Phóng to |
Sở thích là một trong những tiêu chí để chọn ngành thi nên các thí sinh không nên bỏ qua. Trong ảnh: học sinh lớp 12 Trường thpt An Lạc, quận Tân Phú, tp.hcm đang tham quan phòng thực hành của khoa thiết kế thời trang và may mặc tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM |
Thành công trong tuyển sinh không chỉ đơn giản là trúng tuyển vào một trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Quan trọng hơn, thí sinh phải chọn được ngành học mình mong muốn ở trường có điều kiện đào tạo tốt nhất.
Hơn 4.000 ngành học
Có thể khẳng định chọn được một ngành học đúng ý nguyện của mình, làm cha mẹ vui lòng là việc làm khó khăn. Theo danh mục đào tạo của Bộ GD-ĐT, hiện có gần 300 ngành nghề đang được đào tạo tại các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Nếu tính theo trường, với số lượng gần 400 trường ĐH, CĐ, tổng số ngành đang tuyển sinh trong cả nước lên đến hơn 4.000 ngành.
Để chọn cho mình bước đi thích hợp sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), chuyên gia tuyển sinh khuyên học sinh phải xác định bạn muốn làm gì sau khi tốt nghiệp THPT, tìm hiểu thông tin về dự báo nhu cầu nhân lực, về các ngành trọng điểm, tìm hiểu thông tin về trường: ngành gì, học gì và ra trường làm được việc gì?
Sau đó các bạn phải hiểu chính bản thân mình bằng cách trả lời các câu hỏi như: Tại sao bạn quan tâm đến nghề nào đó? Điều gì là quan trọng nhất trong việc chọn nghề của mình? Lý tưởng nghề nghiệp của bạn là gì? Bạn dự định sẽ làm gì để theo đuổi nghề mình yêu thích? Thử xác định xem sở thích nghề nghiệp của bạn là gì? Phù hợp với những ngành nghề nào? Xác định năng lực học tập để xem bạn có cạnh tranh được với các thí sinh khác hay không, tham dự tư vấn chuyên sâu (nếu cần).
Việc xác định năng lực học tập có thể dựa vào kết quả học tập bậc THPT hoặc thử giải đề thi tuyển sinh ĐH. Tuy nhiên, cũng không nên quá bi quan nếu kết quả học tập còn thấp so với điểm chuẩn năm trước bởi nếu đã xác định được mục tiêu cũng như sở thích, năng lực học tập của mình, điều quan trọng là bạn phải lập kế hoạch hành động để đạt mục tiêu đã đặt ra.
Những sai lầm nên tránh * Chọn một cách nóng vội, không tuân thủ các bước cần thiết. * Thiếu sự tư vấn của những người am hiểu. * Bỏ qua sở thích của mình. * Cho rằng công việc lương cao là tiêu chí số 1. * Cố tình làm xáo trộn các thiên hướng của mình. * Nghĩ rằng theo học ngành nào sẽ phải làm việc với ngành đó suốt đời. * Chọn ngành theo nguyện vọng của người khác, dù đó là người thân. * Chưa có đầy đủ thông tin về ngành nghề dự định chọn. |
Một cách ngắn gọn hơn, TS Lê Thị Thanh Mai, ĐHQG TP.HCM, khuyên thí sinh nếu cảm thấy thích về lĩnh vực nào đó, chẳng hạn về tự nhiên, thích gắn bó máy móc, thích viết văn, làm thơ thì phân loại ngành học theo nhóm mình yêu thích.
Từ đó các bạn lên kế hoạch tập trung tìm hiểu những ngành nghề này, có thể là từ sách báo, các nguồn thông tin khác và cả sự hướng dẫn, tư vấn của thầy cô. Bước tiếp theo, các bạn sẽ tìm xem có những trường nào đào tạo.
Sau đó xem thử trường này đào tạo ngành nào, ra trường làm gì, học phí bao nhiêu. Bước nữa là các bạn nên xem cơ sở vật chất của trường, địa điểm của trường ở đâu. Sau cùng, các bạn xác định ngược trở lại sức học của mình có vào được ngành đó hay không.
Tránh những sai lầm
Ngoài ra, thích là một chuyện nhưng các bạn cũng phải căn cứ trên năng lực và đặc biệt xem tố chất của mình có phù hợp hay không. Những ngành đòi hỏi tố chất năng động nhưng các bạn thụ động lại thích thi vào thì nên xem lại.
TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), khuyên thí sinh nên chọn ngành mình có cảm giác yêu thích để sẵn sàng dấn thân, vượt khó trong quá trình học ĐH. Nếu có kết quả cao khi ra trường, cộng với sự yêu thích nghề nghiệp, chịu khó rèn luyện thêm các kỹ năng mềm sẽ giúp cơ hội kiếm việc làm sau này của các bạn rất cao.
Cơ hội việc làm tốt phụ thuộc vào sự đầu tư cho nghề nghiệp của mỗi cá nhân, chứ không phải đánh đều cho mọi người. Ngành các bạn yêu thích và phù hợp sẽ đem lại sự đãi ngộ cho mình. Không có ngành xấu, ngành thấp kém, chỉ có ngành không phù hợp với mình sẽ khiến mình khó thành công.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định được những yếu tố làm cơ sở để chọn ngành nghề, đặc biệt ở giai đoạn học sinh đang khá căng thẳng với việc học hành. Thậm chí không ít học sinh ngộ nhận với những đánh giá của mình. Cán bộ làm công tác đào tạo tại các trường cho biết hằng năm rất nhiều sinh viên sau một thời gian học tập đến xin chuyển trường, chuyển ngành do cảm thấy không phù hợp với ngành học. Không chuyển được, nhiều sinh viên chấp nhận thi lại để được học ngành phù hợp với mình.
Một chuyên gia tư vấn tuyển sinh giải thích nhiều học sinh có mong muốn khác nhau, mỗi bạn có cách thể hiện khác nhau, nhiều khi có sự tác động của môi trường xung quanh. Điều này làm các bạn bị nhiễu, khi trúng tuyển vào rồi thấy không vừa lòng với lựa chọn của mình bởi các em muốn làm vừa lòng cha mẹ, chọn ngành “hot” theo bạn bè.
Áo Trắng số Tân Niên (số 2) ra ngày 01/02/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận