.

"Doanh nghiệp" nghĩa tình của cô bệnh nhân tan máu bẩm sinh 'Doanh nghiệp' nghĩa tình của cô bệnh nhân tan máu bẩm sinh

TTO - Ở tuổi 33, không chỉ nuôi mình, Thoan đang hỗ trợ 4 người cùng cảnh ngộ tại một “doanh nghiệp” mà lương chủ bằng lương nhân viên và những người thuê trọ không phải trả tiền nhà.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên