Phóng to |
Phát học bổng |
Cách nay năm năm, ở xã Hương Mỹ phần đông học sinh chỉ học hết bậc THCS rồi nghỉ, ở nhà phụ giúp công việc đồng áng của gia đình hoặc đi làm tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Những em có chí cũng chỉ đeo đuổi nổi đến tốt nghiệp THPT. Nhiều em học giỏi nhưng gia đình nghèo, không đi thi đại học. Có em thi đậu đại học rồi đành bỏ vì gia đình lấy tiền đâu ăn học...
“Tự ái đồng bằng”
Thực trạng học sinh, sinh viên vì cái nghèo phải bỏ học giữa chừng khiến nhiều người sinh ra từ làng quê này, từng thành đạt không khỏi chạnh lòng. Ông Trần Đức Bỉnh, thành viên ban chấp hành (BCH) Hội Khuyến học xã Hương Mỹ (nguyên là giáo viên THPT), nói: “Đọc báo biết mặt bằng dân trí ở ĐBSCL rất thấp, lòng tôi rất tự ái, phải làm điều gì để quê hương mình thoát khỏi sự thấp kém đó”. “Tự ái đồng bằng” của ông Bỉnh cũng được nhiều người sinh ra ở quê hương này từng làm nên danh phận chia sẻ. Đó là các ông Lê Thành Hưng (nhà doanh nghiệp), Trương Thanh Cảnh (nguyên hiệu trưởng Trường Nguyễn Công Trứ, Tiền Giang), Trần Trung Minh (dược sĩ), Lê Văn Duyệt (sĩ quan quân đội nhân dân VN), Trần Việt Hùng (anh hùng quân đội)... Họ hợp tác lại vận động bà con trong làng có cùng tâm nguyện thành lập hội khuyến học.
Hội Khuyến học Hương Mỹ được thành lập ngày 11-3-2002, gồm 80 hội viên, BCH: chín người, đều là những người cao tuổi (người cao tuổi nhất là 82, người nhỏ tuổi nhất 55), nhưng đầy “tự ái đồng bằng”. Để tạo được nguồn quĩ cho học sinh, sinh viên nghèo, ông Lê Thành Hưng, chủ tịch hội, gương mẫu đóng góp 1 triệu đồng, còn các thành viên tùy khả năng đóng góp. Tiền quĩ ban đầu của Hội Khuyến học Hương Mỹ: 15 triệu đồng. Quĩ chưa nhiều nhưng hội bắt tay ngay vào việc giúp đỡ học sinh nghèo. Những đối tượng được hội giúp đều có hoàn cảnh đáng thương, như gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh: gia đình bộ đội - chồng chết, không đất canh tác, bà đi làm công giúp việc nhà ở TP.HCM nuôi bốn người con ăn học. Bốn người con của bà bữa đói bữa no nhưng đều cố gắng học giỏi; hoặc trường hợp hai anh em Lê Thanh Chân và Lê Thanh Chất ở ấp Bình Đông: nhà nghèo, đến ngày thi đại học gia đình không có tiền cho con đi thi, hội xuất quĩ cho mỗi em 500.000 đồng, cả hai đều thi đậu.
Nhận thấy mục đích của Hội Khuyến học Hương Mỹ là thiết thực, nhiều người dân ở Hương Mỹ cũng đồng tình chăm lo cho quĩ, mỗi người đóng góp một ít. Người nghèo “rớt mùng tơi” như anh Đoàn Minh Hoàng ở ấp Thị, làm nghề vá xe cũng tự nguyện đóng góp 100.000 đồng, số tiền anh phải vá 100 lỗ ruột xe đạp mới có được. Rồi những người con của Hương Mỹ đang sinh sống ở TP.HCM cũng góp tiền xây dựng quĩ khuyến học của quê hương mình. Họ còn vận động những người quen biết ở TP.HCM, thân nhân ở nước ngoài.
Đó là các ông, bà: Đoàn Lê Hương - Hội Chữ thập đỏ VN; bà Nguyễn Thị Thu Hà - khách sạn Omni, TP.HCM; ông Nguyễn Tấn Đạt - Công an quận 3... Ông Trương Thanh Cảnh, phó chủ tịch Hội Khuyến học xã, kể: “Ông cậu tôi là ông Nguyễn Hữu Phương Hùng, trước đây thấy chúng tôi nhiệt tình với Hội Khuyến học hay châm chọc: “Ăn cơm nhà làm việc không công”, nay thấy quĩ hội tiếp sức cho nhiều học sinh, sinh viên đến trường chẳng những khen mà còn nói với người cháu là bà Hoàng Thị Đáo Tiệp, Việt kiều Mỹ, góp quĩ đến 250 triệu đồng; bà Đoàn Lê Hương (con liệt sĩ Đoàn Văn Bơ) quê ở Hương Mỹ, vận động được Hội quán Nhị Phủ Miều ở quận 5, TP.HCM là tổ chức của người Hoa nhận lời giúp Hội Khuyến học xã Hương Mỹ.
Từ ngày thành lập đến nay, Hội Khuyến học Hương Mỹ đã xuất quĩ tiếp sức học sinh, sinh viên trên 2.000 suất, tổng số tiền gần 1 tỉ đồng.
Hai anh em “nhà khuyến học”
Phóng to |
Ban thường trực Hội Khuyến học Hương Mỹ |
Ý tưởng tiếp sức sinh viên nghèo đến trường bằng cách cho sinh viên mượn tiền đi học nảy ra từ việc em Nguyễn Văn Tiến ở Hương Mỹ, học sinh Trường THPT chuyên Bến Tre, thi đậu vào Đại học Bách khoa TP.HCM nhưng gia đình rất nghèo, không có tiền đi học. Gia đình em Tiến khuyên con chờ năm sau thi vào trường đại học sư phạm để không phải đóng học phí.
Nghe được sự việc này, ông Cảnh đến nhà em Tiến tìm hiểu. Biết được đây là một học sinh giỏi, ông Cảnh vận động em gái mình là giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu đồ hộp Á Châu ở ấp Đông Hòa, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho em Tiến mượn tiền ăn học. Bà Nguyệt nhận lời và không chỉ giúp một mình em Tiến, bà còn hỗ trợ mười sinh viên nghèo khác ở xã đi học. Mỗi sinh viên được bà cho mượn 300.000 đồng/tháng và cho mượn đủ 12 tháng trong năm (3.600.000 đồng/sinh viên/năm học) đến khi tốt nghiệp ra trường.
Sinh viên được mượn tiền đi học không phải thế chấp, trả lãi, chỉ cần viết giấy cam kết trả lại sau khi ra trường có việc làm ổn định. Bà Nguyệt còn quyết định: khi sinh viên trả lại vốn mượn, Hội khuyến học xã thu giữ sử dụng cho sinh viên khác mượn đi học. Sinh viên ra trường nếu muốn làm việc ở cơ sở sản xuất do bà làm chủ, sau thời gian thử việc nếu được, bà thu nhận và sẽ cho phân nửa số tiền sinh viên này đã mượn đi học. Vào đầu tháng 3-2007, nhận thấy vật giá tăng, bà Nguyệt quyết định tăng mức tiền cho sinh viên nghèo mượn đi học lên 400.000 đồng/tháng. Mỗi sinh viên được nhận một lần: 4.800.000 đồng cho một năm học.
Và sau mỗi mùa tuyển sinh đại học, người dân Hương Mỹ lại thấy ông già 77 tuổi rảo khắp xóm ấp, dò hỏi em nào thi đậu đại học có hoàn cảnh khó khăn để đề xuất em gái mình giúp đỡ.
Trước năm học 2005-2006 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai ở Hương Mỹ chỉ có 7-8 em thi đậu đại học, bà Nguyệt về treo giải thưởng khuyến khích học giỏi: học sinh nào thi đỗ vào trường đại học chính qui, bà thưởng 1.500.000 đồng. Mùa tuyển sinh năm 2006, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai của Hương Mỹ có số học sinh thi đậu đại học tăng vọt lên 41 em.
Qua chương trình cho sinh viên mượn tiền đi học do bà Trương Thị Nguyệt tài trợ, từ năm 2001 đến nay đã cho trên 70 sinh viên mượn với số tiền trên 600 triệu đồng. Đã có 40 sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm thu nhập khá, như em Phạm Thị Mai ở ấp Bình Tây tốt nghiệp Đại học Kinh tế; em Lê Thị Thoa ở ấp Thạnh Tây tốt nghiệp Trường Công nghệ thực phẩm TP.HCM... 99% sinh viên tốt nghiệp ra trường đều hoàn lại tiền đã mượn đi học trước đây. Ông Nguyễn Văn Đầy, phụ huynh của em Nguyễn Văn Tiến, tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM, nói rất chí tình: “Quĩ cho sinh viên đi học giống như bắc một cây cầu bước tới vùng tươi sáng, nếu không trả lại không khác gì qua sông rồi rút bỏ cây cầu”.
Ở Công ty TNHH xuất nhập khẩu đồ hộp Á Châu có năm sinh viên quê ở Hương Mỹ sau tốt nghiệp ra trường đã được nhận vào làm việc.
Chương trình cho sinh viên nghèo mượn tiền đi học của anh em “nhà khuyến học” ở Hương Mỹ đang được nhân rộng, từ năm học 2005-2006 Hội Khuyến học Hương Mỹ vận động được thêm hai nhà hảo tâm nữa là bà Võ Thị Hảo (Việt kiều Canada) và bà Hoàng Thị Đáo Tiệp (Việt kiều Mỹ) thành lập hai chương trình mang tên: chương trình Võ Thị Hảo và chương trình Hoàng Xuân Nhị. Hai chương trình này cho thanh niên học nghề trung cấp, cao đẳng mượn vốn đi học với mỗi năm 2.700.000 đồng/người. Từ năm học 2005-2006 đến nay, đã có 30 thanh niên được mượn vốn của hai chương trình này học nghề.
Nhận xét về Hội Khuyến học Hương Mỹ, ông Ngô Thành Nhân - chủ tịch UBND xã Hương Mỹ, cho biết: “Nhờ Hội Khuyến học hoạt động tích cực, năm 2003 xã đã hoàn thành phổ cập THCS. Từ nhiều em học hành thành đạt, nhận thức học tập để có việc làm đã phổ biến trong thanh niên và gia đình. Từ năm 2003 đến nay, thanh niên trong độ tuổi đều học hết THPT, tỉ lệ đậu đại học trên 20%”...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận