![]() |
Ngày nay người Mỹ ăn hơn 875 tấn cá hồi mỗi ngày. Ảnh: TL |
Một thay đổi nhỏ tiết kiệm hàng trăm triệu USD
Khởi đầu từ đầu thập niên 1990, một thay đổi lan rộng của dòng sản phẩm mà mọi người Mỹ trưởng thành sử dụng hàng ngày - thuốc khử mùi hôi thân thể. Wal-Mart (W-M) thấy cái hộp giấy bồi đựng loại thuốc này là thứ vô giá trị. Sản phẩm đã chứa sẵn trong một lon thiếc hay trong một ống nhựa chí ít cũng bền chắc như cái hộp giấy, nếu không nói là bền chắc hơn.
Cái hộp ấy choán chỗ trên kệ bày hàng. Nó phí phạm giấy bồi. Vận chuyển cái trọng lượng giấy bồi ấy làm phí phạm nhiên liệu. Bản thân cái hộp lại tốn tiền thiết kế, sản xuất - thậm chí lại tốn tiền bỏ lọ thuốc khử mùi vào trong hộp chỉ để cho người tiêu dùng mất công lôi ra và vứt cái hộp giấy đó vào thùng rác. Với một quyền lực riêng thầm lặng nhưng không thể kháng cự mà W-M có thể áp đặt, nhà bán lẻ này yêu cầu các hãng sản xuất thuốc khử mùi phải bỏ luôn cái hộp đi.
Trọn vẹn nhiều khu rừng đã không bị đốn hạ một phần là vì cái quyết định đòi huỷ bỏ cái hộp ban hành từ văn phòng trung tâm của W-M trên giao lộ đại lộ Walton và đường SW số 8 ở Bentoville, bang Arkansas. Hoá ra cái hộp ấy lại tốn thêm khoảng 5 xu cho mỗi lọ thuốc. W-M đương nhiên chia đôi khoản tiết kiệm được - để cho hãng sản xuất thuốc khử mùi giữ lại vài xu và chuyển vài xu tiết kiệm còn lại cho những người tiêu dùng.
Tiết kiệm 5 xu trông có vẻ vụn vặt, cho đến khi ta làm một phép toán. Với 200 triệu người trưởng thành ở nước Mỹ, nếu ta chỉ tính 5 xu cho một lọ khử mùi nằm trong tủ thuốc gia đình ngay lúc này thì đó là khoản tiết kiệm 10 triệu USD, trong đó người tiêu dùng được giữ một nửa, 5 triệu USD, chỉ nhờ một thay đổi nhỏ người tiêu dùng không hề hay biết từ hơn một thập niên trước.
Nhưng sự thay đổi này, và khoản tiết kiệm này, luôn lập lại, và thường xuyên. Người Mỹ đang tiết kiệm 5 triệu USD bằng những đồng 5 xu - năm hay sáu lần trong một năm - đều đặn như thế mỗi khi cần một lọ thuốc mới.
Nước Mỹ đã tiết kiệm hàng trăm triệu đôla từ khi cái hộp giấy đựng thuốc khử mùi biến mất. Hàng triệu cây rừng đã không bị đốn, bao héc-ta giấy bồi không còn được sản xuất chỉ để vứt bỏ, một tỉ hộp giấy thuốc khử mùi đã không còn chôn vùi trong hố rác thải mỗi năm.
Khu vực quanh Puerto Montt , cách thủ đô Santiago của Chile gần 1.000 km về phía nam, bây giờ có 800 trại nuôi cá hồi, và ngành công nghiệp nuôi cá này đã cung cấp 1/10 tổng số việc làm của cả khu vực. Năm 2005, Chile xuất khẩu lượng cá hồi tươi đóng thùng trị giá 1,5 tỉ USD, 40% của số đó là xuất sang Mỹ. Cá hồi hiện là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ nhì của Chile, đứng sau đồng đỏ và đứng trước trái cây. Nhưng Chile 12 năm trước không hề có cá hồi! Đó là sự thực. |
Trong các đại siêu thị W-M, những miếng cá hồi tươi roi rói bày bán với giá 4,84 USD nửa cân. Chúng đã cố gắng vượt qua hơn 8.000 cây số từ miền nam Chile để đến Mỹ trong vòng 48 giờ mà không cần phải đông lạnh. Đó là một cái giá thấp đến mức với số tiền 4,84 USD ta cũng không thể nào gửi bưu điện nửa cân cá hồi ngược về Chile. W-M đã làm gì mà có được cá hồi với giá rẻ như thế?
Trong năm 1990, nước Mỹ đã ăn 225 tấn cá hồi mỗi ngày. Ngày nay, mức tiêu thụ là hơn 875 tấn mỗi ngày. Hết thảy cá hồi bày bán ở Mỹ đều thuộc giống cá hồi Đại Tây Dương – giống cá này sống tự nhiên trong môi trường Đại Tây Dương nhưng lại là giống cá lựa chọn của các ngư dân nuôi cá hồi vì giống này tương đối lành tính và phát triển nhanh.
Giống cá hồi Đại Tây Dương là sinh vật đang có nguy cơ tuyệt chủng và không thể đánh bắt được ở vùng biển Bắc Mỹ. Và hầu hết loại cá hồi người Mỹ tiêu thụ xuất phát từ Chile – chiếm 65%; phần lớn số cá hồi còn lại nhập khẩu từ Canada. Chính từ con cá hồi, W-M đã làm biến đổi cả nền kinh tế và môi trường của xứ sở Trung Mỹ này.
Giống cá hồi Đại Tây Dương không những không phải là giống cá bản địa của Chile – bờ biển Chile chạy dọc theo Thái Bình Dương. Giống cá hồi Đại Tây Dương không xuất hiện tự nhiên ở bất kỳ đâu phía nam xích đạo. Chuyện nuôi cá hồi ở Chile chẳng khác gì mang chim cánh cụt lên nuôi ở vùng núi nhiệt đới.
Nhưng bây giờ, số lượng cá hồi Đại Tây Dương ở Chile không chỉ nhiều hơn cả dân số nước này mà còn nhiều hơn cả chục lần, thậm chí cả trăm lần. Chile hiện nay thu hoạch cá hồi nhiều hơn bất cứ nước nào trên thế giới, hơn cả Na Uy. Ngay cả khi giá cá hồi giảm dần, giá trị xuất khẩu cá hồi của Chile vẫn tăng gần 70% trong vòng 5 năm qua. Chile còn muốn tăng thêm lượng xuất khẩu cá hồi thêm 50% nữa vào năm 2010.
Và huỷ hoại môi trường ở xứ sở Trung Mỹ này
![]() |
Vịnh biển Puerto Montt, Chile có 800 trại nuôi cá hồi. Ảnh: TL |
Ngành nuôi cá hồi cũng bắt đầu chuyển hoá cả môi trường và hệ sinh thái của miền nam Chile. Với hàng chục triệu con cá hồi đang sống trong những vịnh san hô mênh mông, thực phẩm và phân dư thừa của chúng lắng xuống đáy biển phía dưới những chiếc lồng nuôi, và hàng chục nhà máy chế biến cá hồi tống luôn tất cả lòng ruột cá hồi không chế biến thẳng ra đại dương.
Năm 1985, tổng thu hoạch cá hồi nuôi nhân tạo toàn thế giới là 50 ngàn tấn. Hai mươi năm sau, năm 2005, riêng Chile xuất sang Mỹ 10 ngàn tấn, chỉ tính riêng trong mỗi tháng giêng. Nhờ sức mua của Wal-Mart !
Wal-Mart không chỉ là một khách hàng khác của những con cá hồi nuôi ở Chile. W-M là hãng bán cá hồi số 1 hoặc số 2 ở Mỹ (hãng bán cá hồi hàng đầu khác là Costco), và W-M mua toàn cá hồi từ Chile. W-M thực tế có thể đã mua hết 1/3 lượng cá hồi hàng năm Chile xuất khẩu sang Mỹ.
Cách mua tập trung vào một khu vực sản phẩm mới phát triển phần nào giải thích được tại sao W-M có thể bán cá hồi với giá 4,84 USD nửa cân ở các đại siêu thị khắp nước Mỹ. Cá hồi Chile cần thị trường, W-M có 1906 đại siêu thị có bán thực phẩm.
Kiểu mua tập trung ấy cũng cho W-M và khách hàng của mình một cửa sổ độc đáo để nhìn thấy tác động của mọi việc nuôi cá hồi, mua cá hồi, và bán cá hồi đang diễn ra cách xa Bentoville ngàn dặm, tận miền nam Chile. Để W-M có thể bán cá hồi giá 4,48 USD nửa cân, cái giá phải trả là một lớp chất thải độc hại dưới đáy vịnh biển Thái Bình Dương của Chile.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận